Liên tục từ chối trả lời...
Những ngày qua, nhiều văn bản của tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, cũng như yêu cầu các nhà hàng, hộ kinh doanh... ký cam kết kinh doanh bia Sài Gòn và mời chào người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của tỉnh, khiến dư luận xôn xao.
Theo nội dung trên các văn bản này, các nhà hàng phải cam kết ưu tiên sử dụng, tích cực mời chào để người tiêu dùng tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm trên, nhằm góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, chung tay xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Chưa dừng lại tại đó, theo phản ánh, có xã còn đọc loa hàng tuần, dựng tiết mục văn nghệ để dân biết chủ trương uống bia Sài Gòn là ủng hộ ngân sách của tỉnh. Không ít xã còn đã được phát đĩa có nội dung tuyên tuyền về việc sử dụng bia Sài Gòn...
Tiết mục văn nghệ của xã Hộ Độ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vừa đạt giải ba cuộc thi của huyện, có đoạn viết: “Chẳng mấy khi có dịp về nơi biển/ Thăm sức khỏe bà, thăm cháu thăm con/ Được uống bia Sài Gòn Hà Tĩnh/ Sảng khoái lắm bà ơi thêm mát dạ mát lòng...”.
Trước thông tin này, trong ngày 23, 24/9, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh để làm rõ, tuy nhiên, đều không nhận được hồi âm.
Lãnh đạo một số Sở, đơn vị có liên quan của tỉnh khi nghe chúng tôi đề cập đến thông tin trên đều nêu lý do bận, đang họp hoặc đang đi công tác.
Về phía lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco), khi được hỏi, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc cho biết đang đi công tác và từ chối trả lời.
Chúng tôi cũng đã cố liên hệ với một số lãnh đạo khác của Sabeco, nhưng cũng không nhận được hồi âm.
Cần xem xét kỹ
Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, hiện nay, Nhà nước có chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên nếu họ khuyến khích dùng hàng Việt thì điều đó là tốt.
Trong luật cạnh tranh họ có quy định rõ về việc cạnh tranh không lành mạnh. Các lãnh đạo địa phương nếu vi phạm luật cạnh tranh thì xử lý theo luật cạnh tranh.
“Nếu họ làm đúng thì phải xem xét kỹ trong trường hợp cụ thể. Tôi chưa nắm rõ thông tin và điều tra rõ nên chưa dám có kết luận chính thức” – ông Việt nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp sản xuất bia (xin giấu tên) cho biết, việc Hà Tĩnh làm như vậy đã tạo một sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị sản xuất bia trong cả nước.
Việc làm đó cũng tạo đặc quyền, đặc lợi cho một doanh nghiệp và gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khác.
"Nói bia Sài Gòn là hàng Việt thì bia Hà Nội hay bia Huda, bia Halida, bia Đại Việt... cũng là hàng Việt cả chứ đâu có phải hàng nước ngoài.
Chúng tôi không đồng tình với cách làm của tỉnh này khi tạo đặc quyền riêng cho một doanh nghiệp nào đó và ở đây, thị trường Hà Tĩnh đang chẳng khác gì một cái "ao làng" cả", vị này nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm, Sabeco đóng hơn 200 tỷ tiền thuế cho Hà Tĩnh
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà máy bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, thuộc Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.
Công suất của nhà máy khi hoàn thành là 50 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư trên 480 tỷ đồng, hoàn thành và chính thức đi vào sản xuất giai đoạn I từ tháng 2/2013.
Bên cạnh đó, nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh đã lắp đặt hệ thống dây chuyền chiết lon công suất 36 ngàn lon/h, tương đương 70 triệu lít/năm và hoàn toàn tự động.
Dây chuyền này được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức và đã chính thức đưa vào sản xuất thương mại.
Theo thống kê, trong năm 2014, nhà máy này đã sản xuất được hơn 43 triệu lít bia, tổng doanh thu đạt hơn 783 tỷ đồng và nộp ngân sách cho tỉnh Hà Tĩnh 306,1 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, nhà máy đã sản xuất được hơn 28 triệu lít bia, tổng doanh thu đạt 505,9 tỷ đồng, nộp thuế cho ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh 214,3 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2015 sẽ sản xuất được 50 triệu lít với doanh thu đạt hơn 884 tỷ đồng, đóng góp ngân sách cho Hà Tĩnh là 360 tỷ đồng.
(Số liệu lấy từ website của Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh)