Trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 9/5, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: "Trong thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc ngăn chặn, rượt bắt, tấn công phá hoại thiết bị trên tàu và tịch thu nhiên liệu cùng toàn bộ hải sản đánh bắt được. Ngoài mất mát tài sản, ngư dân Lý Sơn còn bị đe dọa đến tính mạng.
Đặc biệt những ngày qua, ngoài việc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, các tàu Trung Quốc còn tăng cường ngăn chặn, tấn công phá hoại các hoạt động đánh bắt hải sản hợp pháp của ngư dân Lý Sơn. Điều này, đã gây khó khăn, ảnh hưởng một phần đến quá trình khai thác của ngư dân.
Ngay trong chiều ngày 7/5, ông Nguyễn Văn Lộc, chủ tàu cá mang số hiệu QNg 96416 TS, ở thôn Tây xã An Vĩnh, thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh gọi về cho biết, trong lúc tàu cá của ông đang khai thác tại ngư trường Hoàng Sa với 16 lao động trên tàu thì bị 1 chiếc tàu của lực lượng Hải quân Trung Quốc rượt đuổi, tông trực diện rất mạnh khiến tàu cá QNg 96416 TS bị vỡ mạn tàu và ca bin tàu, nước tràn vào suýt bị chìm.
Ngay sau khi bị tàu Hải quân Trung Quốc rượt đuổi và tông mạnh làm vỡ mạn và ca bin tàu, thuyền trưởng Nguyễn Văn Lộc đã sử dụng máy Icom liên lạc với chính quyền địa phương để báo cáo sự việc.
Song song, ông Lộc động viên anh em thuyền viên tích cực khắc phục hư hỏng của tàu và hiện đã về đến đảo Lý Sơn", bà Hương cho hay.
Cũng theo bà Hương, mặc dù trong tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép và huy động lực lượng tàu tại vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cách đảo Lý Sơn 119 hải lý nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển.
"Hiện nay, ngư dân huyện đảo Lý Sơn vẫn có hơn 10 tàu thuyền đang hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản tại hai ngư trường truyền thống từ ngàn đời nay của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặc dù bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công nhưng hiện nay, tư tưởng, tâm lý của ngư dân vẫn yên tâm, đánh bắt bình thường và kiên cường bám biển bởi đó là vùng biển, đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam", bà Hương nhấn mạnh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp trên biển Đông với sự ngang ngược, vi phạm trắng trợn của Trung Quốc như vậy, theo bà Hương, các cơ quan chức năng của địa phương vẫn tuyên truyền, vận động ngư dân yên tâm bám biển, khai thác hải sản tại hai ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm mà lâu nay ông cha ta vẫn khai thác là Hoàng Sa và Trường Sa.
"Đối với các tàu thuyền của ngư dân huyện đảo bị tàu thuyền Trung Quốc ngăn cản, phá hoại xưa nay vẫn xảy ra. Nhưng trong thời điểm hiện tại thì chính quyền vẫn động viên, trấn an tinh thần ngư dân. Ngư dân hiện nay vẫn yên tâm trở về khắc phục hậu quả và tiếp tục ra khơi.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm, động viên tinh thần bà con ngư dân khi họ về tới địa phương. Tâm lý của bà con ngư dân nơi đây vẫn luôn mong muốn và tin vào sự can thiệp mạnh của Nhà nước, bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác hải sản tại hai vùng ngư trường thuộc chủ quyền biển đảo là Hoàng Sa và Trường Sa trước sự đe dọa của tàu thuyền Trung Quốc.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng Trung ương, Bộ Ngoại giao... có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết trong việc yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức giàn khoan trái phép cũng như các tàu vi phạm trong vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường an ninh, bảo đảm an toàn cho bà con ngư dân yên tâm hoạt động đánh bắt trên biển", bà Hương bày tỏ.
Cũng theo thông tin từ bà Hương, sáng 9/5, hàng trăm ngư dân huyện đảo Lý Sơn, hòn đảo được xem là tiền đồn Hoàng Sa, đã họp mặt để phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, hung hăng gây hấn với các lực lượng chức năng Việt Nam ở Hoàng Sa.
Và sau buổi gặp gỡ nghe lời hiệu triệu, ngư dân Lý Sơn đã cùng nhau đến tượng đài Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải thắp hương, tưởng nhớ thế hệ cha anh.
Bản tin VTV về việc tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam