PGS Văn Như Cương: “Tôi thấy buồn cười vì quyết định “đình chỉ…giả””

Thiên Di |

Việc đưa ra quyết định đình chỉ học như một hành động giả để răn đe học sinh của vị hiệu trưởng THPT Dân lập Phạm Ngũ Lão là không đúng và không có tác dụng giáo dục.

>> Chuyện lạ: Học sinh bị "đình chỉ... giả" vì không tham gia văn nghệ

Vô lý

Sự việc một học sinh Trường THPT Dân lập Phạm Ngũ Lão (Q. Gò Vấp, TP HCM) bị đình chỉ học tập vì tự ý bỏ buổi biểu diễn văn nghệ thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Thanh Nguyệt nói rằng quyết định đình chỉ chỉ là hành động giả để giáo dục học sinh chứ không hề có ý nghĩa pháp lý.

Quyết định đình chỉ có chữ ký của hiệu trưởng và có dấu đỏ.
Quyết định đình chỉ có chữ ký của hiệu trưởng và có dấu đỏ.

Không đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Văn Như Cương (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) nói: “Động tác giả như thế thì tôi thấy buồn cười vì không ai làm như vậy cả, giáo dục mà dùng hành động giả là vô lý.

Quyết định có dấu đỏ, có chữ ký của hiệu trưởng, vậy thì trước đó phải thông qua hội đồng kỷ luật. Như vậy, lớp, khối hay trường phải được phổ biến việc kỷ luật học sinh đó.

Nếu động tác giả thì mình có thể rút lại, ra quyết định thứ 2 và không có số sao? Về mặt hành chính là chưa đúng”.

PGS.TS Văn Như Cương không đồng tính với phương pháp giáo dục kỷ luật học sinh là hành động giả.

PGS.TS Văn Như Cương không đồng tình với phương pháp giáo dục kỷ luật học sinh là hành động giả.

Cùng trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) cho rằng, trong giáo dục, điều quan trọng nhất là sự trung thực, nhân văn.

Nhưng người hiệu trưởng này ra quyết định và nói rằng đó “hành động giả” thì hoàn toàn không đúng.

“Nếu chỉ là giả thì hành động của học sinh đó không đến mức phải đưa ra một quyết định đình chỉ, vậy tại sao lại dùng hình thức đấy?

Quyết định đình chỉ có dấu đỏ, có chữ ký của hiệu trưởng mà chỉ để răn đe, dọa học sinh này như vậy thì tôi cho rằng quá đơn giản và sử dụng quyền hiệu trưởng là không đúng.

Cách giáo dục như vậy là không được. Kỷ luật học sinh phải đưa ra hội đồng kỷ luật chứ không phải tự tiện ra quyết định” - ông Nhĩ giải thích.

Bà Lê Thị Thanh Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường nói: “Quyết định đình chỉ học tập chỉ là động tác giả để giáo dục học sinh chứ không có ý nghĩa pháp lý.

Trong quyết định tôi trực tiếp ký nhưng không hề ghi thời hạn kỷ luật. Vì chúng tôi muốn sau quyết định này, học sinh nhận thấy khuyết điểm của mình, có cam kết với nhà trường sẽ sửa chữa thì quyết định sẽ bị hủy bỏ ngay lập tức”.

Lừa dối học sinh?

Điều đáng nói ở đây, theo lời của vị hiệu trưởng này thì đây là phương pháp để giáo dục những học sinh cá biệt trong trường.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Văn Như Cương cho rằng, mục đích của nhà trường là giáo dục học sinh và hình thức kỷ luật cũng là phương pháp giáo dục cần thiết tuy nhiên không phải đánh, mắng chửi học trò.

“Nhưng tôi cho rằng không nên dùng biện pháp “giả” để kỷ luật học sinh. “Giả” tức là “lừa dối”, mà trong nhà trường chúng ta đang dạy học sinh trung thực.

Tôi không ủng hộ quan điểm giáo dục của vị hiệu trưởng kia vì chắc chắn không hiệu quả.

Một hay hai lần như vậy, học sinh sẽ không còn tôn trọng quyết định đó nữa” - PGS.TS Văn Như Cương khẳng định.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng quyết định đình chỉ giả của hiệu trưởng là chưa đúng.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng quyết định đình chỉ giả của hiệu trưởng là chưa đúng.

Còn theo nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ thì việc giáo dục theo hình thức này không hề có lợi mà còn phản tác dụng.

Ông Xuân Nhĩ nói: “Mình phải tìm hiểu kỹ càng nguyên do chứ không nên dùng hình thức kỷ luật đó để “dọa” học sinh.

Tôi cho rằng, học sinh đó và các em khác không nể phục lãnh đạo đó nếu dùng kỷ luật “giả” như vậy.

Với vai trò là hiệu trường thì không nên dùng quyền hành của mình, tự tiện dùng con dấu đỏ nhà trường để ra quyết định và bảo đó là “hành động giả” và hủy đi.

Một người thầy được học sinh biết ơn là người tận tâm và xử sự mềm mỏng”.

Từ câu chuyện này, ông nhớ kỷ niệm ngày còn làm lãnh đạo một trường. Ông yêu cầu học sinh toàn trường phải gấp chăn màn ngăn nắp khi ngủ dậy.

Tất cả mọi người đều làm theo nhưng chỉ riêng một học sinh nhất định không làm mặc dù ông đã vài lần nhắc nhở.

“Tôi có mời em học sinh này lên gặp riêng nói chuyện. Em rụt rè tâm sự rằng, em không biết làm do thói quen ở nhà được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ.

Em trả lời không làm ngay tức khắc được, vì vậy tôi cử vài học sinh hướng dẫn, nhắc nhở em này hàng ngày.

Chỉ sau một thời gian, học sinh này không còn vi phạm nữa” - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhớ lại.

Trước đó, ngày 20/1 dư luận lan truyền bức ảnh chụp quyết định đình chỉ học em Nguyễn Thị Tuyết Linh lớp 11A1 (THPT dân lập Phạm Ngũ Lão) với lý do "Tự ý bỏ biểu diễn văn nghệ”.

Kèm theo quyết định này, Tuyết Linh còn buộc phải trả lại giấy khen trong học kỳ I và bị xếp hạnh kiểm yếu.

Theo lời hiệu trưởng, sáng ngày 21/01, nhà trường có làm việc với đại diện gia đình em Linh giải thích về quyết định đình chỉ.

Ngay sau đó, em học sinh này phải làm bản kiểm điểm, cam kết không vi phạm các quy định, nội quy của nhà trường và về lớp học bình thường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại