Phóng viên Hồng Sen tử nạn: Đủ điều kiện công nhận liệt sĩ!

Đó là khẳng định của nhiều luật sư khi phân tích trường hợp PV Nguyễn Thị Hồng Sen tử nạn trên đường đưa tin bão số 14 sau khi đối chiếu với quy định của pháp luật.


	Công đồng chung tay giúp đỡ gia đình Hồng Sen, xã hội ghi nhận sự hy sinh của Hồng Sen (ảnh Tuoitre)

Công đồng chung tay giúp đỡ gia đình Hồng Sen, xã hội ghi nhận sự hy sinh của Hồng Sen (ảnh Tuoitre)

Lãnh đạo đài đã làm thủ tục nhưng chưa có hồi âm

PV Hồng Sen mất đi khi cơn bão số 14 đang từng ngày từng giờ áp sát Việt Nam. Cơn bão được cảnh báo vô cùng nguy hiểm khi tràn vào Philippines làm cho hàng nghìn người chết, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Nếu vào Việt Nam, hậu quả bão số 14 mang đến sẽ rất khủng khiếp. Trong khi các cấp các ngành nước ta đang vận động người dân tìm nơi tránh trú an toàn, PV Hồng Sen đã nhận lệnh của lãnh đạo Đài Truyền thanh Đức Phổ đưa thông tin về bão. Đó là hành động dũng cảm và thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cơ quan.

Trao đổi với PV sáng nay (15/11), ông Phạm Ngọc Âu, Trưởng Đài truyền thanh huyện Đức Phổ cho biết: “Chúng tôi đã gửi công văn đề nghị công nhận PV Nguyễn Thị Hồng Sen là liệt sĩ lên các cấp các ngành nhưng chưa có hồi âm”.

Ông Âu cũng khẳng định: “Phóng viên Hồng Sen là viên chức chính thức của huyện Đức Phổ đi đưa tin trong trường hợp cấp bách theo chỉ đạo của cơ quan chứ không phải là đi làm việc thông thường”. Ông Âu cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cần có quyết định thấu đáo để những người làm công tác thông tin nói riêng và những người làm công tác khác được Nhà nước giao nhiệm vụ vào nơi nguy hiểm không bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, trong lần trả lời báo chí trước đây bà Trần Thị Định, Phó phòng LĐ-TB-XH huyện Đức Phổ cho biết lãnh đạo Phòng đã nắm được trường hợp tử nạn của phóng viên Hồng Sen. Bà Định cho biết: “Chúng tôi hết sức chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình, người thân, đồng nghiệp của chị Sen. Qua rà soát kỹ về chính sách, quy định hiện hành, rất tiếc trường hợp tai nạn của chị Sen không thuộc diện được công nhận liệt sĩ cũng như được hưởng các chế độ hỗ trợ đột xuất.

Trường hợp của chị Sen được xếp vào diện bị tai nạn lao động, cho nên gia đình nạn nhân, cơ quan cần chuẩn bị các thủ tục để cung cấp cho cơ quan bảo hiểm để nhận bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội bình thường thôi”.

Không công nhận liệt sĩ cho phóng viên tử nạn là bất hợp lý

Không đồng ý với những trả lời của bà Định, Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) khẳng định căn cứ vào Phần A, mục I, khoản 2, tiết a Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT/BLĐTBXH-BQP-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/CP thì trường hợp của phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen hoàn toàn đủ điều kiện để công nhận là liệt sĩ.

Tại Thông tư này ghi rõ: Trường hợp được công nhận là liệt sĩ là “Những người có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, làm những việc cấp bách, nguy hiểm trong khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ, bão lụt mà bị chết”.

Ở đây có yếu tố "cấp bách" là PV Hồng Sen trên đường đưa tin về bão Hải Yến (cơn bão khủng khiếp tràn qua Philippines làm chết hàng nghìn người). Đồng thời ở đây có yếu tố công vụ vì được cơ quan Nhà nước giao nhiệm vụ”.

Luật sư Sang nhấn mạnh: “Từ những căn cứ trên đây, tôi thấy nếu không công nhận phóng viên Hồng Sen là liệt sĩ là bất hợp lý và chưa vận dụng đúng luật”.

Mở rộng vấn đề với những nhà báo, phóng viên bị thương tử nạn khi làm nhiệm vụ, Luật sư Sang chia sẻ: “Những phóng viên tác nghiệp tại những nơi nguy hiểm như hỏa hoạn, cháy nổ, bão lụt... là những người rất dũng cảm. Họ thực hiện nhiệm vụ để chuyển tải thông tin đến với người dân nhằm cung cấp cho người dân và các cơ quan có thông tin khách quan đa chiều để có hướng xử lý phù hợp.

Tôi lấy một ví dụ, tại một vụ nổ lớn, khi người dân hoang mang với những tin đồn khủng bố chết hàng trăm, hàng nghìn người. Nhưng khi vụ nổ vẫn còn trong giai đoạn đang kiểm soát thì phóng viên đã tiếp cận các nguồn tin xác minh số người chết không nhiều như vậy và các cơ quan chức năng đã kiểm soát được tình hình.

Lợi ích những thông tin mang lại là người dân thấy yên tâm cho các hoạt động khác, đồng thời không gây ra tình trạng hỗn loạn gây thiệt hại cho an ninh xã hội. Hoặc giả một ví dụ khác về bão lũ, việc tiếp cận hiện trường để đưa thông tin chính xác về thiệt hại của bão, hoặc kinh nghiệm kiểm soát tình hình để khu vực khác có hướng để phòng tránh”

Luật sư Sang nhấn mạnh: “Lợi ích mà phóng viên mang lại khi tác nghiệp tại nơi nguy hiểm là lớn như vậy nó cũng giống như cứu con người cụ thể, giống như cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước... Vậy tại sao phóng viên, nhà báo lại không được công nhận là liệt sĩ?”

Luật sư cũng chỉ ra một nghịch lý: “Về lợi ích tôi đã nói ở trên. Còn so sánh hành động, hành động lao xuống nước cứu 1 người đang sắp chết đuối xuất phát từ sự dũng cảm còn đi vào nơi nguy hiểm đưa tin sao không thể coi đó là dũng cảm? Bản thân người phóng viên, nhà báo đó họ ý thức được nguy hiểm lắm chứ nhưng vì nhiệm vụ cấp bách họ vẫn làm. Vậy tại sao lại không công nhận sự hy sinh của họ?"

Từ những phân tích trên đây, Luật sư Hoàng Cao Sang cho biết sẽ gửi công văn đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, huyện Đức Phổ, Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Lao động Thương binh và xã hội để kiến nghị các cơ quan giải quyết công nhận hópng viên Hồng Sen là liệt sĩ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại