Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, chuyên viên Viện Chiến lược quốc phòng Việt Nam, phát biểu tại cuộc tọa đàm tham gia ý kiến vào dự thảo sửa Hiến pháp do báo Quân đội nhân dân tổ chức chiều 13/3 tại Hà Nội.
GS Kỳ đưa ra quan điểm từ những dư luận gần đây về việc liệu quân đội có nên đứng ngoài chính trị, trở thành trung lập chính trị, và có cần thiết phải ghi rõ trong Hiến pháp rằng quân đội trung với Đảng, hiếu với dân, hay chỉ cần ghi “trung” với Tổ quốc và nhân dân?
Điều này liên quan tranh luận về điều 70 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Ông khẳng định, bản chất của quân đội nhân dân Việt Nam nhìn từ thực tiễn gần 70 năm qua cho thấy, đó là lực lượng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Những thứ tự trước, sau không làm khác đi bản chất của quân đội nhân dân Việt Nam.
Với quy định như dự thảo, ông cho rằng, lực lượng vũ trang ngày nay là lực lượng vũ trang kiểu mới, không chỉ còn nhiệm vụ trên mặt trận như thời chiến.
Đó là lực lượng vũ trang phụng sự mục tiêu độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN.
Theo ông, quân đội luôn gắn với chế độ, mà chế độ có vai trò của Đảng lãnh đạo. Do đó, nếu quân đội phi chính trị hóa, quân đội sẽ trở thành đội quân robot vũ lực, chẳng cần chính - nghĩa, trở thành đội quân đánh thuê và tự hạ thấp mình.
Ông cũng cho rằng, Tổ quốc và nhân dân cũng không thể hiểu mơ hồ và chung chung. Tổ quốc bao giờ cũng của ai, vì ai, do ai.
Không thể đứng ngoài chính trị
Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hồi - Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng toàn dân cho rằng, việc bổ sung điều 70 về quy định cụ thể vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân có cơ sở khách quan vững chắc và là sự hiến định một lịch sử khách quan, sống động đã tồn tại gần 70 năm qua.
“Người ta cố tình đảo thứ tự và cho rằng lực lượng vũ trang chỉ trung với Tổ quốc và nhân dân. Trong khi đó, Bác Hồ khi đến dự kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định quân đội trung với Đảng, hiếu với dân” - PGS Hồi khẳng định.
TS, giảng viên cao cấp Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nhân quyền - Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng trong bối cảnh hiện tại, nhân tố chính trị là quan trọng.
Hơn lúc nào hết, quân đội cần có một bộ tham mưu dày dặn, có kinh nghiệm lịch sử, trung thành lợi ích Tổ quốc, nhân dân để thực hiện những nhiệm vụ không chỉ đơn thuần là “cầm quân” nữa. Trong ý nghĩa đó, vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết, như bộ tham mưu quan trọng cho quân đội Việt nam.
Việc hiến định vai trò của lực lượng vũ trang, theo ông không phải là chuyện đặc biệt ở Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, quân đội không chỉ tuyên thệ trung thành với chế độ, với Đảng mà thậm chí cả cá nhân cụ thể.
“Hiến định quân đội trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân không phải là hạ thấp vai trò của quân đội mà nâng cao ý thức chính trị của quân đội đối với chính trị, Tổ quốc và nhân dân” - ông Thái nói.
Do đó, ông cho rằng, nếu đặt quân đội đứng ngoài chính trị, hiến định quân đội trung với Tổ quốc, nhân dân một cách chung chung chả khác sự “lơ lửng trên trời”.
Ông diễn giải, sự trung thành với Đảng lúc này là trung thành với Cương lĩnh, là ủng hộ những nhân tố, cán bộ, đảng viên ở các ngành, các cấp kiên định mục tiêu xây dựng XHCN, đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm.
“Quân đội không phải một lực lượng chính trị tự lập, không phải là một nhánh quyền lực. Quân đội quốc gia nào cũng vậy, luôn luôn gắn với một lực lượng chính trị nào đó. Ngày nay, trong các cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội, quân đội luôn là đối tượng của các lực lượng chính trị tranh thủ, lôi kéo nhằm biến quân đội thành công cụ giành giật chính quyền” - theo ông Thái.
Ông nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói ‘Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân”. Đặt trong bối cảnh chính trị quốc tế và trong nước hiện nay, điều 70 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi dựa trên nội dung chủ yếu của câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phù hợp, cần thiết. Quan điểm cho rằng quân đội chỉ phải trung thành với Tổ quốc, không gắn với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là xa lạ với lịch sử cách mạng của dân tộc ta”.
Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Tiến Bình diễn giải thêm: “Bản chất chính trị của quân đội kiểu mới thể hiện tập trung rõ nét ở lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, cốt lõi là sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước XHCN và gắn bó máu thịt với nhân dân, ở cơ chế lãnh đạo, chỉ huy thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội, ở việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất...”.
Ông Bình cũng nhấn mạnh “kiên quyết không để cho các đảng phái chính trị phản động, các lực lượng cơ hội thực dụng về chính trị, các “tập đoàn lợi ích đặc biệt” hoặc cá nhân tham vọng quyền lực nắm quyền lãnh đạo quân đội và kiểm soát việc chỉ huy quân đội, hòng lôi kéo quân đội vào các hoạt động phản quốc, hại dân”.