Có lẽ ít ai biết rằng “người rừng” ấy trước đây đã từng có vợ, thế nhưng thay vào sự ấm êm, hòa thuận của một cặp vợ chồng trẻ mới cưới lại là tiếng cãi vã, bất hòa trong cuộc sống hàng ngày. “Người rừng” này đã đau khổ và tuyệt vọng trốn biệt vào khu rừng Đán Lạ (thôn Khun Mạ, xã Kiên Đài) và không trở về.
Hành trình tìm hang “người rừng”
Đường lên “nhà” của “người rừng” hết sức hiểm trở. Phải trèo đèo lội suối, vạch rừng băng qua những địa hình trắc trở, gập ghềnh với những con dốc đầy nguy hiểm khiến người đi dễ nản chí. Giữa lúc mệt nhọc ở nơi heo hút không bóng người ấy, chúng tôi may mắn gặp được anh Thành, một người dân quanh đó đang lên rừng hái măng.
Anh Thành cất lời: “ Ôi! Các anh tìm ông lão giở người ấy làm gì. Các anh là cán bộ phải không? Nếu mà lên khuyên bảo ông ấy trở về thì tốt nhất là nên đi về. Lão ấy nhất quyết không chịu về đâu. Từ đây đến chỗ ông ấy ở cũng phải hơn một tiếng nữa, mà không biết ông lão ấy còn sống trong hang hay chuyển đi chỗ khác ở rồi. Vì cũng đã gần 3 năm nay tôi chưa gặp…”.
Sự quyết tâm xen lẫn tò mò muốn khám phá xem cuộc sống của người rừng đã thôi thúc chúng tôi băng rừng vượt núi qua nhưng mỏm đá tưởng chừng không có lối thoát để tìm cho được nơi ở của người đàn ông này.
Trong lúc đang lay hoay rẽ cây cối để tìm đường đi, bỗng chúng tôi bắt gặp một người đàn ông dáng gầy gò, cao và đen sạm đang đào bới một thứ gì đó. Khi thấy người lạ mặt, người đàn ông hoảng hốt, vụt chạy như một con sóc tìm nơi ẩn nấp. Phải vất vả lắm chúng tôi mới tiếp cận được và sau một hồi hỏi han thân mật, chúng tôi khá bất ngờ khi biết đó chính là “người rừng” Chu Văn Chìu.
Ông Chu Văn Chìu.
Mục sở thị "tổ ấm" 7m2 của... "người rừng"
Sau một hồi hỏi han và tạo được sự gần gũi, ông Chìu mới thở phào nhẹ nhõm và tỏ ra thân thiện hơn. Bằng chất giọng khàn khàn, khô đặc cùng với khuôn mặt nghiêm nghị, “người rừng” Chu Văn Chìu tâm sự: “Tôi vừa ở hang xuống. Mấy hôm nay tôi mệt không xuống hang được, nay mới đỡ ốm đang ra chỗ trồng bí đỏ thì gặp các anh”.
Theo chân ông Chìu, chúng tôi đã đi thêm nửa tiếng đồng hồ mới lên đến “tổ ấm” ở nơi sơn cùng thủy tận này.
“Người rừng” Chu Văn Chìu cho biết, hơn 20 năm về trước, ông kết hôn với một người phụ nữ cùng thôn. Do phải theo sự sắp đặt trước của bố mẹ nên hai người đến với nhau trong sự bắt buộc. Vì vậy, khi về chung sống giữa vợ chồng luôn xảy ra va chạm, cãi vã. Buồn chán trước thực tại và đau khi mối tình với một một người con gái khác ở làng bên không thành, ông Chìu đã lặng lẽ bỏ nhà lên rừng sống và thề rằng một đi không trở lại.
Nơi ở trong hang của "người rừng".
Ngay từ khi bước lên đến cửa hang, chúng tôi luôn quan sát các dụng cụ dùng để mưu sinh hàng ngày của “người rừng”. Tất cả đều bị hoen gỉ được chứa đựng trong không gian rộng chừng 7m2, dài 5m. Ngoài chiếc xô để hứng nước đã bị đám rêu bám xanh còn có cái vỏ chăn được người dân ở thôn đi rừng thương hại mang lên để ông chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ngần ấy thứ thì “tổ ẩm” của ông Chìu trống hoác. Có lẽ, điều đặc biệt khiến chúng tôi tập trung hơn nhất đó chính là chiếc giường nhỏ nơi ông vẫn ngả lưng hàng ngày. Nhiều tấm gỗ mỏng, đen đúa được kê tạm bợ, chắp nối đủ trải một chiếc chiếu cũ mục, rách bươm mà ông đã và đang sử dụng trong suốt hàng chục năm qua. Bên cạnh đó là chiếc bếp lửa tự chế.
“Tối đến, chiếc giường này sẽ được tôi chuyển ra phía ngoài để đón những luồng gió mát rượi từ đỉnh núi thổi vào. Ngủ sẽ thích lắm! Vào mùa đông, để tránh được cái rét, tôi đệm thêm nhiều lá khô ở phía dưới giường rồi nằm đè lên. Thức ăn hàng ngày của tôi chủ yếu là đu đủ, bí đỏ, măng tươi... Năm nào tôi cũng tự mình phát một cái nương ở dưới hang để trồng bí và đủ đủ và làm thức ăn dự trữ ”, ông Chìu chia sẻ.
Suốt hơn 20 năm ẩn cư trong rừng tận nơi sơn cùng thủy tận này, nhiều lần ông phải đối mặt với sự nguy hiểm và thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Với ông, khi ai đó hỏi chuyện về những lần bị rắn độc cắn, hay thú dữ tấn công đều được ông thuật lại cặn kẽ và chỉ dẫn cho cách phòng ngừa khi lâm nạn. Ở nơi không một bóng người này, để có thể tồn tại thì ông Chìu chỉ còn cách cách săn bắt động vật và hái lượm. Ban đầu, để có được chất tươi ăn, ông thường xuyên đi săn bắt động vật đem về nướng ăn dần, nhưng rồi ông chợt nhận ra hành động đó là sai trái, hủy diệt đi những điều bình dị, tốt đẹp xung quanh cuộc sống mình. Kể từ đó, ông không bẫy muông thú nữa mà quyết tâm bảo vệ chúng, đồng thời chuyển sang trồng đu đủ, bí ngô…lấy làm thức ăn để sinh sống qua ngày. Vì vậy mà tình yêu đối với thiên nhiên cứ lớn dần trong ông. Những người bạn thân thiết nhất của ông bây giờ chỉ có thể là các loài động vật hoang dã. Ông gắn bó và đã coi chúng như như những thành viên trong gia đình…
Đồ ăn dự trữ của ông Chìu.
Trao đổi với chúng tôi, trưởng thôn Khuôn Mạ, xã Kiên Đài - ông Lường Văn Thiện cho biết: “Trước tình hình và cuộc sống hiện tại ở trong rừng của ông Chìu, phía thôn luôn kết hợp với chính quyền xã đã nhiều lần lên tận nơi khuyên bảo, vận động thuyết phục ông ấy dời núi về làng. Thế nhưng, người đàn ông này vẫn cương quyết không chịu nghe. Cuộc sống “ ăn hang ở lỗ” đã ảnh hưởng tới sức khỏe, làm ông Chìu ngày càng gầy gò. Địa phương chúng tôi cũng quan tâm và có viện trợ cho ông. Mỗi khi người dân lên núi thấy cảnh ông như vậy đều cho ông các vật dụng để làm, giúp ông tránh được cái đói dài ngày, từ đó cải thiện đời sống. Chúng tôi vẫ sẽ tiếp tục tìm mọi cách thuyết phục ông ấy trở về”.
>> Xem thêm clip: Đưa "người rừng" trở về sau 40 năm sống trong rừng sâu
(Nguồn: VTV)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA