- Ông từng nói ở đời có hai thước đo lớn nhất là thời gian và lòng người. Và ông cũng đã được chứng kiến những tình cảm thương tiếc của người dân trong thời gian tang lễ dành cho Đại tướng. Theo ông, liệu trong tương lai, đất nước Việt Nam có còn ai có thể được lòng dân như thế nữa không? Lê Hải Hà - Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chúng ta luôn mơ ước có những con người như thế xuất hiện để truyền được cảm hứng và niềm tin cho nhân dân. Nhưng theo tôi, thời đại đã có nhiều thay đổi. Thay vì sự xuất hiện những nhân vật xuất chúng, những thiên tài kiệt xuất cần có những cơ chế, môi trường, hệ thống giá trị để từ trong nhân dân sẽ xuất hiện những con người đáp ứng được yêu cầu của đời sống hiện đại. Suy đi tính lại thì chỉ có một cơ chế dân chủ thực sự chúng ta sẽ có những thế hệ đảm bảo thực hiện được ý nguyện của những bậc tiền nhân như Võ Nguyên Giáp.
Buổi giao lưu trực tuyến quốc tế "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân" tại đầu cầu Hà Nội.
- Thưa ông, ông có nhớ về kỷ niệm nào giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người dân để lại nhiều cảm xúc nhất? Lại Thị Bích Hà - Hà Nội
- Chắc chắn là có rất nhiều mà ở đây tôi chỉ đơn cử một lần Đại tướng tiếp một cựu chiến binh. Đó là vào thời điểm tôi đang thực hiện cuộc phỏng vấn Đại tướng chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì bỗng nhiên, có một quân nhân tuổi cũng đã cao xuất hiện bất ngờ vì không được báo trước. Cuộc phỏng vấn tạm dừng, vị khách “không mời mà đến” đứng nghiêm chào Đại tướng theo tác phong nhà lính và báo cáo rành rọt: “Tôi là một người lính theo Đại tướng đánh giặc. Lần đầu được ra Hà Nội, tôi tìm đến nhà Đại tướng chỉ để báo cáo rằng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Rồi người lính già ấy lấy từ trong ba lô một gói hạt tiêu và một quyển vở trân trọng trao cho Đại tướng và nói tiếp: “Em quê ở Quảng Bình mang món quà quê hương và mấy vần thơ tặng Đại tướng”.
Vị Đại tướng của chúng ta vẫn bình thản theo dõi và tươi cười ôm chặt vị khách của mình với những lời động viên chân thành đối với một cựu chiến binh cũng là một chiến sĩ cũ của mình một cách rất tự nhiên như đã quen biết từ lâu. Khách ra về, ông quay sang nói với tôi: “Nếu không có những con người như thế thì làm sao tôi có một sự nghiệp”.
Cổng nhà ông luôn có cảnh vệ đứng gác nhưng tôi biết rằng nó luôn rộng mở đối với mọi người. Chụp được tấm ảnh hai người ôm hôn nhau, tôi đã đăng trên bìa số tạp chí của Hội Sử học và gửi biếu người lính già Quảng Bình. Ít lâu sau, ông viết thư cảm ơn và cho biết nhờ số báo in tấm ảnh ấy mà dân làng ông mới tin cuộc gặp Đại tướng của ông là có thật.
- Thưa nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, trong lịch sử Việt Nam có bài học nào về chuyện vua, quan được lòng dân mà ông thấy tâm đắc nhất và bài học mất lòng dân nào đau đớn nhất? Nguyễn Nam Phương - Hà Nội.
- Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn song hành hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước. Nhưng những thử thách lịch sử thường hướng tâm thức người dân vào những cuộc chiến tranh vệ quốc đã từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử trước những thế lực hùng mạnh, trước tiên là từ phương Bắc, tiếp đó từ phương Tây… Được lòng hay mất lòng dân dễ thấy nhất là trước thử thách sống còn của quốc gia dân tộc. Những người có công vào sự nghiệp này được người dân muôn đời tôn vinh và ngược lại.
Nói chung, bài học thân dân, cận dân, đi suốt lịch sử khiến các bậc lãnh đạo quốc gia phải soi mình. Có nhiều vị vua, vị quan, được lòng dân vì đã góp công sức lãnh đạo đất nước vượt qua những cuộc chiến tranh giữ nước. Có người nêu lên hiện tượng về sự xuất hiện những “bộ đôi kiệt xuất” trong lịch sử như Lý Thái Tổ và Lý Thường Kiệt; Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo; Lê Thái Tổ và Nguyễn Trãi; Quang Trung và Ngô Thì Nhậm… Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Đó là những người anh hùng dân tộc của sự nghiệp giữ nước và cứu nước. Trong lịch sử, có những người mang chí lớn nhưng sai lầm thất bại, ví như Hồ Quý Ly thì người dân và lịch sử rất công minh nhắc tới công và tội. Nhưng những kẻ đã cam tâm bán nước, “đi theo giặc” là muôn đời người dân lên án, ví như Lê Chiêu Thống…
Cái nghiêm khắc ấy chính là lời nhắc nhở cho các thế hệ nối tiếp tổ tông. Cũng xin được nói thêm rằng xưa nay, theo tôi, sự phán xét lịch sử chưa quan tâm đúng mức đến sự nghiệp dựng nước, đến những người có công trong sự nghiệp này mà ý nghĩa cũng vô cùng quan trọng. Sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời đại chúng ta là vô cùng to lớn và phải đương đầu với những thử thách không kém khắc nghiệt như sự nghiệp giữ nước. Do vậy, nhận thức lịch sử cũng cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này.
- Thưa ông Dương Trung Quốc, vai trò của Đại tướng trong chiến thắng Điện Biên Phủ thì đã rõ. Vậy còn trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng đã có vai trò ảnh hưởng quyết định như thế nào tới các chiến dịch lớn như: Tây Bắc, Biên Giới và đặc biệt là chiến dịch mùa Xuân 1975? Mạc Mạnh Hùng - Hà Nội
Câu hỏi của bạn cũng có đôi chỗ chưa chính xác, ví như các chiến dịch Tây Bắc, Biên Giới là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kết thúc bằng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, câu hỏi của bạn cũng muốn đề cập tới vai trò của Đại tướng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đúng là cuộc kháng chiến lần thứ hai chống lại một đế quốc hàng đầu thế giới đương thời, kéo dài gấp đôi thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp lại trong một bối cảnh chính trị thế giới rất phức tạp. Trong đó có những lợi ích của những nước lớn, đòi hỏi những người lãnh đạo cuộc chiến tranh nhằm mục tiêu giải phóng và thống nhất đất nước phải vượt qua những thử thách vô cùng phức tạp, trong đó không loại trừ cả những thử thách trong nội bộ.
Dẫu sao cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng cần nói rõ hơn là cả cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc diễn ra trong những năm cuối cùng của thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ cương vị là Tổng tư lệnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Người ta có thể nói đến sự lãnh đạo tập thể, đội ngũ những tướng lĩnh rất từng trải nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn xuất hiện vào những thời điểm mang tính chất quyết định nhất với những quyết sách đã đi vào lịch sử.