Trời vừa hửng sáng, chị Phạm Thị Trinh (tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nấu vội bữa sáng ăn lót dạ rồi lên xe máy ra đầu vòng xoay đường tránh Bắc Đà Nẵng để bắt đầu một ngày mưu sinh.
Thấy có người bước xuống khỏi xe khách, chị Trinh phóng xe tới: "Chú về đâu tôi chở, nếu về bến xe cho tôi xin 30.000 thôi!".
Chị Trinh kể, ngày trước có đất trồng hoa màu, thu nhập tạm ổn nên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra đường chạy xe ôm. Khi khu công nghiệp mọc lên, họ phải nhường đất cho các nhà máy sản xuất, trai tráng đi làm công nhân… Chị Trinh cùng nhiều phụ nữ dồn vốn theo nghề bán hàng rong ở đường đèo Hải Vân.
Mỗi sáng, 5 thành viên trong đội nữ xe ôm phía đường tránh Bắc Đà Nẵng lại ra đường chuẩn bị một ngày làm việc. Ảnh: N.Đ.
Khi hầm Hải Vân đi vào hoạt động (năm 2005), khách qua đèo vắng dần. Những phụ nữ bán hàng dạo phải chuyển về đường dẫn vào hầm, nhưng vẫn ế ẩm.
"Mỗi ngày tụi tôi chỉ kiếm được vài chục nghìn, đi xin việc thì người ta không nhận vì đã lớn tuổi. Thấy nhiều người đi xe khách bị lỡ đường nên tôi cùng nhiều chị em chuyển sang nghề xe ôm", chị Trinh kể và cho biết ban đầu có hơn 10 phụ nữ làm xe ôm nhưng vất vả quá nên giờ chỉ còn lại 5 người bám trụ.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và hành khách, các chị mạnh dạn đầu tư xe trên dưới 20 triệu đồng, thường xuyên kiểm tra phanh, hơi... và điều quan trọng nhất là luôn yêu cầu khách đội mũ bảo hiểm.
"Lợi thế của chị em làm nghề này là cẩn thận nên có nhiều khách quen, cứ xuống khỏi xe ở trạm trung chuyển đèo Hài Vân là lại đi bộ xuống chỗ chị em bắt xe về trung tâm thành phố", chị Trinh tự hào.
Chị Lê Thị Nhỏ, thành viên của phi đội nữ xe ôm, góp chuyện: "Chị em còn bám nghề vì gia đình khổ cực quá. Như chị Trinh, chồng mất sớm, mình chị ấy lo nuôi hai đứa con từ khi thơ dại đến giờ.
50 tuổi rồi đấy, tưởng được nghỉ nhưng các con vẫn chưa có việc làm nên ngày ngày vẫn phải bán mặt cho đường sá kiếm gạo đây!". Nghe bạn nói, chị Trinh bần thần, quay lưng giấu vội những giọt nước mắt.
Nói về mình, chị Nhỏ bảo còn may mắn hơn. Ông xã sau khi bị tai nạn nằm liệt giường mấy năm, giờ anh đã xin làm bảo vệ cho một công ty, nhưng đồng lương èo uột nên chị vẫn là lao động chính để lo cho hai con ăn học.
"Sáng ra là phải lọ mọ ra đây đón khách, tối mịt mới về nhà nhưng cũng may là các con chăm ngoan", chị Nhỏ tâm sự.
Thu nhập của nhóm nữ xe ôm bấp bênh, phụ thuộc vào lượng khách trong ngày, nhưng cao lắm cũng chỉ hơn 100.000 đồng/ngày.
Hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, những nữ xe thồ xem nhau như chị em, không bao giờ có chuyện tranh giành khách. Khách xuống xe, ai đến lượt thì ra mời khách.
Đội nữ xe ôm không bao giờ ép khách phải lên xe của mình. Ảnh: V.Đ.
"Khách đồng ý thì tụi tôi chở chứ không bao giờ ép. Mức giá cũng đã được quy định theo đoạn đường nên không có chuyện lấy giá cao làm mất uy tín của cả đội", chị Nguyễn Thị Tuyền (tổ 20, Hòa Hiệp Bắc), tâm sự. Để tránh gặp chuyện không hay trong nghề, cả đội thống nhất chỉ chở khách vào ban ngày.
Nhiều khi làm phúc lại mang họa. Dịp TP Đà Nẵng tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (tháng 4/2012), một nữ sinh bị lỡ đường khi trời chập choạng tối đã bị một tài xế taxi ép lên xe.
Nhóm nữ xe ôm đến can thiệp thì bị tài xế taxi điện thoại báo công an, vu khống các chị trấn lột khách.
"Mấy chị em bị công an mời xuống làm việc. Cũng may là nữ sinh này kể lại đầu đuôi câu chuyện nên chúng tôi mới được minh oan", chị Trinh bộc bạch.
Trưa 22/12/2012, đang ngồi nghỉ tạm trong quán tạp hóa bên đường, cả đội xe ôm cùng hơn chục công nhân đang nghỉ trưa tại đây hoảng hốt khi thấy xe đầu kéo phóng như điên về phía quán.
"Cũng may chị em cùng nhiều người kịp chạy thoát trước khi xe đầu kéo chở thép lật úp, đè bẹp hơn 50 xe máy phía dưới", chị Tuyền nhớ lại và cho biết sau tai nạn chị em bị ám ảnh nhưng rồi nghĩ đến bữa cơm gia đình nên lại gắn bó với nghề.
"Chúng tôi cũng tham gia bắt cướp đấy nhé", chị Nhỏ khoe. Đầu năm 2012, các chị chứng kiến một nữ sinh đang đứng chờ xe ra Huế thì bị thanh niên vờ mượn điện thoại rồi giật phắt chạy vào rừng Hải Vân. Nhanh trí, các chị gọi điện báo công an. Chưa đầy 15 phút sau, nhờ các chị rành đường chỉ cho công an nên kẻ trộm bị tóm gọn.
Tâm sự về ngày Quốc tế phụ nữ, các chị đều bảo lo công việc mưu sinh nên chẳng khi nào nghĩ đến.
"Có hành khách vui tính, khi mình nhận chở, họ động viên, chúc sức khỏe nhân ngày phụ nữ. Nhiều khi chị em mua thêm đồ ăn tự mừng, ngồi chia sẻ chuyện gia đình", chị Trinh kể.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết phường từng hỗ trợ nhóm nữ xe ôm này có nơi buôn bán trong chợ. Nhưng do thói quen bán hàng rong nên các chị lại chuyển sang chạy xe ôm.
"Thời gian tới hội phụ nữ sẽ gặp gỡ các chị, lắng nghe tâm tư để tạo điều kiện chuyển đổi nghề cho chị em làm ăn lâu dài", bà Nga nói.