Ông đồ già lặng lẽ trong ngôi nhà di sản giữa lòng thủ đô

daquynh |

Ngôi nhà cổ số 87 phố Mã Mây là nơi lưu giữ rất nhiều những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Hà Nội sắp bước sang tuổi thứ 1012 trong sự trôi chảy không ngừng của thời gian. Bên cạnh một Hà Nội hiện đại nhưng ồn ào, bạn sẽ tìm thấy một góc Hà Nội truyền thống và yên bình khi đến thăm ngôi nhà cổ số 87 phố Mã Mây, gặp ông đồ già vẽ tranh thủy mặc và viết thư pháp rất tài hoa.

“Ngôi nhà di sản” lưu giữ truyền thống

Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Ngôi nhà này được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XIX, trải qua những thăng trầm của lịch sử và nhiều lần đổi chủ nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống.

ong-do-gia-lang-le-trong-ngoi-nha-di-san-giua-long-thu-do
Căn nhà di sản 87 phố Mã Mây là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đặc điểm nhà truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội theo dạng hình ống, đa năng sử dụng, nhà thường hẹp về chiều ngang, rất sâu, các lớp nhà được ngăn bởi các lớp sân bên trong. Lớp ngoài là cửa hàng, mặt đường không làm tường vách mà mở thông ra phố, để bày hàng và làm nơi giao tiếp, thay cho tường là hệ thống khung cửa gỗ. Phía trong có sân trời lấy ánh sáng, nước mưa làm nước sạch sinh hoạt. Tiếp đến là gian nhà hậu, rồi đến kho hàng và bếp nấu ăn. Các khoảng sân trong tạo độ thông thoáng và ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Trên tầng 2 là gian thờ và phòng ngủ. Giữa các lớp nhà có sân bày chậu tạo cho ngôi nhà không khí thiên nhiên gần gũi.

Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây mang đầy đủ những đặc điểm nhà truyền thống của người Hà Nội xưa. Đây cũng là địa điểm diễn ra những sự kiện văn hóa như ca trù, trình diễn gốm truyền thống... Đồng thời là nơi lưu giữ những đồ vật mang đậm dấu ấn thời gian như bộ ấm chén, nồi đất, rổ tre, tủ tre,… và nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

ong-do-gia-lang-le-trong-ngoi-nha-di-san-giua-long-thu-do
Rất nhiều đồ vật truyền thống của cha ông được lưu giữ tại ngôi nhà này.

Bước vào bên trong ngôi nhà, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản; bỏ lại phía sau những ồn ào của phố phường để tận hưởng không gian mát mẻ, gần gũi với thiên nhiên, tận mắt nhìn thấy những đồ vật lưu giữ truyền thống của cha ông được sắp xếp gọn gàng và tinh tế. Đặc biệt hơn nữa khi đến với địa chỉ đặc biệt này, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với một con người rất tài hoa.

Ông đồ già và “hạnh phúc quá đơn sơ”

Ai đã từng đến thăm ngôi nhà di sản, chắc chắn không bao giờ quên hình ảnh ông đồ già ngồi lặng lẽ bên dưới khoảng sân trời đầy ánh sáng vẽ tranh thủy mặc và viết thư pháp.

Ông là nghệ nhân Nguyễn Bá Dần, năm nay đã 74 tuổi. Hơn chục năm nay công việc của ông gắn bó với ngôi nhà cổ 87 Mã Mây.

ong-do-gia-lang-le-trong-ngoi-nha-di-san-giua-long-thu-do
Ngày qua ngày ông đồ già ngồi lặng lẽ vẽ tranh thủy mặc và viết thư pháp dưới khoảng giếng trời tràn ngập ánh sáng.

Những bức tranh thủy mặc và thư pháp do ông vẽ nên chứa đựng nhiều giá trị truyền thống của dân tộc. Hình ảnh của cây tre, những người phụ nữ quang gánh trên vai, những trẻ chăn trâu, con đò dòng sông, ngọn núi, …những thắng cảnh và con người Việt Nam hiện lên trên giấy xuyến chỉ với nét vẽ khi đậm khi nhạt rất có hồn. Bức họa nào cũng được trích dẫn những câu thơ của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…

Ông tự nhận mình là người may mắn vì được trời phú cho cái tài hội họa, ông tâm niệm sẽ chỉ mang tài năng ấy để sáng tạo nên những gì thuộc về cái đẹp. Với ông, hạnh phúc đơn giả chỉ là được mọi người xem tranh, thưởng tranh và nhận ra cái đẹp ông gửi gắm trong mỗi nét bút.

Trò chuyện với ông, tôi được biết thêm rằng ông không chỉ là một nghệ nhân mà còn là một thầy thuốc, xuất thân từ Hợp tác xã thuốc nông nghiệp chùa Bộc, đối với ông nơi ấy “thân thương và ý nghĩa lắm”.

ong-do-gia-lang-le-trong-ngoi-nha-di-san-giua-long-thu-do

Ông say sưa vẽ và trò chuyện với khách du lịch

Tuổi đã cao, nhưng với ông, vẽ ra những bức tranh thủy mặc đã là một niềm đam mê trong máu. Gắn bó với công việc của một ông đồ, niềm vui của ông là được tiếp xúc và trò chuyện với những người đến thăm ngôi nhà cổ, đặc biệt là những người trẻ.

Ai đến nơi đây ông cũng xem là khách quý, ông nói “ những người yêu thích chữ Nho lúc nào cũng có – như một truyền thống dân tộc”. Bởi vậy, ông sẵn lòng ngồi giải thích và bình thơ cho khách du lịch nghe về những bức tranh thủy mặc, nói chuyện về truyền thống của cha ông và về chính cuộc sống hiện đại phía bên ngoài ngôi nhà cổ yên bình.

Nhìn những bức tranh rất có hồn mà ông vẽ và lắng nghe những triết lý sâu xa ẩn giấu đằng sau mỗi bức họa thấy lòng mình như lắng lại, thấy mình đang sống chậm hơn, suy nghĩ sâu hơn về nhân sinh và cuộc sống.

Bước ra khỏi ngôi nhà di sản là rời khỏi một khoảng không gian bình yên, chợt nhận ra, cuộc sống hiện đại tấp nập và bận rộn đang cuốn con người ta đi nhanh quá, rời xa những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Bỗng một ngày giữa những con đường Hà Nội đông người và inh ỏi tiếng còi xe, ta sẽ thèm được sống trong một không gian sâu lắng của ngôi nhà cổ và gặp lại nụ cười hồn hậu, lắng nghe những câu chuyện cuộc sống từ ông đồ già có lòng say mê với một nét đẹp văn hóa dân tộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại