Ông Đỗ Quý Doãn: Thủ tướng chỉ đạo "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu"

Hoàng Đan |

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT & TT Đỗ Quý Doãn cho rằng, cần coi việc sử dụng mạng xã hội của quan chức, người có trách nhiệm là việc làm bình thường và đây là nhận thức rất quan trọng.

Chỉ đạo của Thủ tướng chính là lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 15/1 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hiện nay có hàng chục triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội và đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm được.

Trao đổi với chúng tôi, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ không chỉ thể hiện sự chỉ đạo mà đó là quan điểm, thái độ của người đứng đầu Chính phủ.

"Tôi cho rằng, những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, quan niệm và sử dụng mạng xã hội", ông Doãn chia sẻ.

Theo ông Doãn, từ khi Việt Nam hòa mạng Internet với thế giới đến nay đã được hơn 17 năm với sự phát triển hết sức nhanh chóng.

Hiện nay, gần 35% dân số sử dụng Internet và khoảng 30 triệu người sử dụng mạng xã hội đã cho thấy sự thu hút mạnh mẽ của loại hình này đối với người dân.

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Chắc không ai phủ nhận tính hai mặt của mạng xã hội nhưng cũng không ai có thể phủ nhận tiện ích của nó, bởi sự kết nối, sự lan tỏa, tương tác.

Và cho đến thời điểm này, khó có phương tiện thông tin nào có thể truyền tải được thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, thời điểm như mạng xã hội. Có thể nói, thông tin ở mạng xã hội là không ngừng nghỉ", ông Doãn bày tỏ.

Ông Doãn cũng nhìn nhận, chúng ta khó có thể ngăn cấm được mạng xã hội mà cần phải hiểu, tận dụng phương tiện này để phục vụ nhu cầu thông tin của công chúng.

"Chỉ đạo của Thủ tướng ở đây chính là ở chỗ đó. Phải hiểu, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để phục vụ cho việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, qua đó, chính những chia sẻ của người dân sẽ giúp các cơ quan chức năng lắng nghe tốt hơn để phục vụ", ông Doãn chia sẻ.

Ông Doãn nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả thông tin trên mạng xã hội thì quan trọng nhất là phải cung cấp thông tin chính thống nhanh chóng, kịp thời.

"Khi có thông tin chính thống nhanh chóng, kịp thời sẽ giúp thông tin không bị nhiễu loạn, không làm phân tâm xã hội. Đặc biệt những thông tin này cần phải được những con người có tiếng nói, có vị trí chính thống cung cấp.

Như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu, thông tin trên mạng xã hội có thể nói thế này, thế khác nhưng khi đưa thông tin chính thống của Chính phủ người ta sẽ tin, sẽ nghe và đẩy lùi thông tin không chính thống.

Nói cách khác đây chính là giải pháp lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực", ông Doãn nói.

Cũng theo ông Doãn, chúng ta cũng cần phải thống nhất nhận thức về tính hai mặt của Internet và mạng xã hội. Không nên đề cao một cách cực đoan nhưng cũng không phủ nhận hay phê phán một cách cực đoan.

Cùng với đó, cần có một cách ứng xử, thái độ, cách làm phù hợp với mạng xã hội.

"Cần coi việc sử dụng mạng xã hội của quan chức, người có trách nhiệm là việc làm bình thường. Đây là nhận thức rất quan trọng.

Bởi thực tế, ở các nước trên thế giới, nhiều nguyên thủ, chính khách đều sử dụng mạng xã hội để chỉ đạo, tương tác với công chúng và đạt hiệu quả rất cao", ông Doãn nhấn mạnh thêm.

Một vấn đề cũng được ông Doãn đặt ra, đó là việc đẩy mạnh thông tin chính thống và các quan chức sử dụng mạng xã hội là vấn đề còn mới đối với Việt Nam nên cần phải rà soát để hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý.

"Việc rà soát này cũng là để chúng ta thực hiện cho chúng nguyên tắc phát triển đi đôi với quản lý. Đồng thời, rà soát này cũng giúp xây dựng các cơ chế, chính sách đảm bảo sự công bằng cho các đơn vị xây dựng mạng xã hội ở trong nước cũng như nước ngoài.

Điều này sẽ tránh cho tình trạng trong thì chặt còn ngoài thì lỏng. Cùng với đó, cũng cần kết hợp với các giải pháp về công nghệ, tuyên truyền giáo dục trong việc sử dụng mạng xã hội", ông Doãn đưa ý kiến.

Mạng xã hội là nơi chính khách gần gũi với công chúng

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales (Úc) cũng cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng là rất đúng đắn.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

"Tôi đang làm việc ở nước ngoài nên nhiều sự việc, tôi đi tìm các thông tin chính thống nhưng không có, trong khi thông tin không chính thống rất nhiều.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo là rất đúng, chúng ta cần phải chủ động cung cấp thông tin chứ đừng để kiểu chữa cháy nó lại càng cháy", GS Tuấn bày tỏ.

Đồng thời, GS Tuấn cũng nhấn mạnh, Facebook không phải là nơi phổ biến công văn mà phải là nơi để "tâm sự", để giải bài suy nghĩ cá nhân.

"Chính khách nước ngoài họ sử dụng mạng xã hội để giải thích những quyết định hay chính sách của họ mà không thể giải thích trong các văn bản. Nó còn là nơi để làm cho chính khách gần gũi, có thể tiếp cận với công chúng.

Như Facebook của ông Tony Abbott, Thủ tướng Úc với những chia sẻ rất gần gũi hay như bà Bộ trưởng Ngoại giao Úc, dùng Facebook để nói chuyện văn nghệ, nghệ thuật.

Tôi nghĩ, các quan chức Việt Nam cần phải tìm hiểu và học tập như vậy", GS Tuấn chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại