Ông Trần Đăng Tuấn ứng cử ĐBQH để được làm những điều có ích hơn

Hoàng Đan |

Nguyên Phó Tổng giám đốc VTV Trần Đăng Tuấn vừa cho biết, ông đã quyết định tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đã nộp hồ sơ.

> Ông Trần Đăng Tuấn - Từ tâm thư chấn động đến ứng cử ĐBQH

Ứng cử để có thể làm những điều đúng, hữu ích

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) xác nhận việc ông đã quyết định nộp hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021).

Theo ông Tuấn, ông quyết định điều này vào những ngày cuối trước khi thời hạn đăng ký ứng cử kết thúc và ông đã kịp làm, nộp hồ sơ.

Nói về lý do đưa ra quyết định này, ông Tuấn cho rằng, đúng là không cần vị trí nào vẫn có thể làm điều hữu ích.

"Nhưng nếu là Đại biểu Quốc hội, sẽ có nhiều điều kiện để làm những điều đúng, điều hữu ích cho cộng đồng hiệu quả hơn", ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, nếu sau hiệp thương, tên ông có trong danh sách để bầu thì cơ hội trúng cử của một người tự ứng cử, khách quan mà nhìn nhận, là không nhiều.


Nhà báo Trần Đăng Tuấn trong một chuyến công tác, trao tặng quà cho học sinh vùng cao. Ảnh trên trang cá nhân của ông.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn trong một chuyến công tác, trao tặng quà cho học sinh vùng cao. Ảnh trên trang cá nhân của ông.

"Dù vậy, tôi quyết định tự ứng cử, vì giờ đây tôi nghĩ rằng, lấy lý do xác suất thành công quá nhỏ mà không làm điều gì đó cần làm, thường chỉ là cách biện hộ cho sự yếu đuối.

Hướng đến mục tiêu trúng cử, nhưng tôi không bị áp lực bởi chuyện trúng hay không trúng cử. Tôi quyết định không bỏ qua cơ hội nhỏ làm những việc hữu ích lớn.

Nếu cơ hội nhỏ đó không thành hiên thực thì tôi sẽ vẫn luôn có những cơ hội lớn để làm các việc hữu ích nhỏ. Thiết nghĩ: Cơ hội bao giờ cũng có, quan trọng là thái độ của chúng ta với các cơ hội mà thôi", ông Tuấn nhấn mạnh.

"Cha đẻ" của Cơm có thịt

Ông Trần Đăng Tuấn sinh năm 1957 tại Nam Định và từng có hơn 20 năm công tác tại Đài truyền hình Việt Nam.

Ông được xem là người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chiến lược Đài truyền hình Việt Nam giai đoạn 1996 - 2000 và 2001 - 2010. Ông cũng là một trong những người xây dựng kênh VTV3 từ năm 1996.

Tháng 8/2010, ông gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin chuyển công tác khỏi VTV. Đến tháng 11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho ông thôi chức Phó Tổng giám đốc VTV.


Ông Trần Đăng Tuấn tiếp nhận ủng hộ của hai em nhỏ cho chương trình Cơm có thịt. Ảnh trên trang cá nhân của ông.

Ông Trần Đăng Tuấn tiếp nhận ủng hộ của hai em nhỏ cho chương trình "Cơm có thịt". Ảnh trên trang cá nhân của ông.

Sau đó, ông chuyển về làm việc tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình. Từ năm 2011, ông là Tổng giám đốc Truyền hình An Viên (AVG).

Sau khi rời VTV, ông Tuấn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện giúp trẻ em vùng cao tới trường thông qua chương trình "Cơm có thịt" từ năm 2012.

Chương trình có mục đích cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần để học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đi học thường xuyên, kết quả học tập tốt hơn. Kết nối cộng đồng trong hoạt động thiện nguyện.

Ngoài ông Tuấn là Chủ tịch Hội đồng quản lý, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng tham gia với tư cách là Chủ tịch danh dự.

Cùng với đó, là những bức tâm thư, chia sẻ quyết liệt của ông Tuấn về nhiều vấn đề đã góp phần đánh động nhân tình và nhân tính trong trái tim của nhiều người Việt và bạn bè quốc tế.

Cụ thể như hai lần viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận đề cập đến một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015 chậm được ban hành.

Sau đó, Bộ GD - ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo khó khăn, vùng núi.

Vào năm 2012, nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng đã gửi 1 bức thư ngỏ đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc cấp phép cho quỹ "Cơm có thịt".

Bộ Nội vụ khi đó, có công văn trả lời và xin "rút kinh nghiệm" trong dự án này. Ngoài ra, Bộ sẽ nghiên cứu kiến nghị về số tiền đóng góp để hoàn chỉnh quy định pháp luật.

Vào đầu năm 2015, ông cũng đã tiếp tục có tâm thư gửi Chủ tịch Hà nội về việc loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chủ tịch Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu rà soát việc cải tạo, thay thế cây xanh đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.

Ngoài ra, tháng 5/2014, ông còn có thư ngỏ tới Tổng Giám đốc Hãng tin Nga (RIA) sau bài báo xuyên tạc về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng như mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trước đó, Nghệ sỹ ưu tú Kim Tiến, người phụ nữ có “giọng nói huyền thoại” chinh phục bao thế hệ khán giả truyền hình vừa được Hội thánh Tin lành Hà Nội đề cử ĐBQH khóa XIV.

Theo thông tin từ Ủy ban bầu cử Tp Hà Nội, từ ngày 17/2 đến 13/3, Ủy ban đã nhận 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 40 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu và 47 hồ sơ tự ứng cử.

Có 205 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND, trong đó có 196 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử và 9 hồ sơ tự ứng cử‎.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại