Nhưng thay vì dùng tiền trúng số chuộc lại ruộng đất, ông lao vào những thú vui và mua vé số hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Kết quả là chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, số tiền bạc tỷ không còn lại một xu. Buồn đời, ông Đạt lao vào men rượu, chửi bới xóm làng, để rồi phải vào sống những ngày mất tự do.
Lòng tham vô đáy
Chúng tôi đến ấp Thăm Trơi B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau để tìm hiểu về lão nông Bùi Văn Đạt (58 tuổi), người đang là tâm điểm dư luận nơi đây. Đến nơi, chúng tôi được anh Nguyễn Hoàng Mượn - Trưởng công an ấp Thăm Trơi B - kể lại chi tiết về cuộc đời của ông Đạt, đặc biệt là những ngày sống như mơ nhờ trúng số 1,5 tỷ đồng và cái kết buồn khó ai ngờ.
Theo anh Mượn, ông Bùi Văn Đạt sinh tới 10 người con nên gia đình thường chịu cảnh gạo không đủ ăn. Những đứa con tuy hay làm, nhưng lại giao du với thành phần xấu rồi sinh quậy phá, 2 đứa phải ngồi tù.
Chán nản, ông lao vào rượu chè, nhưng càng uống, kinh tế gia đình càng suy sụp. Cuối cùng, nông dân này đành bán hết 20 công đất để có tiền trang trải cuộc sống, thăm nuôi con trong trại.
Ngôi nhà của ông Đạt.
Đúng lúc người dân xung quanh tự hỏi, ông sẽ làm gì để duy trì cuộc sống thì vận may hiếm có tìm tới. Lần ấy, ông Đạt đang nằm ngà ngà say thì có người tìm tới nhờ mua giúp vé số. Sẵn có 10.000 đồng trong túi, ông rút ra mua, nhưng không ngờ lại trúng độc đắc lên tới 1,5 tỷ đồng. Lúc biết tin, ông la hét sung sướng như một người điên, làm cả xóm làng xôn xao.
Người ta đoán, nông dân này sẽ dùng tiền tỷ trong tay mua ruộng đất, hoặc chí ít cũng trích phân nửa tiền gửi ngân hàng để phòng thân. Trong khi hàng xóm vẫn đoán già đoán non thì ông Đạt tuyên bố, từ nay trở đi, cả nhà không ai phải động tay việc gì, cứ sống an nhàn và hưởng thụ giàu sang.
Cũng từ đó, tính tình nông dân này thay đổi hoàn toàn. Chẳng ai còn thấy một lão nông mặc quần tà lỏn đi bắt từng con cá. Thay vào đó, ông Đạt lúc nào cũng chải chuốt bóng bẩy, ra đường kẻ đón người đưa và rất chịu chơi.
Anh Tư, sống cách nhà ông Đạt vài trăm mét, kể: “Trên đời chẳng có ai như lão, đất đai ruộng cấy không có mà mặc kệ. Ổng dồn hết tiền bạc ăn chơi. Đồ ăn ổng mua sang lắm, con heo nặng cả 100 kg mà mua mỗi lần một cặp, ăn không hết là bỏ, tuyệt đối không cho ai. Khủng khiếp hơn là mỗi ngày, lão mua… 1.000 tờ vé số, khoảng 10 triệu đồng, thiếu một tờ cũng không chịu. Khi ấy, ai cũng bảo lão mua vé số giống như đại lý gom hàng. Có hôm, ông mua tới 20 triệu đồng vé số.
Một ngày, ông ta vác về một lúc 10 bộ bàn ghế xi măng. Chẳng có chỗ kê, mấy bộ phải vứt chỏng chơ ngoài sân. Trước đây, trời nắng chẳng dám bật quạt mà bây giờ lão mua liền 2 cái máy lạnh”.
Tay trắng hoàn trắng tay
Anh Nguyễn Hoàng Mượn, Trưởng công an ấp Thăm Trơi B, cho biết hiện ông Đạt đã bị đưa đi cải tạo, hoàn cảnh gia đình vô cùng bi đát.
“Chúng tôi không muốn bắt ổng đâu, vì ổng già rồi. Nhưng bà con không thể chịu nổi tính khí kỳ cục và những lời chửi bới bây bạ. Giá lúc có tiền, ông Đạt chịu phòng thân chút đất đai thì đâu nên nỗi. Giờ trắng tay lại hoàn tay trắng”, anh Mượn nói.
