Đảm bảo an toàn thực phẩm đang là vấn đề xã hội rất quan tâm.
Trong trả lời phỏng vấn báo chí dịp cuối năm 2015, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mong mỏi và bức xúc của người dân Việt Nam.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xem là một “cái nợ” của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đây cũng là “cái nợ” của MTTQ Việt Nam với nhân dân. Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc. Điều đó trái với văn hoá của người Việt.
Người Việt không đầu độc người Việt
“Chúng ta thường nói “thương người như thể thương thân”, nhưng ở đâu đó trong câu chuyện này vẫn có việc người không thương người.
Biết là độc mà vẫn bán thì chúng ta phải thống nhất lại nhận thức, phải nói không với văn hoá kiếm tiền bằng cách đầu độc chính người Việt Nam. Không được phép làm việc đó. Việc này phải làm Cuộc vận động.
Những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hoá thì không được làm những việc trái với văn hoá là sản xuất không an toàn”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, MTTQ Việt Nam đã bàn sơ bộ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong tiêu chí gia đình văn hoá từ nay trở đi nếu là người sản xuất nông nghiệp thì phải có tiêu chí là không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn.
Làm nghiêm việc này chắc chắn tỷ lệ gia đình văn hoá sẽ giảm xuống không phải 85, 86 % mà còn xuống nữa, nhưng cũng nên chấp nhận để làm rõ hiện thực này.
“Đối với hàng nhập khẩu, chúng ta có đủ cơ quan chức năng để giám sát hàng nhập khẩu, không thể để lọt vào những thứ sẽ đầu độc giống nòi Việt Nam.
Đồng thời cũng phải có một cuộc vận động với những người chế biến. Đó là người Việt Nam không cung cấp món ăn Việt Nam có hại cho sức khoẻ người Việt Nam, chưa nói là người nước ngoài”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, phải có một cuộc vận động toàn xã hội để nâng cao nhận thức không được làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, nòi giống người Việt.
“Chúng tôi rất mừng có một số địa phương như ở Hà Nam hiện đang có nhiều mô hình đăng ký sản xuất an toàn. Như vậy, Trung ương làm, ở địa phương lại có mô hình, kết hợp lại chắc chắn sẽ thành cuộc vận động tốt”.
Không thể ngồi kêu khó mà phải đi thực tế
Trong năm 2015, Mặt trận đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát về tình hình nông nghiệp và giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã 2012.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong chương trình công tác năm 2015 của Mặt trận không có kế hoạch khảo sát hợp tác xã nông nghiệp.
Nhưng với tư cách là Mặt trận thay mặt nhân dân, từ năm 2013 và 2014, Mặt trận đã báo cáo trước Quốc hội về ý kiến của cử tri và nhân dân về tình hình đất nước.
Trong đó, lần nào cũng thấy nông dân than là được mùa mất giá, khó vay vốn, xuất khẩu nông nghiệp bấp bênh.
“Hai năm, hai lần tôi thay mặt nhân dân báo cáo trước Quốc hội những khó khăn, vậy năm thứ 3 có nên nói như thế nữa không? Tôi nghĩ năm thứ 3 mình phải đi cũng chính quyền để tìm giải pháp, không thể kể khó khăn nữa.
Vì vậy Mặt trận mới làm chương trình bổ sung đi khảo sát nông nghiệp và thực hiện Luật Hợp tác xã 2012”- ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua đợt khảo sát thấy rằng, nông dân có một đặc điểm là muốn giữ đất, ruộng của mình.
Nghĩa là vẫn muốn giữ làm ăn cá thể, điều đó ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức cũng thế. Nông dân họ vẫn làm ăn cá thể, nhưng không phải chỉ có cá thể mà là vừa cá thể vừa liên kết lại thành Hợp tác xã.
Cho nên Hợp tác xã ở các nước không thay thế kinh tế hộ mà làm cho kinh tế hộ mạnh hơn.
“Chúng tôi đã rút ra nhận thức rất quan trọng, không phải nông dân là đem đất, trâu bò biến thành của chung mà của riêng ai thì người ấy cứ giữ, nhưng khi làm hợp tác xã có phần chung, đó là góp vốn cho hoạt động chung và hình thành Ban Hợp tác xã và có kết hoạch sản xuất chung, dựa trên nhu cầu thị trường, giúp cho hộ nông dân làm tốt hơn” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, khi đi thực tiễn ông rất mừng, tuy còn ít nhưng rất nhiều địa phương từ Lào Cai cho đến Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ đều có những mô hình HTX mà nông dân là những người tự liên kết để làm ăn tốt hơn.
Những HTX này không lớn, chỉ vài chục hộ nhưng họ hiểu nhau và phối hợp làm ăn có hiệu quả.
Như vậy, mô hình HTX theo luật HTX 2012 đã có rồi, vấn đề làm thế nào để nhân rộng và phát huy những mô hình này. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải thay đổi nhận thức.
“Chúng ta hay đặt vấn đề là ngân hàng phải cho vay vốn, nhưng nếu hộ cá thể đất không được 1 ha, chỉ có 2 lao động, trong khi không học nghề thì làm sao ngân hàng yên tâm dám cho vay bởi họ phải đối diện với việc đảm bảo tỉ lệ nợ khó đòi thấp.
Bài toán ở đây là nếu các hộ đó liên kết lại thành HTX, có phương án làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật thì lúc đó ngân hàng sẽ yên tâm cho vay”- ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, bây giờ hội nhập quốc tế, chúng ta vào siêu thị, một bên là rau, thịt của Việt Nam bán với giá rẻ, nhưng không có xuất xứ rõ ràng, không có chứng nhận chất lượng.
Một bên là rau, thịt nhập khẩu nước ngoài, tuy có đắt hơn một chút nhưng mà mua chắc chắn là yên tâm thì cuối cùng người tiêu dùng lại chọn hàng nước ngoài.
Thử hỏi từng hộ nông dân có thể đăng ký thương hiệu, đăng ký chất lượng được không? Chúng ta có hơn 10 triệu hộ nông dân không làm việc đó được nhưng nếu liên kết hợp tác xã thành vài nghìn HTX thì mới đăng ký được thương hiệu.
“Hợp tác xã không làm mất đi động lực của người nông dân sản xuất hộ nhưng trong một khối đoàn kết sản xuất HTX chắc chắn sẽ mạnh về đầu ra, rẻ về đầu vào và có uy tín. Như vậy là tương thích với kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế”.