Như tin chúng tôi đã đưa, đình làng Thọ Sơn được xây dựng vào năm 1869 thời vua Tự Đức, từ đó đến nay đã được sửa chữa nhiều lần do bị xuống cấp. Đình được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2010. Đây là di tích cấp tỉnh và do tỉnh quản lý. Hiện nay di tích này đã bị xuống cấp.
Vì vậy, thời gian gần đây, chính quyền thôn, xã này đã thống nhất thu tiền người dân trong làng để lấy kinh phí tu bổ. Người dân bức xúc vì trưởng thôn thu tiền của trẻ nhỏ từ 6 tháng trở lên tới người gia, ốm, yếu, tàn tật...Người dân đã đóng tiền sau khi thu hoạch mùa màng.
Đại diện Sở VHTT&DL Thanh Hóa khẳng định, việc tự thu tiền, tự ý sửa đình là sai. Nhưng xã vẫn khăng khăng là đúng.
Khi chúng tôi tới UBND huyện Thiệu Hóa, trao về việc UBND xã Thiệu Châu và trưởng thôn Thọ Sơn tự ý thu tiền người dân trái quy định để “sửa chữa di tích”, ông Lê Xuân Đào – Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết đó chỉ mới là “dự định”.
“Họ chỉ mới “sắng” thôi, chứ họ không dám làm. Tôi bảo với mấy ông xã rồi: nếu ông mà chỉ thò tay vào làm là tôi mất chức Phó Chủ tịch ngay. Di tích trên địa bàn, đã được tỉnh xếp hạng, do tỉnh quản lý mà ông làm không đúng, tùy tiện sửa chữa là tôi mất chức ngay vì là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm mà”.
Về việc trưởng thôn tự ý thu tiền người dân, UBND xã Thiệu Châu lại đồng ý dù chưa hề có bất cứ dự án tu bổ, sửa chữa di tích nào được Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, ông Đào khẳng định: “Ông xã và ông thôn tự ý làm thế là các ông ấy đã làm sai. Đã là di tích được xếp hạng cấp tỉnh, khi muốn trùng tu, tôn tạo, sửa chữa là phải có văn bản của sở phê duyệt và đồng ý. Nhưng trước đó địa phương phải lập hồ sơ, sau đó mời chuyên viên của sở về đánh giá”.
Khi trả lời được hỏi nếu đã khẳng định xã và thôn làm sai tại sao phía huyện lại không có biện pháp can thiệp, phải chăng đã buông lỏng quản lý về vấn đề này thì ông Đào giải thích: “Huyện chưa nắm được văn bản từ xã gửi lên. Trước kia xã Thiệu Châu cũng có ý định đề nghị xin tu bổ, sửa chữa di tích này vì thực ra nó cũng đã bị xuống cấp.
Di tích này đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh thì bắt buộc phải thông qua Sở VH-TT&DL Thanh Hóa. Còn đối với kinh phí tu bổ tôn tạo, sửa chữa các di tích thì chúng tôi khuyến khích “xã hội hóa”. Tuy nhiên, dù là “xã hội hóa” thì cũng phải dựa trên cơ sở đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương”.
Trước thông tin nhiều người dân ở làng Thọ Sơn phản ánh rằng số tiền phải đóng góp để sửa chữa di tích đình làng Thọ Sơn là quá cao, vượt quá khả năng của người dân và thu trái thảm quyền, sai quy định, ông Đào cho biết: “Việc “xã hội hóa” nguồn kinh phí để sửa chữa di tích phải trên tinh thần tự nguyện của người dân, không ai được phép ép buộc. Gia đình nào có điều kiện thì họ đóng góp, gia đình nào không có điều kiện thì họ thôi, không thể gọi là thu và ép buộc được. Thu là không đúng”.
“Chúng tôi chỉ vận động nhân dân địa phương đóng góp trên tinh thần tự nguyện, còn các ông thôn và xã mà cứ nhất quyết thu là chúng tôi ‘stop’ lại ngay. Nếu trưởng thôn vẫn nhất quyết thu tiền người dân và xã Thiệu Châu vẫn đồng ý cho thôn thu là cả xã và thôn đều đã làm sai rồi. ‘Bổ đầu’ dân mà thu là không được”, ông Đào khẳng định.
PV tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc trên...