Chiều 11/5, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã phân tích tính hiệu quả của những tuyên bố từ Thủ tướng về biển Đông tại hội nghị cấp cao ASEAN vào sáng 11/5.
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có những phát biểu hết sức mạnh mẽ, đanh thép về hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông tại phiên họp với các nhà lãnh đạo ASEAN sáng 11/5. Ông có bình luận gì về lời phát biểu này?
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.
Tôi cho rằng phát biểu của Thủ tướng là chính kiến của cả dân tộc Việt Nam về chủ quyền biển đảo. Tôi hoàn toàn đồng tình với phát biểu của Thủ tướng và cho rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
- Thủ tướng khẳng định “hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông”. Còn quan điểm của cá nhân ông ra sao?
Đúng vậy. Nhiều nước trên thế giới đã cảnh báo điều đó từ lâu và bây giờ điều đó đang trở thành hiện thực.
- Phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng tại hội nghị cấp cao ASEAN sẽ đem lại cho Việt Nam những gì?
Đó sẽ là dịp để chúng ta khẳng định Việt Nam có chủ quyền và sẽ tìm mọi cách để bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của mình.
Thứ hai, Việt Nam muốn cho cả thế giới biết rằng tình hình ở biển Đông đang có những dấu hiệu phức tạp.
Thứ ba, Việt Nam đang muốn kêu gọi thế giới ủng hộ, tạo mọi điều kiện và lên tiếng ủng hộ chúng ta trong việc đàm phán để Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta.
Ngoài ra, chúng ta cũng cảnh báo về tình hình ở biển Đông và yêu cầu các nước trong khối ASEAN tạo mọi điều kiện ủng hộ Việt Nam để đạt được thỏa thuận giữa hai bên, tránh xung đột xảy ra.
Theo tôi, hiệu quả của những tuyên bố trên tại hội nghị cấp cao ASEAN là thể hiện rõ được chính kiến của dân tộc Việt Nam và thể hiện được mong muốn của chúng ta đối với các nước ASEAN trong tình hình khó khăn hiện nay.
- Có người nói, đằng sau chuyện đưa giàn khoan vào vùng biển của ta là cả một âm mưu chính trị thâm độc của Trung Quốc, ông nghĩ sao?
Điều đó thì tôi chưa khẳng định được, nhưng trước mắt Trung Quốc đang dần lấn chiếm vùng biển của Việt Nam, khai thác tài nguyên trên thềm lục địa của chúng ta.
- So với những lần gây hấn trước đây của Trung Quốc, vụ việc lần này nghiêm trọng thế nào, thưa ông?
Rõ ràng, tính nghiêm trọng của sự việc lần này gia tăng hơn. Trước mắt và lâu dài, tôi nghĩ tình hình đang ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng.
- Trong chiến lược ngoại giao nhân dân, theo ông chúng ta phải làm thế nào để cộng đồng quốc tế thấy rõ vấn đề và ủng hộ cho chính nghĩa của Việt Nam?
Theo tôi, trong ngoại giao nhân dân, việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước trên thế giới trong việc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam.
Thứ hai, phải để cho cộng đồng thế giới lên án hành động của Trung Quốc và lên tiếng ủng hộ Việt Nam.
- Bên cạnh dư luận thế giới, chúng ta cần phải chú ý đến hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc, nhiều người trong số họ đang thiếu thông tin hoặc đang nhận được những thông tin sai lệch dẫn đến những ý kiến, hành xử không thiện cảm với Việt Nam. Chúng ta cần phải hành động thế nào để tăng cường nhận thức, sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc trong việc đảm bảo luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trên Biển Đông?
Đối với người dân Trung Quốc, bằng mọi phương tiện, thông tin mình có được, Việt Nam phải làm cho họ hiểu về mối quan hệ giữa hai nước và các hành động gây hấn vừa qua của Trung Quốc. Chỉ có con đường ấy chứ không còn con đường nào khác!
- Thế còn về các "điều kiện đàm phán" Trung Quốc đưa ra, ông nghĩ sao?
Họ phải rút giàn khoan khỏi vùng biển của ta rồi mới có thể đàm phán chứ không thể yêu cầu ngược với phía Việt Nam như vậy.
- Xin cảm ơn ông!
Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc cản trở tàu CSB Việt Nam.