Do mỗi ngày đều mua vé số lượng lớn, nên thường trúng nhỏ, nhưng ông cũng có trúng giải an ủi 3 lần với số tiền 300 triệu. Nghĩ mình được trời thương, ông càng lúc càng dồn nhiều tiền mua vé số. Ngoài những người bán vé, đám dân buôn khác như bán hoa quả, bánh kẹo… cũng thấy “mùi” khách sộp nên tìm tới mỗi ngày, khiến căn nhà luôn đông khách.
Nhưng chuyện ly kỳ về cách tiêu tiền của người đàn ông này chưa dừng lại. Ngay khi có tiền, ông Đạt khiến cả ấp “há hốc” với tuyên bố: “Tui chỉ cho bà con trong xóm mượn tiền mua vé số. Ai định mượn tiền để đầu tư làm ăn kinh tế thì không cho, đừng hỏi cho mất công”.
Đa phần bà con lắc đầu, nhưng cá biệt có người mượn tiền lão để mong đổi đời nhờ lộc trời. Có nhà vay 20 triệu đồng, dành toàn bộ mua vé số nhưng không trúng.
Con cướp tiền bỏ chạy vì sợ cha tiêu hết
Chính vì chách tiêu tiền hoang phí, “lộc trời” hao hụt nhanh chóng. Sau gần 2 tháng, số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại chẳng bao nhiêu. Ông bàn với vợ, nếu không rút nốt 200 triệu đang gửi ngân hàng sẽ không có tiền mua vé số. Vợ cũng gật đầu đồng ý.
Được sự ủng hộ của vợ, ông sai con chở ra ngân hàng rút nốt số tiền này. Bất ngờ trên đường về, con trai giật bọc tiền 200 triệu đồng rồi… chạy mất.
Anh Nguyễn Hoàng Mượn, trưởng công an ấp, nhớ lại: “Khoảng xế trưa hôm đó, tôi nghe ông Đạt la lên rằng bị đứa con giật cục tiền vừa rút ở ngân hàng. Chúng tôi liền bố trí vây bắt, đồng thời gọi công an huyện hỗ trợ.
Công an huyện nhận định đối tượng chưa chạy xa, chỉ quanh quẩn trong làng nên đã rải người tại các chốt chặn. Kết quả, chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ, đối tượng đã bị bắt cùng tang vật là cọc tiền 200 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Hoàng Mượn, trưởng công an ấp Thăm Trơi B.
Làm việc với cơ quan công an, anh B. (con trai ông Đạt) nước mắt ngắn dài cho biết, động cơ cướp tiền của cha là để… giữ tiền, để dành nuôi em ăn học. B. mếu máo: “Nếu không làm như vậy, cha tui sẽ tiêu nốt số tiền đó. Từ ngày có tiền, ổng ngày nào cũng mua vé số, có ngày mua vài chục triệu đồng. Tui xót quá nên đã khuyên cha nhiều lần, nhưng cha đều gạt đi không nghe.
Hôm qua, tui nghe thấy cha mẹ bàn nhau đi rút nốt 200 triệu đồng nên phải tìm cách giữ. Cha trúng số gần 2 tỷ bạc, sau chưa đầy 5 tháng đã đốt sạch vào vé số và tiêu xài vô ích khác. Cả nhà còn lại 200 triệu đồng thôi. Không tin, các chú vô nhà tui xem, vé số đựng đầy cần xé lúa”.
Qua lời khai của B., lực lượng công an đến nhà ông Đạt để xác minh. Sau khi gom tất cả vé số vào bao lúa, công an đã đem cân được 9 kg. Mọi người vô cùng sửng sốt. Xác nhận động cơ của B. không phải cướp, cộng thêm việc thành khẩn và trả lại toàn bộ số tiền, anh này chỉ bị giáo dục rồi cho ra về. Số tiền 200 triệu đồng trở về với ông Đạt, nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, ông đã không còn một xu dính túi…
Trở lại kiếp sống nghèo khổ, ông không thể tin nổi, sinh ra bực dọc cay cú. Bất đắc chí, lão nông lao vào rượu chè bê bết và quậy phá chửi bới bà con xóm làng. Ông nhiều lần bị chính quyền địa phương kiểm điểm trước dân, nhưng rồi chứng nào tật nấy.
Kỳ cục hơn, ông chửi những người phụ nữ rất tục tĩu, khiến nhiều người quyết định đâm đơn kiện. Hậu quả ông buộc phải đi cải tạo theo Nghị định 72 của Chính phủ.