Ông Nguyễn Bá Thanh - một huyền thoại bằng xương bằng thịt

Thanh Hải |

Ngay khi tin ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính Trung ương qua đời vừa chính thức phát ra, người dân Đà Nẵng bàng hoàng, hẫng hụt.

 Không thể ngăn dòng người đến viếng ông, không ai ép nhưng hàng ngàn người bỏ công việc bộn bề ngày cận Tết để vượt đường xa, đội nắng đến nhà ông, để thâu đêm đứng trước cửa, bên đường nhà ông, để "đau khổ", để lặng lẽ khóc tiếc thương...

Những điều ông đã làm cho Đà Nẵng có thể vẫn còn điều bàn cãi, nhưng có một điều hiển nhiên là sự ra đi của ông làm cho người dân Đà Nẵng và cả nước tiếc nuối vô vàng.

Bởi ông không phải là huyền thoại trong lời truyền tụng, mà ông là một cán bộ đã sống, chiến đấu, "va chạm" quyết liệt... với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành địa chỉ đáng sống, người dân được hạnh phúc.

Nếu nói ông là huyền thoại, thì mọi người dân Đà Nẵng có thể sờ nắn được huyền thoại Nguyễn Bá Thanh.

Một người một vài kỷ niệm, một đôi chuyện chung - riêng kể về ông, nhưng tất cả đều với lòng kính trọng, ngưỡng mộ, tiếc thương.

Khi ông mất đi, người dân không chỉ lặng lẽ khóc, doanh nghiệp tự dừng hoặc thu hẹp các hoạt động vui chơi giải trí ngày Xuân, mà họ đã trắng đêm mất ngủ, viết những dòng chia tay đầy nước mắt để vĩnh biệt ông, như những tình cảm dành cho người thân, tràn trên các trang mạng xã hội.

Hàng ngàn người dân tự động đến vĩnh biệt ông Nguyễn Bá Thanh tại nhà riêng

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã điện thoại về từ Đà Lạt, nhắn nhủ: "Truyền thông làm sao cổ động cho việc lấy tên ông Nguyễn Bá Thanh để đặt cho cầu Sông Hàn.

Đó là biểu tượng của Đà Nẵng, là công trình "khai sơn phá thạch" của ông Nguyễn Bá Thanh trong công cuộc kiến tạo ra Đà Nẵng như bây giờ.

Đó cũng là công trình tâm nguyện của ông ấy, là minh chứng cho sự đồng thuận của người dân khi tất cả đều ngửa hầu bao đóng góp từng đồng tiền lẻ cho công trình "vĩ đại" đầu tiên của Đà Nẵng".

Ông Hạng nói, ý tưởng này không của chỉ riêng tôi, mà nguyên Chủ tịch UBMTTQVN Nguyễn Đình An, nguyên GĐ Sở VHTT - Hồ Hải Học đã rất tâm huyết.

Nhà điêu khắc già Phạm Văn Hạng nghẹn ngào: "Tiếc cho một con người, một tính cách xưa nay hiếm.

Người dám nghĩ vốn ít, nhưng cũng không phải là hiếm, nhưng người vừa dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước việc làm của mình như Nguyễn Bá Thanh quả không dễ tìm.

Ông Thanh đã có những suy nghĩ đột phá, cách làm khác người, không chỉ mang lại thành quả to lớn cho Đà Nẵng về vật chất, về hạ tầng mà còn là tinh thần, tình cảm cho người dân" - ông Hạng nhận xét về cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh.

Ông Nguyễn Bá Thanh trong một lần nói chuyện với cán bộ công chức thành phố  

73 tuổi đời, "lang bạt" và để lại nhiều dấu ấn (tượng đài, công trình điêu khắc, vườn tượng...) ở nhiều nơi trên cả nước, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng vẫn dành cho quê hương Đà Nẵng 2 công trình để đời là tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng từ những năm đầu sau giải phóng (tên tác phẩm: "Mẹ Dũng Sỹ"; dân thường gọi là "Mẹ Nhu") đặt ngay tại cửa ngõ vào TP và con rồng trên cây cầu bắt qua sông Hàn.

NĐK Phạm Văn Hạng kể, ông Thanh đã mời những kiến trúc sư giỏi từ Mỹ về để thiết kế cây cầu Rồng bắt qua sông Hàn.

Tất nhiên từ ý tưởng, giải pháp kỹ thuật đều rất hiện đại. Nhưng ông Thanh không thích cái hiện đại kiểu tây hóa như phim trường Hollywood mà cần sự gần gũi với nét văn hóa truyền thống quê nhà.

"Không muốn làm mất mặt người lớn tuổi hơn là tôi giữa hội trường khi "cãi nhau" về đầu và đuôi rồng, ông Thanh đã mời riêng tôi về nhà để "cãi" cho ra chuyện.

Ông ấy bảo, cây cầy xây ra là để cho dân chúng đi lại, cho nhân dân thưởng ngoạn chứ không phải cho riêng giới văn nghệ sỹ, điêu khắc, kiến trúc sư các ông.

Cầu hiện đại nhưng không phải xa lạ với dân mình... Khi nhỏ đi múa lân, tôi ngậm dầu lửa thổi bùng, đám bạn con nít hứng khởi, xít xoa, nhớ đời.

Chừ muốn chia sẻ cảm xúc sung sướng nhớ đời đó cho nhân dân. Thế là ý tưởng lấy đầu rồng thời Lý, rồng phun lửa ra đời".

Những cây cầu ông Thanh đã xây cho TP.Đà Nẵng

Ông Hạng kể đó là tâm nguyện, là lý do mà ông Bá Thanh đã "kêu" ông Hạng về thiết kế, điêu khắc đầu và đuôi cho con rồng trên cầu qua sông Hàn.

"Ông Nguyễn Bá Thanh rất khác người trong cả suy nghĩ và việc làm.

Bức xúc khi thành phố Đà Nẵng không có điều kiện để phát triển, "ngân sách địa phương không bằng kinh phí cấp cho Cty môi trường Hải Phòng" ở những năm 80, ông ấy đã khăn gói ra thẳng Trung ương để xin cơ chế tách tỉnh, lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Những cây cầu ông Thanh đã xây cho TP.Đà Nẵng
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và tác phẩm con rồng trên cây cầu cuối cùng ông Bá Thanh bắt qua sông Hàn.

Trình bày với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông nói thẳng là Đà Nẵng tìm hướng phát triển giống như anh võ sỹ múa gậy gầm giường (lúc ấy là thành phố trực thuộc tỉnh).

Và rồi xin Thủ tướng cho cơ chế đặc thù, trực thuộc Trung ương với cam kết: Sau 5 năm, nếu tôi không làm được thì xin trả lại chức Chủ tịch. Và ông Thanh đã làm được thật.

Ông ấy đã làm được nhiều việc cho TP và nhân dân Đà Nẵng.

Người dân không chỉ biết về câu chuyện huyền thoại về anh chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp - Nguyễn Bá Thanh đã "tay không" xây cầu Hòa Nhơn cho dân vượt lũ những năm bao cấp khó khăn, mà đã chứng kiến ông Thanh lần lượt xây 9 cây cầu bắt qua các dòng sông lớn trong thành phố, để Đà Nẵng ngày càng rộng ra và gần lại.

Vì vậy, nếu nhân dân địa phương muốn ghi nhớ, tri ân ông ấy thì nên lấy câu cầu Sông Hàn - một trong những công trình tâm huyết của ông Thanh, là công trình đột phá trong công cuộc mở rộng, chỉnh trang đô thị, phát triển Đà Nẵng như hôm nay để đặt tên thành cầu Nguyễn Bá Thanh" - Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đề nghị.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại