Ông Chu Sơn Hà: "Xử quan thua dân, thẩm phán bị luân chuyển"

Hoàng Đan |

Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, không ít cán bộ có tư tưởng bảo thủ và căn bệnh thứ 2 của cán bộ đó chính là thù lâu nhớ dai.

Không ít cán bộ mắc bệnh thù lâu nhớ dai

Phát biểu tại hội trường sáng nay về dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà nêu ra thực tế về việc ban hành văn bản chưa đúng theo quy định của pháp luật, thậm chí vi phạm luật Dân sự, luật Đất đai, sau 2 năm mới được sửa đổi.

Theo ông Hà, đó là ví dụ sinh động cho việc cán bộ không ít người có tư tưởng bảo thủ.

"Căn bệnh thứ 2 của không ít cán bộ là căn bệnh thù lâu nhớ dai. Trong kỳ họp lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Tố tụng hành chính đối với TP Hà Nội, một vị là chánh án cấp huyện phản ánh:

Nếu quy định thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện mà xử các quyết định của UBND trên địa bàn cấp huyện thì không khả thi vì nhiều bản án quan thắng dân, dù dân kiện quan nhưng quan luôn luôn thắng dân.

Có một vụ án các đồng chí trong hội đồng xét xử quyết định quan thua dân, lập tức vị thẩm phán có năng lực, trình độ, nằm trong quy hoạch đó bị luân chuyển công tác đến vị trí khác.

Nói như vậy để thấy bệnh thù lâu nhớ dai trong cán bộ của chúng ta không phải là không có", ông Hà nói.

Từ 2 căn bệnh trên, ông Hà nêu kiến nghị làm sao nghiên cứu thẩm quyền của cấp huyện chỉ nên xử các vụ án hành chính từ xã trở xuống, cấp huyện thì lên tỉnh xử, cấp tỉnh thì lên toà án tối cao xử, để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân.


Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước)

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước)

"Có ý kiến cho rằng, việc này không phù hợp với chủ trương chung phân cấp cho toà án cấp huyện, tôi nghĩ rằng, những việc liên quan đến hình sự, dân sự thì phân cấp.

Riêng việc liên quan đến hành chính, liên quan đến công dân và bộ máy thì không nên phân cấp.

Có ý kiến nêu rằng, cho lên cấp tỉnh thì đường sá xa xôi, gây khó khăn cho công dân, nhưng người dân không cần thắng thua bao nhiêu tiền, họ cần bảo vệ danh dự, bảo vệ công lý nên không cần lo nhiều về việc này.

Có nhiều vụ án hành chính sau khi xử thì chưa được tổ chức thực hiện.

Vì vậy, nên nghiên cứu điều khoản nếu như quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà cá nhân đó không thực hiện thì phải xử lý hành chính, kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Hà nhấn mạnh.

Tâm lý lo ngại khi "dân kiện quan"

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phát biểu: ""Dân kiện quan" có tâm lý lo ngại, thẩm quyền là vấn đề mấu chốt cần xác định. Người dân đi kiện phải tìm đến người có tính chất trung gian, khách quan để phán quyết đúng sai.

Tôi thấy có điểm đúng là tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền đối với các vụ án khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của ủy ban nhân dân cấp huyện.

Nó giải tỏa tâm lý của người dân trong quá trình tìm sự công bằng, nó giúp cho nền hành chính công bằng".

Ông Bùi Mạnh Hùng cũng cân nhắc đến các luật liên quan: “Nếu suy luận như vậy thì việc của tòa án cấp tỉnh thì phải giao cho tòa án tối cao.

Nhưng tòa án tối cao lại không có chức năng xét xử sơ thẩm. Do Luật Tổ chức tòa án nhân dân quy định thẩm quyền tòa các cấp, nên Dự thảo Luật Tố tụng hành chính lần này phải điều chỉnh.

Điều đó là thụt lùi, chưa đứng trên quan điểm của người dân, rất khó để người dân tin rằng, việc tòa án nhân dân xét xử UBND cùng cấp là công bằng.

Do đó, tôi đề nghị bảo lưu quan điểm tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ xét xử khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của ủy ban nhân dân cấp huyện và đề nghị xem xét lại quy định để tòa án tối cao cũng có thể xét xử sơ thẩm.

Tôi mạnh dạn đề nghị như trên, không nên vì một quy định của luật này mà làm ảnh hưởng đến luật khác, đến sự tiên tiến của nền hành chính. Bác Hồ có nói: Cái gì có lợi cho dân thì khó cũng phải làm”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại