Sa đà trong khói nâu
Theo chân một nhóm sinh viên trường CĐ K. đến một quán cà phê cóc trên đường Hùng Vương (trục đường chính của TP. Tam Kỳ), PV khá ngạc nhiên khi thấy một nhóm bạn trẻ hí húi chuyền tay nhau mấy tấm giấy quyến, thứ giấy dùng để vấn thuốc lá ngày trước các cụ hay dùng để hút thuốc rê.
Giữa thời thuốc điếu đầu lọc vừa rẻ, vừa... lịch sự bán nhan nhản mà cánh sinh viên vẫn tìm đến thuốc điếu tự cuốn thì cũng lạ. N., một bạn đi cùng tiết lộ: “Nhóm ấy chia giấy để quấn “bù” đó, không phải hút thuốc lá đâu”.
Lân la dò hỏi, được biết thứ thuốc được gọi “lóng” dưới cái tên “bù” chính là bồ đà, loại thuốc được chế biến từ lá, thân và búp của cây cần sa.
Dễ mua, dễ sử dụng, giá thành cũng không quá cao nên hút “bù” trở thành một thú chơi thu hút khá đông giới trẻ, nhất là giới sinh viên ở Quảng Nam
Thậm chí, giới chơi “bù” còn tụ tập ở các quán cà phê vô tư hút như ở chốn không người. Trên một số diễn đàn chuyên tụ tập các “tay chơi” bồ đà, nhiều nick còn kháo nhau “thị trường” xôm tụ nhất của “bù” không phải là Hà Nội hay TP. HCM mà là Tam Kỳ, nơi “bù” được sử dụng công khai, “đông vui” có nhóm có hội, ngay tại nơi công cộng.
Với mùi khói khen khét đặc trưng, không khó để giới mê “bù” nhận ra “đồng minh” ở những nơi như quán cà phê hay quán nhậu. Khác với chơi “hàng trắng”, phải lén lút sử dụng ở những nơi kín đáo, bồ đà thường được ngụy trang dưới nhiều dạng để người chơi có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi.
“Mấy đứa mới chơi, đô nhẹ hoặc thích “đổi gió” chút xíu cho vui thì thường trộn bù với thuốc lá rồi nhồi lại trong điếu để hút, còn nặng đô hoặc thích cầu kỳ thì mua giấy quyến cuốn lại thành từng điếu rồi bỏ trong hộp dùng dần”, T. N. (sinh viên Kế toán, trường ĐH QN) sành sỏi cho biết.
Dễ như mua... rau
Dân chơi “bù” thường phân “hàng” thành 3 loại: Lá, gù và xiêm. Lá là thứ thuốc rẻ nhất, “gù” có nhiều nụ, đắt hơn lá nhưng giá ở mức trung bình, còn xiêm thuộc hạng “cao cấp” nhất trong các loại “bù”, thường chỉ dành cho những dân chơi lắm tiền như doanh nhân.
“Bù” lá được dân chơi Quảng Nam chuộng nhất bởi giá cả bình dân, phù hợp với nhu cầu sử dụng thường xuyên như thuốc lá mà vẫn đảm bảo độ “bay”.
Với giá tiền dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/gói, có thể sử dụng cho 4 đến 5 lần hút hoặc hơn (tùy vào “đô” của người “chơi”), dân chơi «bù» có thể dễ dàng mua thuốc ở các quán nước, quán cà phê hoặc quán karaoke ở TP. Tam Kỳ.
“Xôm tụ” nhất phải kể đến khu vực đường Phan Đình Phùng, Cồn Thị (P. Phước Hòa), đường Duy Tân, Thanh Hóa hay Tôn Đức Thắng. Còn địa điểm sử dụng đã có vô số quán cà phê, quán nước lớn nhỏ đáp ứng.
“Dân chơi “bù” bây giờ chỉ quan tâm đến giá cả thôi, chứ chỗ mua thì dễ dàng hơn trước nhiều. Mấy mối lớn thì bán chừng 30.000 đồng/gói, còn mua lại của mấy thằng chuyên chơi thì giá cũng vô chừng”. T. Huy (sinh viên trường CĐ P.) cho hay.
Cách đây vài năm, khi “bù” chưa phổ biến và các điểm bán còn hạn chế thì sinh viên phải nhờ cậy tới các mối quen mới mua được thuốc. Hiện nay, khi “cầu” rộng lớn còn “cung” cũng phình to với vô số điểm bán nhỏ lẻ thì việc mua “bù” trở thành chuyện nhỏ.
“Chỉ cần bạn bè hay người quen dắt mối đến mua một lần, chủ mối biết mặt là lần sau mua được ngay. Mối quen, mua số lượng nhiều còn được cung cấp... tận nơi nếu có nhu cầu”, T. Trung, sinh viên trường CĐ KT, nhiệt tình chỉ dẫn.
Điều đáng nói là không ít sinh viên nữ cũng nhiệt tình thử và lâng lâng theo những làn khói trắng của «bù».
“Nữ thì chơi kín đáo hơn chút, chủ yếu hút dưới dạng điếu thuốc lá chứ không “tời” nguyên điếu bự như đám con trai tụi này. Chủ yếu chơi để… thể hiện chứ không phải nghiện ngập gì, nhưng dính vào thứ này khó rứt ra lắm. Bọn nó cứ hút vào là gục mặt khóc tu tu”, T. Vinh (trường ĐH Quảng Nam) kể.
Phía sau thú chơi “bù”
“Lần đầu hút không quen thì hơi buồn nôn tí, nhưng “phê” được vài lần rồi mày sẽ khoái liền”, N. Nghĩa (sinh viên trường ĐA) cho biết. Thoạt đầu là “khoái”, rồi càng chơi lâu, “đô” của dân chơi “bù” mỗi lúc một tăng, và hầu hết sẽ bị sụp mí, môi thâm tím, còn mắt thì ngầu đỏ.
“Mấy đứa mới chơi ban đầu thì tụ nhóm chuyền nhau một điếu, mỗi đứa vài ba hơi là đủ phê. Chứ lâu năm như tụi này thì mỗi ngày “bắn” 2 - 3 gói là chuyện thường. Bọn chơi nặng “đô” quá thì chuyển qua hàng “đá” hoặc “trắng” mới đáp ứng nổi”.
Khóc lóc, cười to hoặc thậm chí dùng dao lam rạch tay là những cảm xúc quái dị mà dân chơi “bù” thường thể hiện, mỗi khi phê thuốc.
“Ở quán cà phê, quán cóc lề đường, ít ai để ý thì “phê” cũng dễ. Có đứa “phê” xong, uống liền mấy chai nước suối hoặc... chén nguyên một nồi cơm bự. Dính vào món này, đứa nào cũng ăn nhiều, uống nhiều, bất kể cơm ngon hay dở”, Nghĩa kể tiếp.
Chơi theo hội, theo nhóm thì số tiền mỗi tay chơi trút vào “bù”, thoạt đầu cũng không đáng kể. Tuy nhiên, sau một thời gian chơi, khi “đô” lên thì sẽ là “thảm họa”.
“Có đứa chơi mỗi ngày cả 200.000 – 300.000 đồng, rồi còn tiền nước ngồi quán nữa”. Số tiền sinh hoạt hằng tháng phụ huynh gửi cho không thể đáp ứng nổi, nhiều tay chơi phải “xoay” từ tiền học phí, rồi cầm cố điện thoại, xe máy, laptop...
Đáng ngại hơn, dân chơi “bù” đã thừa nhận biểu hiện trơ, mất cảm giác. “Có đứa ngồi trên giảng đường mà y như… trên mây, thầy cô nói gì cũng không nghe được, phải đánh cho vài cái mới tỉnh lại”.
Mặc dù tình trạng sử dụng bồ đà công khai của giới trẻ Quảng Nam ở nơi công cộng “rầm rộ” từ nhiều tháng qua nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý triệt để.
“Bị tóm thì cùng lắm là phạt hành chính rồi thả về, cái này nhẹ chứ có phải heroin hay xì ke gì đâu mà nặng nề”, một nam sinh viên trường CĐ P. thản nhiên cho biết.
Cho dù ở ngưỡng nhẹ hay nặng thì bồ đà cũng là một dạng ma túy, và các hành vi mua bán, sử dụng chất này đều là vi phạm pháp luật. Đó là chưa kể “bù” chính là “bước đệm” để người chơi tiếp xúc, làm quen và sa chân vào những thứ ma túy đáng sợ hơn.