Ông Đặng Lê Nguyên Vũ "biến mất" thế nào sau tuyên bố chấn động?

Phương Nhi |

Kể từ ngày báo chí nói về việc Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên lên rừng tuyệt thực, tới nay đã gần 2 năm, giới truyền thông ít thấy Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện.

Đặng Lê Nguyên Vũ đang ở đâu?

Mới đây, tháng 6/2015, Cục xuất bản in và phát hành (Bộ Thông tin - truyền thông) đã đình chỉ phát hành 5 đầu sách (589 quyển) tặng miễn phí cho học sinh – sinh viên do Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tài trợ.

Lý do đình chỉ là bởi sách xuất bản không đúng bản thảo được duyệt và quảng cáo sai qui định trong đó có việc in dòng chữ “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt” tại trang một của sách.

Vụ lùm xùm này ảnh hưởng không ít tới uy tín của cà phê Trung Nguyên cũng như tên tuổi của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ bởi việc tặng sách và “truyền lửa” cho thanh niên Việt là tâm huyết bấy lâu nay của ông Vũ.

Tuy nhiên, trái với sự chờ đợi của giới dư luận, “Vua cà phê Việt” đã không lên tiếng.

Gõ cái tên “Đặng Lê Nguyên Vũ” lên mục tìm kiếm trên Google, với gần 5.000 kết quả thì hầu hết đều là các bài viết, các thông tin cũ từ năm 2013, 2014. Trong năm 2015, Đặng Lê Nguyên Vũ gần như “im hơi lặng tiếng”.

Có người cho rằng: Gần đây, Đặng Lê Nguyên Vũ thực hiện nhiều cuộc “ẩn thân” dài ngày về thảo nguyên M’Đrắk yên tĩnh. (Ảnh: Internet)
Có người cho rằng: Gần đây, Đặng Lê Nguyên Vũ thực hiện nhiều cuộc “ẩn thân” dài ngày về thảo nguyên M’Đrắk yên tĩnh. (Ảnh: Internet)

Không ít người đặt ra câu hỏi, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên hiện đang làm gì và ở đâu trong suốt thời gian qua?

Thậm chí, ngay cả ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) khi trao đổi với chúng tôi cũng thừa nhận: Đã gần 2 năm nay, ông không gặp, không trò chuyện, tiếp xúc gì với Đặng Lê Nguyên Vũ.

Ông Vinh cho biết: Trong một thời gian dài, số máy của người đứng đầu Tập đoàn Trung Nguyên đều tắt, không thể liên lạc được.

Khi hỏi, nhân viên của Trung Nguyên nói rằng: Đặng Lê Nguyên Vũ không phải “thiền” mà vẫn “làm việc bình thường”. Tuy vậy, để có một cuộc phỏng vấn riêng với vị lãnh đạo này, phóng viên phải liên hệ đặt lịch, thông báo trước với cấp dưới của ông.

Chưa khi nào gặp được ông lại khó đến thế!

Nó hoàn toàn khác với phong cách làm việc của Đặng Lê Nguyên Vũ cách đây 4-5 năm khi mà người “sống với cà phê, lên thiên đường với cà phê” này sẵn sàng trò chuyện, sẵn sàng chia sẻ bất kể ban ngày hay buổi tối.

Người nổi tiếng "Đặng Lê Nguyên Vũ của ngày xưa" có thể trả lời tin nhắn, chủ động hẹn phóng viên để có một buổi nhâm nhi cà phê “dốc bầu tâm sự” hoặc có thể nhanh chóng phản hồi các cuộc phỏng vấn nhanh qua điện thoại mà không cần đặt lịch trước.

Bởi người ta không lúc nào thấy ông Vũ mệt mỏi khi nói và khi hành động vì cà phê Việt Nam, vì giấc mơ đưa Đắk Lắk trở thành thiên đường cà phê, “Thánh địa cà phê toàn cầu”…

Đặng Lê Nguyên Vũ thực hiện nhiều cuộc “ẩn thân” dài ngày về thảo nguyên M’Đrắk yên tĩnh, trong trang trại rộng 600 ha mà Trung Nguyên đang dày công tôn tạo thành một cõi “thiền cà phê”...

Cũng có thông tin tiết lộ: Tại thảo nguyên M’Đrắk, ông nhịn ăn thanh lọc cơ thể, cưỡi ngựa thư giãn, nghiền ngẫm hoàn thiện hệ thống triết lý cà phê Đại Việt và đưa ra các quyết sách “để đời”.

Có thể nói, dù ông Vũ đang ở đâu hay làm gì thì giới truyền thông cũng như những ai nghiền cà phê đều không khỏi ngạc nhiên với sự vắng bóng này.

