Phóng viên người Úc xếp hàng 5 tiếng để viếng Đại tướng

Thiên Di |

(Soha.vn) - Rất nhiều người nước ngoài cảm thấy bất ngờ, xúc động khi thấy dòng người xếp hàng dài đợi chờ được vào tiễn biệt vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam đã để lại vô vàn tiếc thương cho hàng triệu người dân Việt. Ngày 9/10, dòng người đổ về con phố Hoàng Diệu mong một lần được tiễn biệt vị Tướng huyền thoại của dân tộc về nơi an nghỉ ngày một đông. Hàng trăm người xếp hàng dài dọc từ Lăng Chủ tịch đến đường Hoàng Diệu lặng lẽ bước chậm rãi chờ đến lượt.

Trong số ấy, có những người ngoại quốc được biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sách lịch sử, phim tài liệu, báo chí hay từ những câu chuyện của bố, mẹ…cũng khiến họ cảm phục, xót xa.

Chưa bao giờ thấy cảnh tượng này trên thế giới

Hòa chung vào dòng người, John – Phóng viên Tạp chí Viet Nam Economics Magazine, đến từ nước Úc cho biết: “Ở Việt Nam đây là lần thứ hai tôi được chứng kiến cảnh tượng người dân xếp hàng dài để vào viếng, chia buồn một người lãnh đạo. Trước, tôi chỉ thấy người dân vào viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đợi ở đây 5 tiếng rồi và mong được vào bên trong bày tỏ sự kính trọng của mình đối với Đại tướng”.

John (người Úc) chia sẻ rằng chưa bao giờ ông thấy cảnh tượng người dân xếp hàng dài để vào tiễn biệt vị Tướng của dân tộc như thế này.

John (người Úc) chia sẻ rằng chưa bao giờ ông thấy cảnh tượng người dân xếp hàng dài để vào tiễn biệt vị Tướng của dân tộc như thế này.

John cho biết, tìm hiểu qua sách báo thì điều ông ấn tượng nhất về Đại tướng chính là cách tổ chức binh lính trước khi ra trận.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm ngạc nhiên thế giới rất nhiều từ các sự kiện năm 1954, 1975 của quân dân Việt Nam. Một bên vũ khí thô sơ đánh thắng lượng lượng hùng hậu được tranh bị vũ khí tối tân nhất. Và lực lượng bị đánh bại đã quay lại thán phục Tướng Giáp”, ông John chia sẻ.

Kiến trúc sư người Ý: “Tôi có cảm xúc đặc biệt”

Là người sống ở Việt Nam, Francesco Azzolio – kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia có sở thích được tìm hiểu lịch sử và khám phá các vùng đất Việt. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết đã 2 lần đến Hoàng Diệu để ghi lại những hình ảnh đáng quý về nỗi đau mất mát, tiếc thương của người dân Việt dành cho vị tướng của dân tộc.

Bức ảnh Francesco Azzolio chụp lột tả nỗi đau của người dân Việt trước sự ra đi của Đại tướng.

Bức ảnh Francesco Azzolio chụp lột tả nỗi đau của người dân Việt trước sự ra đi của Đại tướng.

“Tôi biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những cuốn sách của nữ phóng viên chiến trường người Ý Oriana Fallaci – người đã từng viết về chiến dịch Điện Biên Phủ, phỏng vấn Tướng Võ Nguyên Giáp. Khi thấy dòng người xếp hàng dài dưới nắng như thế này, tôi rất xúc động và cảm thấy đặc biệt khi có cả người già, trẻ em, đặc biệt là lớp trẻ”, kiến trúc sư chia sẻ.

Chàng trai người Pháp: “Tôi đã từng được thăm nhà Đại tướng”

Vicent (30 tuổi, người Pháp) đã sống ở Việt Nam được 3 năm. Anh làm nghề chụp ảnh tự do, thích tìm hiểu lịch sử Việt Nam nên lý do hôm nay anh đến đây cầm theo chiếc máy ảnh để lưu giữ lại hình ảnh đẹp nhất, dấu ấn trong sự kiện quan trọng nhất của Việt Nam.

Là người đã từng được vào thăm quan ngôi nhà của Đại tướng – Vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam và may mắn được gặp con trai của Đại tướng là Võ Điện Biên.

Chàng nhiếp ảnh gia người Pháp đã từng được gặp con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà.

Chàng nhiếp ảnh gia người Pháp đã từng được gặp con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà.

Chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ này, anh Vicent nói: “Cách đây 2 năm, tôi được người thầy 25 năm làm phim tài liệu về Đại tướng giới thiệu đến nhà riêng của Đại tướng (30 đường Hoàng Diệu) để chụp ảnh. Tôi cảm thấy vinh dự và cảm nhận gia đình ông (Đại tướng – PV) rất gia giáo và giàu truyền thống.

Tôi ấn tượng nhất về cách sống bình dị, cư xử của ông. Ông cư xử với mọi người, cấp dưới mình như nhau, ông muốn làm bạn với tất cả thậm chí là với kẻ thù của mình trước đó.

Trong một lần gặp Đại tướng, Đại sứ Pháp đã nói những điều tốt đẹp về con người Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng nói với Đại sứ Pháp rằng: Quên tất cả những điều đó đi, bây giờ Việt Nam với Pháp là bạn và làm thế nào để phát triển tình bạn này”.

Nhìn những dòng người xếp hàng dài vài kilomet để chờ được vào viếng vị Tướng, Vicent khá bất ngờ và xúc động bởi trước đó anh chỉ thấy người dân Pháp xếp hàng diễu hành 1 ngày khi Tổng thống Pháp mất chứ không mấy ngày như sự kiện quan trọng ở Việt Nam.

Giảng viên người Ý: Võ Nguyên Giáp trở thành huyền thoại

Kiên trì xếp hàng, nhóm giảng viên dạy tiếng Ý (ĐH Hà Nội) chia sẻ cảm xúc: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nổi tiếng ở Ý, ông xuất hiện trong sách, phim tài liệu, trên truyền hình. Khi ông mất, báo chí Ý đưa tin lên trang đầu với tít: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh hùng của cuộc chiến tranh Việt Nam; “Vị Đại tướng đánh thắng giặc Pháp”…

 

Nhóm giảng viên và nghiên cứu sinh đến từ nước Ý xếp hàng đợi vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhóm giảng viên và nghiên cứu sinh đến từ nước Ý xếp hàng đợi vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Mario chia sẻ: “Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi kể nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sánh ngang với Napoleon. Tôi ấn tượng với Đại tướng ở trí truệ và lòng dũng cảm. Điều làm tôi bất ngờ chính là mặc dù ông là thầy giáo dạy lịch sử nhưng trở thành một vị tướng tài ba. Có lẽ điều đó làm nên sự huyền thoại của ông"

-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng ngày từng giờ dõi theo mọi thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung sau đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:

(Danh sách này liên tục được cập nhật khi có thông tin mới)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại