Báo cáo công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – GĐ Công an Hà Nội cho hay: Trong 10 đầu năm 2013, Hà Nội đã phát hiện trên 4.500 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 485 vụ xảy ra từ năm 2012 trở về trước được phát hiện qua công tác điều tra khai thác, mở rộng vụ án; trong số này có 192 vụ trọng án, chiếm 4,2% tổng số vụ phạm pháp hình sự, giảm 36 vụ (15,8%) so với cùng kỳ năm trước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc (Ảnh: TTXVN)
Theo đánh giá, phạm pháp hình sự tăng trên địa bàn thành phố chủ yếu do kinh tế có nhiều khó khăn tác động đến đời sống xã hội, tình trạng thất nghiệp gia tăng, sự đổ vỡ của một số tổ chức tín dụng làm phát sinh các mâu thuẫn trong vay nợ, dẫn đến sự gia tăng của các loại tội phạm cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ, cùng với đó là các loại tội phạm xâm phạm sở hữu cũng gia tăng. Số vụ phạm pháp hình sự tăng chủ yếu ở địa bàn các huyện, có đến 25% số vụ trọng án là do các đối tượng tỉnh ngoài đến gây án.
Cũng theo báo cáo của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, thời gian qua, tội phạm buôn lậu trên địa bàn Thủ đô cũng diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước đối với Việt kiều hồi hương để nhập khẩu, buôn bán ô tô nhằm trốn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Đánh giá về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của TP. Hà Nội thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay: TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 20% tội phạm cả nước. Vì vậy, hai thành phố phải quan tâm chú trọng công tác phòng ngừa xã hội và kịp thời phát hiện, đấu tranh tích cực đối với các mâu thuẫn trong nhân dân. Cần tiếp tục tuyên truyền tốt để phát huy mạnh các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, với các mô hình như “hộ tự phòng, số nhà tự quản”, “cụm tổ liên kết về an ninh trật tự”, “tổ hòa giải 5 tốt”...
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an cho rằng: Hà Nội cần chú ý đến tội phạm tín dụng đen với nhiều ổ nhóm để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; đồng thời cần chú ý phòng ngừa tội phạm do các nguyên nhân mâu thuẫn xã hội. Hiện nay, các băng nhóm tội phạm có vũ khí đang có dấu hiệu gia tăng, Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo khu vực giáp ranh và nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân. Bên cạnh đó, Thành phố cần chú ý hoạt động lưu động của các tội phạm tỉnh ngoài tràn vào Thủ đô trong dịp Tết nguyên đán.
Phát biểu tại buổi làm việc, ngoài biểu dương những thành tích mà Công an Hà Nội đã đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng thời gian qua, hoạt động của tội phạm hình sự ở Hà Nội còn phức tạp, công tác nắm tình hình của lực lượng chuyên trách đôi lúc, đôi nơi chưa nhạy bén kịp thời, còn để xảy ra nhiều vụ trọng án. Phó Thủ tướng nhận định, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là “vùng trũng” của tội phạm. Do vậy, phòng chống tội phạm phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội cần kiểm tra, đôn đốc, tập trung quyết liệt cho công tác này, nhất là phòng ngừa phạm pháp hình sự để xây dựng một xã hội an toàn; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đặc biệt là vai trò cấp ủy các cấp. Nơi nào phát sinh tội phạm trước hết phải xử lý trách nhiệm trưởng công an phường, trưởng công an quận về hành vi bao che, dung túng tội phạm; phải truy tố trước pháp luật nếu phát hiện có bảo kê, bỏ lọt tội phạm…