Phát hiện trại lợn ở Hà Nội dùng chất cấm gấp gần 100 lần

Phạm Anh |

Chiều 7/12, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện nhiều công ty sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó, có các trang trại ở Hà Nội dùng chất cấm với mức gấp 100 lần cho phép.

Tại cuộc họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, thông tin đường dây nóng về vấn đề an toàn thực phẩm đang đang phát huy hiệu quả.

Hiện bình quân mỗi ngày Thanh tra Bộ nhận được khoảng 20 thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm trên cả nước, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Rất nhiều trong số đó đã cung cấp được những thông tin hết sức quan trọng và có giá trị trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm.

Điển hình là ngày 26/11/2015, nhận được thông tin phản ánh về việc một số trang trại chăn nuôi tập trung tại huyện Hoài Đức, Quốc Oai (TP Hà Nội) có hiện tượng, công ty thức ăn chăn nuôi bán sản phẩm có kèm theo túi bột màu trắng.

Ngày 2/12, Thanh tra Bộ đã tiến hành  thanh tra đột xuất và lấy mẫu để phân tích tại Trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh (Xóm 12B, xã Dương Liễu, Hoài Đức).

Kết quả kiểm định cho thấy, chất bột màu trắng có chứa chất cấm Salbutamol với hàm lượng là 4.845 ppb (gấp gần 100 lần mức cho phép).

Ngày 4/12, Đoàn thanh tra đã phối hợp với Chủ trang trại và Công an huyện, Trạm Thú y huyện Hoài Đức, mời người đã chuyển gói bột có chứa chất cấm là ông Hoàng Kim Cường (Thôn Minh Hiệp 2, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức).

Hiện Công an huyện và C49 sẽ tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc chất cấm.

Ngoài ra, Đoàn thanh tra tiếp tục thanh tra đột xuất trang trại của ông Nguyễn Văn Quý (Thành Tân, Sài Sơn, Quốc Oai).

Qua làm việc cho thấy: Ngày 3/12, một đại lý nhập cho trại 20 bao cám; sáng 4/12 đưa tiếp 1 gói bột màu trắng là “Men tiêu hóa” trọng lượng 0,7 kg.

Chủ trang trại cho biết có nghi vấn và sẽ không sử dụng gói này. Đoàn thanh tra đã biểu dương sự phòng ngừa chất cấm của chủ trang trại.

Theo ông Dũng, hành vi vi phạm mới trong việc sử dụng chất cấm đó là đưa kèm thức ăn chăn nuôi kèm chất Salbutamol, nếu người chăn nuôi thiếu cảnh giác hoặc cố tình sử dụng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

“Khi đưa cám xuống trại, họ gửi thêm các chất bột màu trắng.

Ở khu vực Hoài Đức, Ba Vì, nếu giá lợn bình thường là có 47.000-48.000 đồng/kg, nhưng nếu sử dụng chất cấm đi kèm, sẽ mua giá 49.000-50.000 đồng/kg, nhiều người vì tiền mà lóe mắt, vi phạm pháp luật”- ông Dũng nói.

Trong thời gian tới, ông Dũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng công an tiến hành trinh sát, xác minh, tổ chức đấu tranh, mở rộng việc tìm kiếm, triệt phá các đối tượng vi phạm, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi.

Triển khai thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm.

 Nghi vấn công ty dược buôn bán 5 tạ chất cấm

Thanh tra Bộ và đã phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) liên tục tiến hành thu thập thông tin, thu thập các đối tượng nghi vấn và lấy các mẫu trinh sát để phân tích, phát hiện hành vi vi phạm.

Hiện cơ quan chức năng đã lấy 89 mẫu phân tích là thức ăn chăn nuôi của các công ty nghi vấn. Kết quả cho thấy có 23 mẫu “có vết” chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc), trong đó có 16 mẫu là vượt ngưỡng (có hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm).

Thanh tra Bộ đang tiến hành xác lập hồ sơ để xử lý và yêu cầu bên C49 gọi hỏi đối tượng, tiến hành điều tra nơi cung cấp.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng thanh tra đột xuất 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.

Ban đầu đã xác định được 2 Công ty có sử dụng Salbutamol là Công ty Trường Phú và Công ty Thịnh Đức; 2 Công ty vẫn đang có còn sử dụng chất tạo màu công nghiệp (Auramine) là Công ty Trường Phú (Hải Dương) và Công ty Thịnh Đức (Bắc Giang).

Đáng lo ngại, tại Cty Thịnh Đức cơ quan chức năng lấy có 4 mẫu, trong đó 2 mẫu “dính” chất cấm, với hàm lượng cao tới 1.500 và 1.800 ppb và sử dụng phẩm màu công nghiệp.

Hiện Thanh tra đang phối hợp với công an truy tìm các đầu mối cung cấp loại chất cấm trên.

Toàn bộ sản phẩm hàng hóa vi phạm đã được Thanh tra Bộ niêm phong và đang tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật. Cùng đó, cơ quan Công an mở rộng điều tra để làm rõ hành vi vi phạm và mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, quá trình điều tra nguồn cung cấp Salbutamol, Thanh tra Bộ và C49 đã tiến hành xác định và đang điều tra làm rõ một công ty dược có hành vi buôn bán 5 tạ chất Salbutamol chưa đúng mục đích sử dụng.

“Hiện có hơn 10 công ty được phép nhập khẩu Salbutamol, phục vụ mục đích y tế. Bộ Y tế cần rà soát và siết chặt việc nhập khẩu, cũng như mục đích sử dụng ra sao.

Nếu nhập khẩu chính ngạch, nhưng lại buôn bán ra thị trường thì chẳng khác nào thả gà ra đuổi”- ông Dũng nói.

Quá trình điều tra nguồn cung cấp Salbutamol, Thanh tra Bộ và C49 đã tiến hành xác định và đang điều tra làm rõ một công ty dược có hành vi buôn bán 5 tạ chất Salbutamol chưa đúng mục đích sử dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại