Bạn đọc ở địa chỉ mail [email protected] có hỏi: Gia đình tôi có hộ khẩu KT2 đã đến đăng ký tạm trú tại Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội vào tháng 5/2013 và đã nộp 50.000 đồng không có biên lai, không có giấy xác nhận tạm trú hay sổ tạm trú. Tháng 10/2013 tôi cần xác minh tạm trú để làm hộ chiếu, tôi đã đến và được trả lời rằng trường hợp của tôi chưa đăng ký tạm trú và cán bộ đăng ký tạm trú Phú Diễn, Từ Liêm đã thu 20.000 đồng của 4 người tổng 80.000 đồng để viết 2 phiếu xác minh nhân khẩu tạm trú để tôi mang về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác minh. Khi được hỏi biên lai thì các cán bộ này nói không có biên lai. Vì vậy tôi phải thông báo cho ai về trường hợp thu tiền một cách vô lý này để rất nhiều người dân tạm trú tại đây đã nộp tiền nhưng không biết số tiền đó đi về đâu và sử dụng như thế nào? Rất mong nhận được thông tin của quý báo.
Trả lời:
Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:
Theo quy định tại mục 1 phần II Thông tư 07/2008/TT-BTC ngày 15/01/2008 hướng dẫn về lệ phí đăng ký cư trú thì mức thu lệ phí đăng ký cư trú như sau:
“Mức thu tối đa đối với việc đăng ký và quản lý cư trú tại các quận của thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc phường nội thành của thành phố thuộc tỉnh như sau:
a) Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú: không quá 10.000 đồng/lần đăng ký.
b) Cấp mới, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú: không quá 15.000 đồng/lần cấp. Riêng cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo yêu cầu của chủ hộ vì lý do nhà nước thay đổi địa giới hành chính, tên đường phố, số nhà: không quá 8.000 đồng/lần cấp”.
Như vậy mỗi lần đăng ký tạm trú nhưng không cấp sổ tạm trú thì mức thu lệ phí đăng ký tạm trú tối đa không quá 10.000 đồng/lần đăng ký tạm trú. Theo phản ánh của bạn thì việc thu phí của công an xã Phú Diễn với mức 50.000 đồng khi đăng ký tạm trú vào tháng 5/2003 và 20.000 đồng vào tháng 10/2003, không ghi biên lai là hoàn toàn vượt mức quy định.
Về vấn đề này có 2 hướng xử lý như sau:
Thứ nhất: Căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Pháp lệnh phí và lệ phí 2001 quy định: “Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật về phí và lệ phí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật; số tiền đã thu sai phải được trả lại cho đối tượng nộp phí, lệ phí; trường hợp không xác định được đối tượng nộp phí, lệ phí thì số tiền đã thu sai phải nộp vào ngân sách nhà nước”.
Thứ hai: Căn cứ Điều 30 Pháp lệnh phí và lệ phí 2001, cũng có quy định cụ thể về trường hợp các tổ chức và cá nhân có thể khiếu nại, tố cáo về quyết định thu phí sai này:
“1. Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí không đồng ý với quyết định thu phí, lệ phí có quyền gửi đơn khiếu nại đến tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp phí, lệ phí. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại phải thực hiện quyết định thu phí, lệ phí.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải giải quyết và trả lời cho người khiếu nại bằng văn bản; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển đơn khiếu nại hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.
3. Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 2 điều này mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền tiếp tục khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án”.
Như vậy, nếu cán bộ phụ trách thu phí thu không đúng quy định về phí và lệ phí thì số tiền thu sai phải trả lại cho người nộp. Bạn có thể làm đơn khiếu nại về việc thu không đúng quy định của pháp luật với Trưởng Công an xã Phú Diễn hoặc cho UBND xã Phú Diễn để được giải quyết.
Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: [email protected] hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.