Bởi từ trước tới nay, Đặng Lê Nguyên Vũ vốn được nhiều người coi là “vĩ cuồng”, “đại ngôn”. Đồng thời, ông luôn là trung tâm, mọi sự chú ý của dư luận.

Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm được gì?

Vào cuối tháng 8/2014, trong một cuộc trao đổi, trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc có hay không việc Trung Nguyên đang dần đuối sức so với các đối thủ cạnh tranh trong thị trường cà phê hòa tan, Đặng Lê Nguyên Vũ đã thẳng thắn:

“Điều này không đúng sự thật. Và thực tế cho thấy điều ngược lại hoàn toàn”.

Ông Vũ cho rằng: “Trong thế trận với nhiều tay súng thiện chiến, chắc chắn những doanh nghiệp có bản sắc, có tình yêu và lòng đam mê, có sản phẩm vượt trội sẽ giành chiến thắng trong một cuộc chơi sòng phẳng, công bằng”.

Cũng trong nội dung trả lời phỏng vấn này, ông Vũ đã vạch ra kế hoạch trong năm 2014 đó là: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và nhân rộng mô hình ra Asean, Dubai, Thượng Hải và thị trường biểu tượng – Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, “với Brain Station Coffee - mô hình nhượng quyền chuỗi quán dạng “Coffee take away” nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của giới trẻ mong muốn khởi nghiệp, chúng tôi đang trong giai đoạn đóng gói mô hình để phát triển nhanh tại Việt Nam.

Và tập trung “phủ sóng” tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang và mở rộng mạnh mẽ trên tất cả các tỉnh thành của cả nước” – ông Vũ nói lúc đó.


(Ảnh: Mạnh Quân)

(Ảnh: Mạnh Quân)

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm, theo thông tin từ đường dây nóng của website café.net.vn của Trung Nguyên, công ty này mới chỉ mở ra được duy nhất 1 cửa hàng Brain Station Coffee tại Tp.HCM. Còn tại Hà Nội hiện nay chưa có Brain Station.

Vào năm 2013, chỉ vài ngày sau khi Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tuyên bố rằng: Trung Nguyên sẽ bán khoảng 15% cổ phần Công ty để có kinh phí tấn công vào thị trường Mỹ.

Và mở đầu cho kế hoạch này sẽ bằng việc mua lại một số nhà máy rang xay cà phê tại Mỹ, đồng thời mở cửa hàng tại Seattle, New york và Boston - thành phố lớn bậc nhất tại bờ Đông của nước Mỹ ngay trong năm 2013.

“Tuyên chiến” mạnh mẽ là vậy, tuy nhiên, cho đến nay, Trung Nguyên vẫn chưa có động thái nào cho thấy sức ảnh hưởng của cà phê Trung Nguyên vào thị trường tiềm năng Mỹ – nơi mà "kẻ khổng lồ" Starbucks đã được công nhận là nhãn hiệu cà phê ngon nhất.

Kế hoạch đánh chiếm vào “sào huyệt” của địch thủ xem ra chỉ là “chiếc bánh vẽ” nhất là sau thất bại của hệ thống hơn 500 quán cà phê nhượng quyền của Trung Nguyên tại Việt Nam hay sự tan vỡ của hệ thống tiệm tạp hóa G7 cũng do hãng này tạo dựng…

Đó là chưa kể những dự án “lớn lao” khác mà dường như tồn tại dưới dạng “dự định” hơn là hiện thực.

Ví dụ như ông Vũ tuyên bố: mục tiêu đến năm 2022 sẽ trở thành nhà sản xuất cà phê… lớn nhất thế giới.

Dù doanh nhân họ Đặng có một đam mê đến mãnh liệt, cháy bỏng đến mức nào và dù trên thực tế, ông đã làm được nhiều phi thường nhưng không ít người Việt vẫn không khỏi hoài nghi: Liệu Đặng Lê Nguyên Vũ có đang quá ảo tưởng?

Nhất là khi Trung Nguyên cho biết “Sáng tạo là cốt lõi thành công của cà phê Trung Nguyên” nhưng khi đặt tên cho chuỗi cà phê nhượng quyền dạng “Coffee take away”, Trung Nguyên lại đặt tên giống một thương hiệu cà phê khác là Urban Station.

Việc đi sau và “trùng lặp” này không khỏi khiến một số người đặt dấu chấm hỏi: Trung Nguyên đang yếu về sáng tạo?!.

Và khi đơn vị đi đầu và khơi mào cho tư duy “khơi nguồn sáng tạo” này lại “bắt chước” một thương hiệu đi trước Trung Nguyên một thời gian dài, thì có lẽ Trung Nguyên khó bước xa được trên con đường “thống trị nội địa, chinh phục thế giới”?!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại