Với sự quan tâm và tham dự của các nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu Chính phủ, giới lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà khoa học, các học giả cũng như giới truyền thông, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 44 tại Davos đã trở thành diễn đàn quan trọng để phát triển và định hình các chương trình nghị sự toàn cầu, ứng phó một cách tốt nhất với những thách thức hiện nay thông qua phương pháp tiếp cận khoa học nhằm định hướng cho tương lai.
Về phía Việt Nam, đoàn đại biểu do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cùng một số cán bộ đầu ngành cùng đi tháp tùng.
Tại Hội nghị, đã có rất nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng được bàn thảo từ biến đổi khí hậu, viễn cảnh tài chính toàn cầu, vấn đề sức khỏe, tái định hình ASEAN... cho đến cách quản trị toàn cầu thông qua hợp tác công-tư, thương mại đa phương và các chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.
Sự tương tác của các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu cùng với nhiều nhân vật rất có uy tín từ khắp nơi trên thế giới đã giúp tạo ra những cơ hội để chia sẻ những hiểu biết và đổi mới tại Davos năm nay.
Phát biểu trong phiên họp "Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á" chiều ngày 24/1 (khoảng 23 giờ - theo giờ Việt Nam), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, sự phát triển năng động của các nền kinh tế ASEAN là một trong những nhân tố giúp khu vực Đông Á duy trì tăng trưởng kinh tế khả quan.
ASEAN cũng đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực thông qua tiến trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 và triển khai các thỏa thuận, khuôn khổ hợp tác kinh tế với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia.
Quá trình tái định hình sâu rộng nền kinh tế thế giới, sự gia tăng liên kết và kết nối kinh tế và chuyển đổi các mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững đem lại những cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức to lớn đối với các nước và khu vực. Trong bối cảnh này, ASEAN sẽ phải thích ứng để vừa duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng, vừa phát huy vai trò hạt nhân trong thúc đẩy liên kết và kết nối Đông Á.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu rõ ba điểm cần được các nước ASEAN quan tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, để đóng vai trò là hạt nhân của liên kết và kết nối khu vực, các nước ASEAN cần có nội lực mạnh, nhất là về kinh tế thông qua việc xây dựng cơ cấu kinh tế bền vững, có khả năng thích ứng với những biến động của môi trường bên ngoài.
Như nhiều nước ASEAN, Việt Nam đang tích cực triển khai tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp; đồng thời, chủ động và tích cực tham gia các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các đối tác.
Việc làm sâu sắc hơn các liên kết kinh tế nội khối sẽ giúp làm tăng nội lực của các nước ASEAN, cũng như tạo cho ASEAN trở thành một nền kinh tế thống nhất, đứng thứ hai ở khu vực (với 600 triệu dân, 2.300 tỷ USD GDP) đồng thời ASEAN cần phải chú trọng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa lợi thế mạng lưới liên kết và kết nối đa tầng nấc, đa chiều tại Đông Á với ASEAN đóng vai trò hạt nhân, bao gồm: liên kết ASEAN, liên kết thông qua các FTA+1 của ASEAN với các đối tác Đông Á và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm 2015, một không gian kinh tế với 1/2 dân số thế giới và 1/3 tổng GDP toàn cầu.
Bằng việc này, ASEAN sẽ phát huy được thế mạnh của khu vực, gắn kết các chương trình tiểu vùng, đồng thời tận dụng tối đa cũng như thúc đẩy hiệu quả các liên kết kinh tế với bên ngoài, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực.
Thứ hai, song song với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước cần xác định lộ trình liên kết và kết nối phù hợp sau năm 2015 trên cơ sở các kết quả đã đạt được, phù hợp với bản chất và trình độ phát triển của ASEAN, bao gồm nghiên cứu khả năng và thời điểm phát triển ASEAN theo mô hình liên minh thuế quan hoặc một mô hình liên kết khác cao hơn.
Lộ trình mới cũng phải xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan đến phát triển đang đặt ra cho hiện tại cũng như trong tương lai, đó là: tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, an ninh nguồn nước, môi trường…; quy nạp các thành tố về thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bền vững và đồng đều.
Việt Nam đề xuất ASEAN xây dựng chương trình nghị sự phát triển với trọng tâm là xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, phù hợp và bổ trợ các mục tiêu trong chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc sau 2015.
Thứ ba, cùng với các đối tác bảo đảm môi trường thuận lợi cho triển khai và hoàn thành các mục tiêu liên kết và hội nhập. ASEAN cần giữ vững đoàn kết, nâng cao trách nhiệm chung và phát huy vai trò trung tâm trong xử lý các vấn đề chiến lược, nhất là liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Đặc biệt, ASEAN cần hệ thống hóa, nhân rộng các chuẩn mực ứng xử, kể cả việc mở rộng Tuyên bố Bali về các Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, tiến tới xây dựng một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở khu vực Đông Á.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho rằng ASEAN phải tiếp tục là lực lượng chủ đạo trong ứng phó với các thách thức đặt ra, kể cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không chỉ tác động trực tiếp tới các nước có liên quan mà còn có ảnh hưởng tới bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không của khu vực.
Việt Nam cùng với các nước ASEAN ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); triển khai đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử COC nhằm bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và khu vực.
ASEAN và Trung Quốc cần sớm tiến hành thương lượng thực chất về COC sau tham vấn chính thức lần đầu tiên ở cấp SOM tháng 9/2013.