Trong Hội nghị quán triệt Nghị Quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 -2014 khối sở giáo dục và đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) tổ chức sáng nay 13/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lắng nghe nhiều ý kiến từ đại diện các Sở GDĐT về vấn đề đổi mới thi cử, cách đánh giá thi, đổi mới tuyển sinh trong dự thảo mới của Bộ GDĐT
Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng nói: “Hôm nay tôi “cháy” giáo án, tôi đã nghe rất nhiều ý kiến phát biểu xung quanh vấn đề thi cử, đây là chủ đề rất nóng. Mặc dù còn rất nhiều vấn đề bản thân chúng ta những người làm trong ngành giáo dục chưa hài lòng. Tuy nhiên, nền giáo dục không phải không có thành tích, sự tiến bộ, đáng tự hào và xã hội cũng đã trân trọng kết quả của ngành giáo dục đạt được trong nhiều năm qua. Chúng ta nhìn nhận hạn chế nhưng cũng nên tự tin để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong hội nghị sáng nay tại Bộ GD&ĐT.
Theo ông, từ ngàn xưa giáo dục đào tạo vô cùng quan trọng mà không thể nói trong một tiếng hay một ngày mà hết được. Trong cả quá trình lịch sử nhân loại, nước nào có nền giáo dục tốt thì nước đó hưng thịnh.
“Cho nên, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cần khẩn trương nhưng không thể nào nóng vội, chúng ta cần khoa học và thận trọng trong từng bước thể hiện quyết tâm. Câu dầm àm chậm không có nghĩa là chắc, làm nhanh không có nghĩa là ẩu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bàn sâu vào vấn đề giáo dục nước nhà, Phó Thủ tướng nhắc đến phổ cập mầm non, trong đó vấn đề chế độ giáo viên mầm non “nóng” hơn cả.
“Vấn đề lương, chế độ đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ giáo viên chúng ta đã làm nhưng còn nhiều bất cập. Đơn giản về lương, nhiều báo chí, diễn đàn nói đổi mới căn bản giáo dục mà lương giáo viên chưa đảm bảo.
Chúng ta không thể làm một lúc. Chúng ta phải bàn thận trọng, trong những năm qua Đảng và Nhà nước bàn rất nhiều, biên chế giáo viên mầm non tăng rất nhanh, trong nhiều năm qua chúng ta đã tăng 500 ngàn giáo viên mầm non, tình trạng thừa giáo viên phổ thông, trong khi giáo viên mầm non lại thiếu.
Trong thời gian tới chúng ta phải tuyển dụng mới, đào tạo lại, chuyển hướng cho hệ thống giáo viên này như thế nào. Vấn đề thiếu nhà trẻ, các cơ sở mầm non chưa được cấp phép…Nhưng trước tiên, phải tính đến đời sống giáo viên mầm non đã”, Phó Thủ tướng nói thêm.
Vấn đề thứ 2 mà Phó Thủ tướng đề cập là giáo dục đạo đức con người. Theo ông, đổi mới căn bản và toàn diện nhưng không có nghĩa là thay đổi hết mà những gì từ trước đến nay tốt thì giữ lại xem xét, chấn chỉnh.
Ông ví dụ về chính tuổi thơ đi học của mình vào đầu tuần hát quốc ca, nhà trường dạy cho trẻ yêu tổ quốc, yêu đồng bào, người lớn cũng hát. Nhưng hiện nay, rất nhiều trường không thực hiện nghiêm túc, có nhạc vào học sinh không cần hát.
Rồi chuyện tập thể dục giữa giờ, ông kể thời ông đi học, mọi người tập rất đều, hô vang rất khí thế, câu “Rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc/ Rèn luyện thân thể, thống nhất đất nước” đã thấm vào máu mỗi đứa trẻ.
Câu chuyện phân công trực nhật lớp, làm vệ sinh trường hàng tuần. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đều thuê dịch vụ vệ sinh. Phó Thủ tướng nói: “Nếu đứa trẻ không lao động, không yêu lao động như thế không yêu người lắm. Những cái này có làm được không?
Thay đổi chương trình, đổi mới kiến thức, phương pháp giảng dạy, thi cử…phải chờ Bộ GDĐT, nhưng có những thứ mà chúng ta không cần bộ. Chúng ta coi trọng dạy người trước đã vì vậy tôi đề nghị chúng ta các ngành, sở giáo dục ngồi đây hãy phát huy sáng tạo trong toàn ngành, những gì làm được hãy làm trước”.
Bàn về vấn đề “nóng” trong hội nghị lần này, Phó Thủ tướng đưa ra ý kiến về việc thay đổi số môn thi tốt nghiệp, cách đánh giá thi cử, tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Theo ông, việc thay đổi như vậy sẽ vô cùng bất lợi cho học sinh ví dụ như học lệch, sau đó là kiến thức lệch lạc, ra đời học sinh đó sẽ lệch lạc. Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ GDĐT cần tính rất kỹ, cẩn trọng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn chỉ ra 4 điểm như sau:
Thứ nhất, làm sao không có thay đổi liên tục, không có cái gì làm là không cần thí điểm, nhưng thí điểm diện nhỏ thôi, nhưng phải kỹ lưỡng. Đừng để các cháu còn mấy tháng nữa thi mà vẫn hồi hộp không biết có mấy môn thi, thi như thế nào. Đây không phải ý kiến của riêng cá nhân tôi, mà tôi nghe từ cộng đồng mạng, giáo viên, các bác phụ huynh… Nguyên tắc của chúng ta có hai phần là trang bị kiến thức căn bản, toàn diện không lệch và định hướng theo năng khiếu cho học sinh.
Kỳ thi phổ thông gắn với tuyển sinh vào đại học. Chúng ta có trên 900 nghìn cháu thi tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ có 200 nghìn cơ hội vào ĐH. Tuyệt đại đa số người dân muốn con mình vào đại học, vậy chúng ta phải có tuyển sinh đại học.
Thứ hai, không nên và không thể để dẫn đến tình trạng phân loại giáo viên như “hạng A” là những giáo viên dạy những môn chắc chắn phải thi, “hạng B” các môn không phải thi.
Thứ ba, thế giới bây giờ đi trước chúng ta rất nhiều, những gì thế giới đã làm, đúc kết kinh nghiệm có tính phổ quát thì chúng ta phải học tập nhưng phải có lộ trình, có chọn lọc. Ví dụ, sau khi học hoàn thành phổ thông, có 1 loại kỳ thi mà công ty tổ chức thi chứ không phải nhà nước và họ chỉ có 1 bài thi tổng hợp đánh giá toàn diện học sinh.
Thứ tư, rõ ràng đây là thực tế rằng chúng ta học rất nặng. Chúng ta sẽ đổi mới cách học chứ không phải học gì thi nấy, không nên để các kỳ thi nặng nề trên mức cần thiết.
Chúng ta đừng ngại thi là tốn kém. Thực tế nhiều năm có tỉnh tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 98% thì làm sao phải miễn 20%. Nếu tổ chức đơn giản, nhẹ thì tại sao phải miễn? Thậm chí không nên miễn cho bất kỳ ai. Vì vậy tôi đề nghị Bộ GDĐT tiếp thu ý kiến của các anh em hôm nay, từ ý kiến cộng đồng để đưa ra phương án sớm nhất để từ sang năm chúng ta có phương án thi cử cả quá trình.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta hãy kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông và nhìn vào 10 yếu kém trong Nghị Quyết 2 để lấy thi cử làm đột phá. Tôi mong các đồng chí sẽ quan tâm quyết liệt, sát sao vào công tác giáo dục đào tạo ở địa phương mình. Hãy để cho các cháu nghĩ kỳ thi THPT không phải căng thẳng quá nhưng đánh giá một cách trung thực. Tôi mong tất cả chúng ta không ngần ngại khi nghe ý kiến phê phán, đóng góp ngược lại”.