Hội nghị là một dịp để các nhà quản lý và hoạt động giáo dục nhìn nhận lại lĩnh vực đang còn nhiều tranh luận này.
Từ một trung tâm đại học ra đời năm 1988, đến nay hệ thống ngoài công lập đã có 90 trường (gồm 61 trường ĐH, 29 trường CĐ), chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường ĐH-CĐ toàn quốc.
Số lượng sinh viên hệ chính quy của hệ đào tạo này hiện có 314.054, chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước
Từ số vốn đầu tư khiêm tốn của 5 trường đầu tiên, đến nay, tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập của các trường ĐH-CĐ NCL đã lên tới 1.555 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, cùng với số lượng sinh viên bị giảm đi, nhiều vấn đề xảy ra tại các trường đã làm giảm sút thiện cảm của xã hội. Ngoài những khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển về thuế, đất đai, tài chính.. khiến các trường gặp nhiều trở ngại, thì ngay bản thân các trường cũng vấp phải những yếu kém tự thân khiến chất lượng đào tạo nhiều nơi giảm sút.
Lại chuyện "con đẻ, con nuôi"
Sau khi nghe phản ánh khó khăn từ đại diện các trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải tháo gỡ khó khăn, không hợp lý của khối các trường ĐH, CĐ ngoài công lập theo tinh thần công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ đến những chính sách vĩ mô”.
“Với khu vực mới, nhất định phải ưu tiên. Một mình Bộ GD-ĐT không thể giải quyết được bài toán tài chính - đất đai, nhưng những vấn đề thuộc ngành thì cần tích cực tháo gỡ trên tinh thần bình đẳng”.
Phó Thủ tướng đã nêu ra những câu hỏi ông đã từng gặp khi còn công tác ở vị trí người phát ngôn của Chính phủ.
“Bộ có vài chục trường đại học trực thuộc, và đều là trường công lập. Khi hỏi Bộ có thiên vị các trường trực thuộc so với các trường công khác không thì nhận được câu trả lời là không.
Nhưng khi hỏi Bộ có thiên vị trường trực thuộc so với các trường ngoài công lập không, thì không trả lời được.
Bây giờ, Bộ hãy trả lời câu hỏi, Bộ có thực sự coi trường ngoài công lập thuộc hệ thống không?
Nếu coi các trường ngoài công lập là “con nuôi”, thì tôi nghe hội nghị từ sáng đến giờ, thấy “con nuôi” đang kêu dữ quá. Không biết có phải do tâm lý "con nuôi" không, hay là đúng là chưa được đối xử như “con đẻ”? - ông Đam ví von.
Về phía các trường ngoài công lập, Phó Thủ tướng đặt vấn đề "Mỗi trường cần có trách nhiệm với chính mình, trước khi có trách nhiệm với xã hội”.
Cũng theo ông Đam, trong thời gian tới, việc chuyển các trường từ dân lập, bán công sang tư thục cần giải quyết dứt điểm.
Những vấn đề về vốn và thuế của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã đi vào Luật, cần có thời gian để giải quyết, tháo gỡ. Chính bởi vậy, ông Đam chỉ đạo cần giải quyết trước những chính sách dưới luật.
Đưa lời hẹn 1 năm sau sẽ có hình thức thiết thực, phù hợp để đánh giá lại kết luận của hội nghị hôm nay, ông Đam nhắn nhủ: “Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cần phát triển lên, không phải vì tiền mà vì rất nhiều điều khác cho xã hội”.
“Không chơi” nếu chỉ lo bắt cá bé
Có lẽ đây là lần đầu tiến ông Đam phá lệ tại một hội nghị, lên phát biểu đến lần thứ hai.
Người khiến cho ông Đam lên bục phát biểu lần hai là hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, với ý kiến cho rằng cần tách biệt chức năng của trường công lập và ngoài công lập, cụ thể là, đại học công lập đào tạo nhân tài, là lò luyện thép, là tàu lớn đánh bắt xa bờ. Còn đại học ngoài công lập là là lò rèn búa rèn dao, đánh bắt cá con ăn ngay tại chỗ.
Ông Đam ngay lập tức bày tỏ: “Tôi không đồng ý với ý kiến trường ngoài công lập phân tầng và chỉ đi “bắt cá nhỏ”. Thời gian đầu, ngoài công lập khó khăn nhưng trong thời đại CNTT hiện nay, với những thế mạnh mà chỉ ngoài công lập mới có, các trường ngoài công lập phải bắt được “cá to” hơn trường công lập. Chúng ta sẽ cùng nhau ra chính sách, ra cơ chế để làm. Đây là trách nhiệm chung với đất nước”.
“Nếu các trường ngoài công lập đồng ý với quan điểm này thì một năm sau chúng ta gặp lại. Còn nếu cứ tư duy “cá bé” thì thôi” – ông Đam giao hẹn.