PGS.TS giải mã những vụ xả súng kinh hoàng ở Việt Nam

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - “Hiện nay, cái tâm của con người bị xáo trộn. Nó như một sợi dây đàn căng lên đầy sự bức xúc xã hội”, đó là chia sẻ của PGS. TS Lê Quý Đức.

Liên tiếp thời gian gần đây là những vụ xả súng để cướp đi sinh mạng của nhau khiến dư luận đi hết từ kinh hoàng này tới kinh hoàng khác. Tiêu biểu là hai vụ: Nổ súng ở trụ sở UBND TP. Thái Bình làm 1 người chết, 4 người bị thương và CSGT Đồng Nai bắn nhau, 1 thiếu tá chết, 2 người bị thương.

Trước việc sử dụng vũ khí nóng tước đi mạng sống của con người ngày một phổ biến, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).

“Đó là mặt trái của cơ chế thị trường, của những ảnh hưởng từ lối sống bạo lực bên ngoài, thậm chí cả mặt trái của những vấn đề pháp luật. Pháp luật xử có nghiêm, có đúng không hay còn để tồn tại những nỗi oan ức khiến người ta không xử với nhau bằng pháp luật được mà phải dùng tới “luật rừng”?” - PGS.TS Lê Quý Đức mở đầu bằng những câu hỏi mà ông đã suy nghĩ từ rất lâu. Chính vì thế, trước những sự việc xảy ra như trên, ông không ngạc nhiên mà chỉ thấy cách ứng xử ấy khác nhiều so với trước đây.

Trước đây, con người ít đụng độ với nhau về quyền và lợi ích. Người ta thường dùng nhiều biện pháp để giải quyết mâu thuẫn như: giáo dục con người phải sống thương yêu, sống quan tâm tới nhau, sống biết dung thứ... Chính lối sống ấy đã hạn chế được tình trạng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Có chăng, họ chỉ dùng bạo lực để chống lại những kẻ bóc lột, đàn áp con người.

Quay trở lại với những vụ xả súng gần đây, PGS.TS Lê Quý Đức cho hay: "Chúng ta hãy tạm loại bỏ những nguyên nhân của những sự vụ này đi mà nhìn vào hiện tượng là người ta xả súng để cướp đi sinh mạng của nhau: cảnh sát với cảnh sát hay người dân với cán bộ Nhà nước. Điều ấy không chỉ dừng ở kĩ năng người ta không biết dùng ngôn ngữ để giao tiếp với nhau, để giải tỏa bức xúc với nhau mà tôi cho rằng, ở đây có một sự chất chứa, một bức xúc, là hiện tượng của xã hội hiện nay. Có thể là ở phạm vi xã hội vi mô, có thể là phạm vi xã hội vĩ mô".

Đám tang Thiếu tá Trần Ngọc Sơn trong vụ

Đám tang Thiếu tá Trần Ngọc Sơn trong vụ "CSGT Đồng Nai bắn nhau"

Mở rộng vấn đề hơn, PGS.TS Lê Quý Đức phân tích thêm: "Hiện nay, còn hiện tượng phổ biến là nhiều bạn trẻ ra đường luôn thủ sẵn hung khí trong người. Học sinh, sinh viên… ra đường đụng nhau là rút dao ra “giải quyết” chứ không nói chuyện xin lỗi hay chia sẻ, thông cảm hoặc đưa ra pháp luật… Kể cả nhiều nơi sản xuất súng tự chế cũng đã được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý".

Điều ấy, theo PGS Đức là bị ảnh hưởng, có thể từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ các nước bên ngoài. Chẳng hạn như lối sống của nước Mỹ, dùng súng có thể để tự vệ nhưng cũng có thể để thể hiện bản năng “cuồng sát” của một số người.

Cái vi mô nó thể hiện ở cả bình diện chung là như vậy mà luật pháp, văn hóa, đạo đức đều không giải quyết được. Nếu hành động ấy cứ dầy đặc lên thì sẽ thành thói quen xã hội. Mà những “thói quen” ấy xuất phát từ những mâu thuẫn chung và trở thành vấn đề lớn, trở thành nguy cơ đáng báo động trong xã hội.”, PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Đi từ thực tế mà mình nhìn nhận và tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, PGS.TS Lê Quý Đức nói: "Để giải quyết tình trạng này thì phải giải quyết từ vấn đề đầu tiên là về mặt pháp luật, rồi việc thực thi luật pháp; tổ chức đời sống xã hội để không còn những mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cơ quan Nhà nước. Sau đó phải nâng cao vấn đề đạo đức, truyền thông vì đôi khi nói nhiều về bạo lực chưa phải đã là hay.

Trước đây, chúng ta thường hay nhắc tới việc ai làm điều ác thì bị lên án. Còn bây giờ, trong tâm thức của con người, sự lên án ấy không còn quá nặng nề".

Hơn nữa, theo PGS.TS Lê Quý Đức, hậu quả của chiến tranh cũng là một phần nguyên nhân. Những hình ảnh giết chóc trong chiến tranh cũng khiến người ta quen với bạo lực.

PGS nhấn mạnh: "Đây là những nguyên nhân tổng thể nên phải giải quyết bằng những biện pháp tổng thể. Rồi Nhà nước, các đoàn thể, gia đình… phải giáo dục con người để con người tĩnh tâm lại, ổn định lại. Vì hiện nay, cái tâm của con người bị xáo trộn. Nó như một sợi dây đàn căng lên đầy sự bức xúc xã hội. Nó không trấn tĩnh được nên có thể nổ ra như sự bất công, bất hợp lý, sự chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch địa vị xã hội… Những điều ấy dồn ép con người làm những điều gây nên sự nhức nhối trong xã hội hiện nay".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại