Sáng 11/9, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính TƯ, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng TƯ dẫn đầu đã có buổi làm việc với ban cán sự Đảng TAND tối cao.
Ban Cán sự Đảng TAND tối cao đã báo cáo về công tác xét xử các vụ án tham nhũng trong thời gian từ ngày 1/1/2011 đến 30/6/2013. Theo đó, TAND đã thụ lý 1055 vụ với 2.232 bị cáo phạm các tội về tham nhũng. Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 677 vụ/1.483 bị cáo; theo thủ tục phúc thẩm 363 vụ/723 bị cáo và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 15 vụ/26 bị cáo.
Trong số các vụ án tham nhũng mà toà án đã thụ lý thì các tội phạm xảy ra nhiều: Tội tham ô tài sản (316 vụ/642 bị cáo), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (138 vụ/370 bị cáo), tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (111 vụ/190 bị cáo), tội nhận hối lộ (60 vụ/154 bị cáo). Trong số các vụ án tham nhũng mà ngành toà án thụ lý, xét xử từ ngày 1/1/2011 đến 30/6/2013, có 19 vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên trong quá trình xét xử vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót.
Thứ nhất là việc giải quyết một số vụ án tham nhũng còn để kéo dài. Thứ hai là vẫn còn một số bản án, quyết định giải quyết các vụ án tham nhũng bị toà án cấp trên huỷ, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Thứ ba là trong một số trường hợp, việc quyết định cho bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo còn thiếu tính thuyết phục. Thứ tư là công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm tham nhũng còn có những hạn chế nhất định.
Báo cáo về công tác xét xử các vụ án tham nhũng, TAND tối cao đề cập tới 10 “đại án” tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong đó có các vụ án như PMU 18,Vinashin, vụ nhận hối lộ tại dự án Đại lộ Đông – Tây, vụ Bí thư Thành uỷ Vĩnh Yên…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết: “Đoàn thực hiện kế hoạch kiểm tra nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan. Tinh thần chung của đoàn là theo kế hoạch của Bộ Chính trị thúc đẩy, đẩy nhanh tiến độ các vụ án, qua đó xem có những vướng mắc, trở ngại gì để có chủ trương tháo gỡ".
"Hoạt động kiểm tra lần này không đồng nhất với hoạt động kiểm tra của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cũng như khác với hoạt động giám sát chấp hành pháp luật việc xử lý tội phạm tham nhũng của Uỷ ban Tư pháp để báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đây là làm riêng”, ông Thanh cho hay.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng “nhắc” đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon): “Tôi thấy vụ Vifon không đáng phải kéo dài, dư luận tưởng đã ‘chìm xuồng’. Trong lần kiểm tra lần này có đề cập đến vụ Vifon”.
Tại buổi làm việc sáng nay, ông Thanh cũng đặt vấn đề phải làm rõ những vướng mắc của các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, biện pháp khắc phục: “Tôi thấy tình trạng trả đi trả lại hồ sơ, kéo dài gây phản cảm cho xã hội”.
Ông Thanh nói tiếp: “Có bất cập trong quy định pháp luật thì các đồng chí cứ xới ra để ban nội chính sẽ phối hợp với các ngành để cùng rà soát qua đó kiến nghị với bộ Chính trị, có kiến nghị tới Đảng Đoàn QH sửa luật luôn”.
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, ông Trương Hoà Bình – Chánh án TAND tối cao khẳng định: “Toà án tối cao sẽ làm hết trách nhiệm của mình để đáp ứng yêu cầu của Đoàn, nếu có vấn đề thì các đồng chí góp ý để làm sao cho kết quả tốt nhất”.