Xây trung tâm hành chính như việc chi tiêu trong gia đình
Theo UBND TP Hải Phòng, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố rộng 324 ha, nằm trên các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) và phường Minh Khai (quận Hồng Bàng).
Dự án bao gồm các hạng mục chính: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (khu văn phòng và công trình phụ trợ), cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống giao thông chính và đê tả sông Cấm.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 9.894 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 6.855 tỷ, còn lại là ngân sách TP Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho rằng, công trình ở Hải Phòng này là công trình đầu tư lớn và đi theo mô hình của một số địa phương đã làm như Bình Dương, Lâm Đồng, Đà Nẵng...
"Nên tôi cho rằng, ở đây, Chính phủ nên có tổng kết về mô hình này làm có phát huy được hiệu quả không. Lúc đó chúng ta mới xem có làm hay không.
Cũng cần làm rõ xem phương thức tạo vốn là như thế nào. Bởi vì, có việc tập trung như thế thì các địa điểm cũ nếu thanh lý thì tính một phép tính đơn giản nó sẽ dư ra chứ không phải hụt đi. Cùng với đó, quy mô như thế nào cho vừa phải.
Tôi cho là cần phải tổng kết mới có thể nói nên làm hay không nên làm, nhà nước cần đầu tư hay không và đầu tư ở mức nào còn cứ nói là nhu cầu thì vô cùng.
Thứ hai, trong lúc đang thiếu vốn như thế này đã nên triển khai các công trình này chưa. Cho dù có nói là cần thiết nhưng nó phải mang lại hiệu quả gì trong mối quan hệ với dân, năng lực dịch vụ, tác động vào kinh tế, xã hội...
Khi đó, thì mới làm chứ không làm xong một thời gian lại chưa chắc đã được. Lúc này là lúc nên tính toán kỹ, thận trọng nếu không sẽ thành một dịch trong lúc nợ công...", ông Quốc nói.
PV: Có một thực tế hiện nay, đó là nhiều tỉnh, thành, dù thu không đủ chi nhưng vẫn xin, xây dựng các công trình lên đến hàng ngàn tỷ đồng và hầu hết các công trình này đều nhân danh cho tương lai, cho sự phát triển. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
Ông Dương Trung Quốc: Việc xây dựng các công trình khu trung tâm hành chính này cũng giống như việc chi tiêu trong gia đình.
Ở đây, anh phải tính xem có khả năng đến đâu và nhu cầu đến đâu để cân nhắc. Còn đương nhiên xây dựng những công trình lớn người ta còn nhân danh cho tương lai nhưng đôi khi lợi ích lại chỉ quan tâm nhiều đến trước mắt dự án chứ chưa chắc là tương lai.
Cho nên ở đây phải nghiên cứu kỹ và quan trọng nhất cơ quan điều hành nhà nước phải liệu cơm gắp mắm. Tôi đã nói một lần là "vi-na-xin" không đáng sợ bằng "vi -na - cho". Vì vai trò người cho mới quan trọng, tức là Chính phủ.
Việc cho đó có thể tạo ra quan hệ, những vị thế nhưng cho đó là cho tiền của Nhà nước, nhân dân nên anh phải đặt vấn đề nợ công như thế có phải do vấn đề cho đó không?
Còn ở đây chưa đến ngưỡng Quốc hội bàn nên quyết định ở Chính phủ nhưng Chính phủ phải tính toán kỹ khi nợ công như vậy.
Nếu nợ công rất ít thì chúng ta hoan nghênh nhưng nợ công lớn như thế này thì Chính phủ phải trả lời.
Phong trào "dịch bệnh" xây trụ sở
PV: Ở trên, ông có nhắc đến vấn đề việc xin xây các công trình trụ sở ngàn tỷ này như "dịch trong lúc nợ công". Xin ông nói rõ hơn về việc này?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi thấy rằng, việc xây dựng các công trình hành chính, trụ sở lên đến hàng ngàn tỷ này rất dễ thành phong trào bệnh dịch, nhất là khi anh này nhìn anh kia.
Tâm lý suy bì nhau nên không ai biết hiệu quả, ai cũng nhìn lợi ích trước mắt mà chưa nhìn lâu dài. Ở đây, lợi ích lâu dài tôi chưa nhìn thấy nhưng cứ quy hoạch sẽ tạo ra những cơ hội và cơ hội đó bao gồm cả tích cực cũng như tiêu cực.
Bắt đầu những tiêu cực nãy sinh trong cơ hội đấy.
Như vậy, phải chăng căn bệnh "chơi trội" đang ăn sâu vào một bộ phận lãnh đạo các tỉnh, thành?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi không dám dùng từ chơi trội bởi vì đã làm thì làm cho đoàng hoàng, gây ấn tượng là tốt nhưng quan trọng thì không ai tính đến hiệu quả và không ai tính tư duy kinh tế tức là đã nên làm chưa, làm thế nào là đúng, làm như thế nào.
Tôi cho tâm lý chơi trội, con gà tức nhau tiếng gáy chỉ là một phần nhưng cái quan trọng là quản lý của chúng ta còn dẫn đến mối dự án là cơ hội để thất thoát, mang sinh lợi nhóm cho ai đó.
PV: Trong một lần trả lời phỏng vấn, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng có nêu ý kiến, các công trình trụ sở hành chính vẫn nói là công trình công nhưng thực tế, người dân không được sử dụng các công trình đó. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Dương Trung Quốc: Nhìn trụ sở thì chúng ta phải nhìn cái lâu dài. Tôi xin nói những trụ sở quá lớn người ta mới nhìn tiền đầu tư để xây cái nhà nhưng tiền vận hành nhà đó mới khủng khiếp từ điện, nước...
Chúng ta cứ nhìn lại những cơ quan của chính quyền thuộc địa mà ta gắn cho nó nhiều tính xấu xa nhưng thực tế lại hết sức tử tế, đúng mức, chuẩn mực. Thí dụ người ta nhìn vào biết ngay trụ sở cấp tỉnh, dinh của ai... và nó đảm bảo tính mỹ thuật, riêng biệt.
Còn chúng ta tùy tiện, theo sở thích của nhà lãnh đạo cao cấp chứ không có chuẩn mực về quy mô, một số hình thức tối thiểu.
Đương nhiên cũng có hành lang để người ta tạo riêng biệt nhưng thực tế mình không có chuẩn mực mà trụ sở đâu cũng như thế.