Theo con số thống kê, tính đến chiều tối 19/4, đã có tổng số 119 ca tử vong trong do bệnh sởi. Trong đó, có 111 trường hợp ở Bệnh viện Nhi T.Ư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dịch sởi hiện nay đang bùng phát mạnh và công tác triển khai phòng chống dịch trong thời gian qua đã cho thấy sự chủ quan của Bộ Y tế cũng như các địa phương.
Theo ông Cuông, vấn đề bệnh sởi trong những năm qua ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cũng đã xảy ra nhưng nó bình thường, chứ chưa tạo nên dư chấn mạnh như hiện nay. Dường như ở đây, có sự tiên đoán là bệnh không đến mức trầm trọng, do nhiều năm qua, chúng ta đã tiến hành tốt công tác phòng căn bệnh này.
"Chính vì thế, tôi thấy rằng, Bộ Y tế và nhiều địa phương đang mắc căn bệnh chủ quan, quan liêu, xem thường dịch. Trong cách điều hành phòng chống dịch cũng như vậy, chưa có sự quyết liệt, mạnh mẽ và cách đặt vấn đề cũng chưa trúng, chưa đúng mức.
Hiện nay, dù đã có hơn 100 ca tử vong và hàng ngàn ca mắc bệnh nhưng Bộ Y tế vẫn đang chần chừ, không công bố dịch mà cho rằng, cần tiếp tục theo dõi. Có lẽ, do sợ rằng, khi công bố dịch sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung cũng như uy tín nên mới ứng xử như vậy.
Nhưng đối với ngành Y tế thì việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân phải được đặt lên hàng đầu chứ không thể vì bệnh thành tích, bệnh sĩ... để từ đó giấu diếm, lừng khừng trong việc tập trung dập tắt dịchViệc còn chần chừ, không tập trung dập tắt kịp thời mà để dịch tiếp tục lan rộng, khiến nhiều ca tử vong đã gây dư luận không tốt trong xã hội và đây là vấn đề cần suy nghĩ cũng như cần phải xem xét trách nhiệm rõ ràng...", vị này nhấn mạnh.
Cho đến chiều tối 19/4, theo thống kê của ngành Y tế đã có 119 trẻ tử vong do dịch sởi.
Ông Cuông cho hay, thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp có ý kiến chỉ đạo, điều đó cho thấy, tình hình dịch sởi hiện nay đã không còn ở mức bình thường mà rất bức xúc nhưng Bộ Y tế và một số địa phương có bệnh nhân tử vong, mắc sởi nhiều vẫn không chịu công bố dịch cho thấy sự chậm trễ, thận trọng quá mức.
Nếu như tuyên bố dịch trong thời điểm này, sẽ giúp cho chúng ta có sự tập trung, cảnh báo cao để ngăn ngừa, phòng chống dịch và hậu quả sẽ được ngăn chặn. Còn cứ chậm trễ như thế này thì tôi sợ rằng, nếu như dịch bùng phát sẽ gây ra hậu quả rất lớn.
Bộ Y tế cũng như các địa phương cần có sự quyết đoán kịp thời để cảnh báo cho dư luận và đồng thời, tập trung mọi nguồn lực, điều kiện để dập dịch này.
Cũng theo ông Cuông, trong thời gian tới, từ tình hình thực tế dịch bệnh xảy ra, hậu quả mà xã hội phải gánh chịu và chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Y tế, các cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn dịch mà các Đại biểu quốc hội, bằng trách nhiệm, tiếng nói của mình sẽ có ý kiến chất vấn, yêu cầu làm rõ.
Trước ý kiến, Bộ trưởng Bộ Y tế còn nợ người dân cả nước một lời xin lỗi khi để tình trạng dịch sởi đang lan rộng như hiện nay, ông Cuông chia sẻ:
"Lâu nay, chúng ta đã đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng và cũng nêu về lời xin lỗi. Tuy nhiên, cái đó thuộc về vấn đề tự giác của mỗi con người cũng như lòng tự trọng của mỗi người khi thấy mình có lỗi, có khuyết điểm, để lại hậu quả.
Lời xin lỗi chân thành đó phải được phát ra từ chính bản thân, trái tim của mình, đồng thời, đi với đó là sự trách nhiệm, ân hận với những việc làm chưa tốt gây hậu quả khiến nhân dân phải gánh chịu.
Làm được như vậy thì mới thể hiện được trách nhiệm của một chính khách với người dân. Còn chỉ vì sức ép của dư luận mà đưa ra lời xin lỗi nhằm mục đich xóa nhòa đi tất cả đi đó chưa phải là hay. Chưa kể có nhiều người đưa ra lời xin lỗi chỉ mong cho qua chuyện còn không xuất phát từ trái tim, trách nhiệm của mình được Đảng, Nhà nước giao, nhân dân tín nhiệm. Như vậy, thì không nên chút nào...".
Đã đến lúc cần Công bố dịch sởi
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo Điều 2 quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng chính phủ thì việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:
1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:
a) Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;
c) Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;
d) Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.
Luật sư Bách nhấn mạnh: "Căn cứ vào tình hình thực tế và số liệu như phân tích ở trên, chúng ta thấy sẽ có yếu tố chủ quan trong ngành y mà có lẽ tổ chức và công dân khác sẽ khó mà biết được thông tin đó chính là số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Theo tôi thì cần phải công bố tình trạng dịch sởi bởi vì nó đã quá nguy hiểm và cướp đi quá nhiều tính mạng của các cháu. Và nếu cần thiết thì có lẽ, Bộ Y tế cần phải ngay lập tức có tờ trình lên Thủ tướng để được xem xét và quyết định bởi đây là một vấn đề cấp bách và hàng ngày đang cướp đi tính mạng của con em chúng ta.
Đã đến lúc cần Công bố dịch bệnh theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 và Khoản 1 Điều 2 Quyết định 64/2010/QĐ-TTg".
Cũng theo ông Bách, tại Điểm b khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì bệnh sởi thuộc bệnh nhóm B bệnh truyền nhiễm.
Khi phát hiện có dịch bệnh nhóm B, về nguyên tắc mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền thì Giám đốc sở y tế phải có trách nhiệm gửi văn bản hoặc thông báo đề nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch bệnh. Trường hợp khi đã có hai tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trở lên đã công bố dịch bệnh thì Bộ trưởng bộ Y tế có trách nhiệm công bố dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc công bố dịch bệnh hay không lại phụ thuộc vào số người mắc bệnh dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh. Việc dự tính số người mắc bệnh có bình thường hay không lại không hề được công bố công khai mà chỉ nội bộ ngành biết. Hơn nữa, cơ quan quản lý trực tiếp của bệnh viện tuyến tỉnh lại chính là Sở Y tế. Do đó rất khó có thể xác định việc đủ yếu tố công khai dịch bệnh hay chưa để xác định trách nhiệm khi làm lây lan dịch bệnh sởi cho người.
Mặc dù vậy, nếu đã đủ cơ sở cho thấy bắt buộc phải công bố dịch bệnh mà không công bố dịch bệnh theo quy định pháp luật khiến dịch bệnh lây lan cho người trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng thì người chịu trách nhiệm có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người theo điều 186 BLHS với hành vi được coi là “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 186BLHS. Trách nhiệm sẽ thuộc về người có thẩm quyền đề nghị công bố dịch mà không thực hiện.