Lời tòa soạn: Vụ án đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài đã tạm khép lại với mức án 18 năm dành cho Dương Tự Trọng – em trai của Dương Chí Dũng. Nhiều ý kiến cho rằng bản án đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tuy nhiên, một số người khác thì lại băn khoăn về sự cân nhắc giữa tình và lý sao cho trọn vẹn, mức án 18 năm tù là quá nặng với động cơ là "giúp đỡ" người ruột thịt.
Để mang tới cho Quý độc giả cái nhìn đa chiều hơn, Báo điện tử Trí thức trẻ đăng tải loạt bài phỏng vấn những người nổi tiếng, có trách nhiệm trong xã hội. Trong loạt bài này, họ phải nhập vai để trả lời câu hỏi: NẾU HỌ LÀ DƯƠNG TỰ TRỌNG, HỌ SẼ LÀM GÌ? GIÚP DƯƠNG CHÍ DŨNG CHẠY TRỐN? KÊU GỌI ANH TRAI TỰ THÚ HAY ÁN BINH BẤT ĐỘNG?
Cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi được tiến hành với Luật sư Lê Đức Tiết - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - một người đã có những quan điểm cực kỳ quyết liệt trong nhiều vụ án lớn thời gian qua như: Cưỡng chế Tiên Lãng - Hải Phỏng, vụ cưỡng chế Văn Giang - Hưng Yên.
Ngày xưa trò tố thầy, con tố bố mẹ cũng là một tội
PV: Thưa ông, quan điểm cá nhân của ông như thế nào trước những băn khoăn về sự cân nhắc giữa tình và lý trong luật pháp?
LS Lê Đức Tiết: Trong bản tính, người Việt Nam luôn tôn trọng cuộc sống phải có tình, có lý. Có tình, có lý mới vẹn cả đôi đường. Người Việt Nam không bao giờ chỉ thiên về tình hoặc chỉ thiên về lý. Tất nhiên trong xã hội có những người nặng về tình mà nhẹ về lý, nhưng cũng có người nặng về lý mà nhẹ về tình. Nói chung xã hội Việt Nam là một xã hội thuần nông, một xã hội rất đoàn kết vì văn minh của người Việt Nam là văn minh lúa nước. Không chỉ trong đấu tranh, trong sản xuất, người Việt Nam cũng phải đoàn kết chống bão lụt. Từ xưa đến nay đoàn kết vẫn là sức mạnh. Mà đoàn kết phải dựa trên cơ sở tình lý vẹn cả đôi đường. Xã hội Việt Nam phát triển theo triết lý đó. Cho nên trong luật pháp, vấn đề tình – lý đều có cân nhắc.
Với con người Việt Nam, ở trong gia đình có tình cha mẹ, tình vợ chồng, tình anh em; với xã hội có tình làng, nghĩa xóm, có tình đồng bào, nghĩa dân tộc, tình quốc gia. Cho nên người ta có thể phản đối những hành động sai của nhau nhưng cũng có thể tha thứ cho nhau khi phạm phải những sai lầm. Do đó, trong luật pháp của Việt Nam, từ luật pháp cổ cho đến luật pháp hiện nay, đều có đặt vấn đề giải quyết tình - lý.
Trong luật pháp cổ từ thời Lý, Trần, đặc biệt là thời Lê, con tố cáo cha mẹ là một tội, trò tố cáo thầy cũng là tội nhưng có loại trừ trường hợp như phản lại Tổ quốc, phản lại ngôi vua. Cho đến luật pháp ngày nay của chúng ta cũng như thế thôi.
Luật pháp ngày nay của chúng ta quy định “không tố cáo tội phạm” là một tội hình sự nhưng không phải là không tố cáo tất cả loại tội hình sự thì đều phạm tội. Những tội phạm không nghiêm trọng, những tội phạm thông thường thì không tố cáo tội phạm không phải là tội phạm. Tuy nhiên, nếu đó là tội gián điệp, tội phản bội Tổ quốc thì người phạm tội dù là bố, mẹ, chồng, vợ, con cái ai người đó cũng phải tố cáo với Nhà nước. Vấn đề ở đây là đặt lợi ích của toàn thể dân tộc, lợi ích sống còn của đất nước lên trên lợi ích cá nhân. Cách đặt vấn đề của mình như vậy là đúng.
Đây là trường hợp Nhà nước "nuôi ong tay áo"
PV: Đối với trường hợp cụ thể là phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng thì sao, thưa Luật sư?
LS Lê Đức Tiết: Trong vụ Dương Tự Trọng, HĐXX đã tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù. Có người cho là nặng vì cho rằng Dương Tư Trọng do gắn bó với tình cảm anh em ruột mà phải làm.Trong trường hợp này, Dương Chí Dũng phạm tội tham nhũng ở mức độ nghiêm trọng. Nếu Dương Tự Trọng một mình làm mà không sử dụng những người thuộc quyền của mình vào việc giúp anh trai bỏ trốn thì có thể có được châm chước vì nói cho cùng thì tội của Dương Chí Dũng không phải là tội phản bội Tổ quốc.
Nhưng vấn đề ở đây là, Dương Tự Trọng đã lợi dụng chức quyền. Việc làm của Trọng trong việc sử dụng chức quyền của mình giống như việc Nhà nước đã “nuôi ong tay áo”. Công an là cơ quan để phát hiện, đấu tranh tội phạm nhưng lại dùng cơ quan công an đó để che giấu tội phạm thì không thể chấp nhận được nên tôi mới nói rằng đây là trường hợp “nuôi ong tay áo”. Mức án nặng dành cho Dương Tự Trọng nằm ở chỗ đó. Một mình anh ta phạm tội thì đã đành, anh ta lại còn kéo nhiều cấp dưới của mình phạm tội theo thì tội đó nặng thêm, anh ta có gánh được tù cho những thuộc cấp không? Thực tiễn xét xử ở Việt Nam cho thấy những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội chưa được xử lý nghiêm. Đây là những đòn giáng mạnh vào sức mạnh và uy tín của nền công lý xã hội chủ nghĩa.
Theo tôi nghĩ, HĐXX phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù là xứng đáng. Đó không phải là mức án tối đa trong khung hình phạt. Nếu anh ta không sử dụng cấp dưới của mình thì hình phạt cũng nhẹ và có thể nhẹ dưới khung quy định. Tuy nhiên, anh ta lại sử dụng bộ máy, đẩy Nhà nước vào tình trạng “nuôi ong tay áo” nên mức án 18 năm tù là xứng đáng.
PV: Thưa luật sư, nếu đặt mình ở vị trí của Dương Tự Trọng, ông sẽ xử lý như thế nào khi phải lựa chọn giữa pháp luật và anh trai mình?
LS Lê Đức Tiết: Dương Tự Trọng tuyệt đối không được sử dụng cấp dưới của mình để giúp đỡ anh bỏ trốn mà theo tôi, Dương Tự Trọng phải dùng những hiểu biết của bản thân để khuyên Dương Chí Dũng ra tự thú. Đó là phương án tối ưu và đó là cách để Dương Tự Trọng giữ được tình lý vẹn cả đôi đường.
PV: Trong trường hợp Dương Tự Trọng khuyên rồi mà Dương Chí Dũng vẫn không ra tự thú thì Dương Tự Trọng nên làm như thế nào, thưa ông?
LS Lê Đức Tiết: Có nhiều cách xử sự nhưng trong trường hợp này, nếu người ta phân công Dương Tự Trọng điều tra vụ án này thì Dương Tự Trọng nên “hồi tỵ” tức thoái thác để đảm bảo tính khách quan trong điều tra.
Xin trân trọng cảm ơn luật sư đã chia sẻ!