Ông Dương Trung Quốc: Đại tướng đã làm tròn tất cả trách nhiệm

Ban biên tập |

(Soha.vn) - Đó là khẳng định của nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc trong cuộc Giao lưu trực tuyến quốc tế được Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức sáng ngày 15.10.2013.

Lê Quang Trưởng - Quảng Bình: Sự ra đi của Đại tướng đã khiến nhiều người nhận thấy tình đoàn kết đáng quý của những người dân Việt Nam. Theo ông, do đâu việc Đại tướng ra đi lại khiến lòng dân đoàn kết như thế?

Ông Dương Trung Quốc: Trong lịch sử đã từng có những con người mà cái chết lại nhen lên sức sống. Tôi muốn nói đến đám tang của nhà yêu nước Phan Chu Trinh cách đây đã gần một thế kỷ (1926). Ngay trong hoàn cảnh đất nước còn là thuộc địa của thực dân. Sự ra đi của ông đã để lại cả một cao trào “đám tang Phan Chu Trinh” được ghi nhận trong lịch sử như cuộc tập hợp lực lượng nhân dân không chỉ để thương tiếc mà thực hiện những ý nguyện của người đã mất…Đám tang của cụ Phan đã tập hợp rất nhiều người dân, đặc biệt là lớp trẻ, trong đó, có cả thế hệ của Võ Nguyên Giáp đã từ sự kiện này mà dấn thân lên đường cứu nước.

Sự ra đi của chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang dang dở cũng tiếp thêm sức mạnh để toàn dân tộc đi tới thắng lợi cuối cùng.

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vậy, nó sẽ góp phần tu tâm những con người yêu nước, yêu Đại tướng để thực hiện những ý nguyện của một con người gắn cuộc sống của mình với đất nước và dân tộc của mình.


	Nhà sử học Dương Trung Quốc tại buổi giao lưu Giao lưu trực tuyến Quốc tế với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân".

Nhà sử học Dương Trung Quốc tại buổi giao lưu Giao lưu trực tuyến Quốc tế với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân".

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, ông nghe tin Đại tướng mất trong hoàn cảnh nào? Ông có thể chia sẻ cảm giác của mình về giây phút đó?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Có lẽ chỉ vài phút sau khi Đại tướng qua đời, tôi đã nhận được thông tin nhưng ý thức rằng đây là một sự kiện rất hệ trọng nên khi một đài nước ngoài đề nghị phỏng vấn, tôi xin phép được lùi thời gian.

Khi đã nhận được thông tin đích xác về việc Đại tướng đã ra đi, trong lòng lẫn lộn hai cảm xúc: tiếc thương và mong ông sống lâu hơn nữa, nhưng lại cũng cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng khi thấy ông ra đi một cách trọn vẹn.

Hoàn cảnh có nhiều dịp được gặp ông ở những năm tháng ông đã cao tuổi, cái cảm xúc ấy tựa như đối với những người thân trong nhà và theo tập quán của dân ta thì ông đã trở về cõi vĩnh hằng một cách thanh thản khi đã làm tròn tất cả những trách nhiệm của mình đối với nước, với dân và với thời đại ông sống.

Nguyễn Thị Việt Phương - Việt kiều Nhật: Thưa ông Dương Trung Quốc, trong suốt 1 tuần qua kể từ khi Đại tướng từ trần, hình ảnh nào, câu chuyện nào về tình cảm của người dân đối với Đại tướng mà ông cảm động nhất?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chắc chắn không ai có thể chứng kiến được tất cả những gì đã diễn ra trong một tuần qua nhưng hình ảnh mang lại cho tôi cảm xúc tốt đẹp nhất chính là hành xử của các bạn trẻ, những người tưởng chừng có khoảng cách rất xa với người đã khuất. Chính các bạn trẻ làm cho tôi hiểu rằng Đại tướng sẽ thực sự sống mãi trong lòng nhân dân và nó sẽ được trao truyền qua nhiều thế hệ tựa như thế hệ chúng ta đối với những bậc tiền nhân đã “hiển thánh” trong lòng dân tộc của mình.

Bùi Thị Ngọc Hà - Lai Châu: Là một nhà nghiên cứu về lịch sử, ông đã có dịp tiếp xúc và tìm hiểu về cuộc đời, nhân cách và sự nghiệp của Đại tướng. Vậy theo ông, tại sao Đại tướng lại thành công trong việc được "Dân tin, dân yêu, dân quý"?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Thành thật, tôi chưa dám nhận là một người nghiên cứu sâu sắc về Đại tướng như các chuyên gia nghiên cứu về tiểu sử nhưng những gì tôi được đọc từ những công trình của người khác viết và nhất là những cơ hội được tiếp xúc với Đại tướng, tôi hiểu rằng Đại tướng thấm nhuần rất sâu sắc những giá trị truyền thống của dân tộc và trực tiếp là từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái “cẩm nang” để một con người có thể trở thành một biểu tượng để tập hợp sức mạnh của nhân dân đó là cái phương châm mà chính Đại tướng nhiều lần đã nhắc tới như một mục tiêu phấn đấu của mình. Đó là “Dĩ công vi thượng” mà chính Bác Hồ đã truyền trao và căn dặn. Bên cạnh đó là một tính cách giản dị và khiêm nhường ngay khi đã đạt tới đỉnh cao không phải của quyền lực mà là đỉnh cao uy tín trong lòng dân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại