Gần đây, hàng loạt vụ thầy đánh trò gây xôn xao dư luận từ việc thầy tát trò mắng chửi thậm tệ ở Hà Nội; thầy tát liên tiếp vào mặt trò liên tiếp ở THPT Nguyễn Huệ (Bình Định) cho đến thầy đánh trò đến thủng màng nhĩ…gây rúng động ngành giáo dục, bức xúc trong dư luận về đạo đức của người thầy hiện nay.
Đặc biệt, gần đây nhất (18/2) vụ việc là thầy Trần Thế Vinh (giáo viên Trường THCS Hưng Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh) có hành vi đánh em Phan Văn Chung (học sinh lớp 8A) phải nhập viện do có hành động vứt giấy vụn trên bàn trong giờ Mỹ thuật. Sau đó, theo thông tin từ nhà trường thì thầy Vinh nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và sẽ tiếp tục trở lại trường đi dạy vào ngày 24/2.
Theo quan điểm của PGS Văn Như Cương (hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh – Hà Nội) thì hành động thầy đánh trò là sai và không có phương pháp giáo dục nào ủng hộ việc thầy đánh trò dã man như thế.
Nếu đánh trò một cách rất hằn học, tức tối trút giận lên học sinh chứ không mang tính giáo dục trong đoạn clip thầy giáo Trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định thì không thể chấp nhận được. Ngày xưa, thầy đánh trò bằng roi nhưng đánh vào mông và giảng giải đúng sai.
Nhớ lại câu chuyện thời đi học, PGS kể lại: “Hồi tôi còn học tiểu học, thầy giáo trường làng tôi nghiêm khắc lắm, chúng tôi đi học đều nộp cho thầy 1 cái roi. Mấy đứa tôi tinh nghịch nghe mấy anh lớn mách là chặt roi bằng tre, vót ở đốt tre sau đó bôi phân trâu để lấp đi. Lúc chúng tôi mắc lỗi, thầy đánh một cái là gẫy roi ngay, thầy tưởng đau lắm nên tha không đánh nữa.
Ông cụ nhà tôi là thầy giáo làng cũng có một cái roi dắt trên mái nhà. Nếu chúng tôi có lỗi, ông cụ bắt nằm sấp xuống, ông cụ vừa gõ gõ roi vào mông tôi vừa giảng giải: “Tại sao lại làm như thế, có biết làm như thế là hư hay không? Đáng lẽ phải làm thế này, nhớ chưa? Lần sau không được làm như thế”. Mỗi lần ông cụ hỏi “Nhớ chưa?”, chúng tôi nói “Nhớ rồi”, ông cụ vụt một cái. Sau đó, ông cụ lại hỏi lỗi khác, giảng giải và vụt như thế nhưng 2-3 cái là hết”.
Qua câu chuyện này, PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm, đánh như thế đúng nghĩa “yêu cho voi cho vọt”, đánh mang nghĩa giáo dục thực sự, con cái, học sinh không cảm thấy bị xúc phạm mặc dù có đụng chạm đến cơ thể.
PGS cũng nhắc lại câu chuyện Mạnh Tử bị mẹ đánh. Mỗi lần Mạnh Tử có lỗi bị mẹ đánh ông đều không khóc. Nhưng có một lần bị đánh, ông khóc ầm lên. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao lại khóc. Ông nói, do ông thương mẹ bởi lần trước mẹ đánh còn đau, giờ không thấy đau nữa tức là mẹ yếu lắm rồi.
Việc đánh học trò dã man theo lý thuyết là phản giáo dục, bị xã hội lên án. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và không ít độc giả lại ủng hộ phương pháp đánh học trò để giáo dục, răn đe, dạy dỗ.
Về vấn đề này, PGS Văn Như Cương khẳng định: “Bây giờ tôi không hiểu những người thầy đánh học trò như thế, học sinh phải xử sự như thế nào? Tôi thấy có nhiều cách thể hiện của học trò đối với những người thầy này như đánh lại thầy, gọi người chặn đường đánh thầy hay học sinh nhịn nhục uất ức, căm phẫn nhưng không dám nói ra mà tự tử. Có trường hợp im lặng, nhẫn nhục và không dám nói gì.
Chúng ta không thể tưởng tượng một hành vi đánh, xúc phạm của mình có thể làm học sinh trả đũa bằng nhiều cách khác nhau kể cả cái chết uất ức của các em vì tự ái, không được tôn trọng. Tôi buồn lắm khi các thầy không nghĩ đến chuyện sâu sa như vậy.
Trong trường hợp của thầy Tuấn (THPT Nguyễn Huệ), nếu học sinh làm ồn khi tôi đang giảng bài, tôi nhắc nhở nhưng học sinh vẫn tiếp tục làm ầm ầm, không giữ trật tự, tôi sẽ không dạy tiết này nữa và báo cáo với nhà trường. Nếu hôm sau vẫn thế, tôi cũng sẽ làm như vậy”.
Theo PGS để hạn chế tình trạng đáng buồn này trong nhà trường, ngành giáo dục, việc rèn luyện những người thầy tương lai nên được nghiêm túc hơn. “Ít nhất các trường đào tạo sư phạm cần phải dạy sinh viên môn đạo lý làm thầy chứ, về quan hệ giữa học sinh – người thầy- phụ huynh là như thế nào. Hơn nữa, xã hội hiện nay nhiều mối quan hệ bị chi phối bởi kinh tế thị trường…”.
Cũng theo PGS thì ở trường ông (THPT Dân lập Lương Thế Vinh) không bao giờ xảy ra vụ việc tương tự như vậy.