Sáng 20-4, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết sở đã cử đoàn đi khảo sát thực tế để có hướng giải quyết sau khi người dân phát hiện địa đạo ở thôn Bình Túy, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Sáng 20-4, chúng tôi có mặt tại địa đạo này và ghi nhận không còn cảnh người dân tự “khai quật” địa đạo như những ngày trước đó.
Theo người dân, họ đã tạm dừng đào bới kể từ ngày 19-4 (sau 3 ngày tiến hành “khai quật”).
Một số người dân địa phương cho biết, một phần họ lo sợ có bom mìn còn sót lại, một phần do địa đạo đi ngang qua khu vực nhà dân, những hộ dân này lo sợ nhà bị sụt lún nên không cho đào.
Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Nam, người trực tiếp đi khảo sát thực tế tại địa đạo ở thôn Bình Túy trong sáng 20-4, cho biết sau chuyến khảo sát thực tế, đoàn đã làm việc với địa phương và thống nhất quy trình cũng như hướng xử lý.
Theo đó, địa phương phải giữ nguyên hiện trạng, không cho dân đào bới, tác động thêm vào địa đạo.
Đồng thời, tiến hành làm một mái che để tránh mưa gió vùi lấp, ảnh hưởng đến sự nguyên trạng của di tích.
Bước thứ hai, Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Thăng Bình sẽ phối hợp với UBND xã Bình Giang lập hồ sơ gửi sở để sở trình UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh.
“Trước hết phải xếp hạng di tích để nó có một danh phận trước. Sau khi xếp hạng xong thì tỉnh có giải pháp tu bổ di tích này, sẽ xây dựng nhà bia, củng cố miệng hầm...
Mọi di tích đều phải được khảo sát, lập hồ sơ để các cấp có thẩm quyền ra quyết định xếp hạng đúng tiêu chí và đúng với giá trị vốn có của nó.
Trên cơ sở đó, ngành văn hóa cùng với địa phương có trách nhiệm tu bổ, phục hồi cũng như phát huy giá trị của nó” – ông Cẩm cho biết.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 16-4, trong lúc đào gốc tre ở khu vực tổ 18 thôn Bình Túy, người dân địa phương đã phát hiện địa đạo này và tiến hành “khai quật”.
Theo UBND xã Bình Giang, địa đạo này dài khoảng 6 km, tỏa ra 3 hướng.
Địa đạo được người dân địa phương đào vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp và mở rộng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Địa đạo này gắn với sự kiện lịch sử liên quan đến nữ anh hùng Trương Thị Xáng (SN 1947, thôn Bình Túy) đã mưu trí cứu 300 cán bộ, du kích từ địa đạo thoát khỏi vòng vây của địch vào ngày 22-2-1965, trước khi bà bị địch giết một ngày.
Cũng trong ngày bà hy sinh, giặc đã nổ mìn vùi lấp địa đạo cho đến nay.