Ổ dịch H5N1 ở… trên trời

Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện loài chim yến có giá trị cao, nuôi tại rạp Thanh Bình (TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) bị chết hàng ngàn con do nhiễm cúm A/H5N1.

Hàng trăm cơ sở nuôi chim yến ở các tỉnh duyên hải miền Trung như đang ngồi trên đống lửa, bởi chim yến bay trên trời thì chẳng biết làm sao để kiểm soát, khống chế ổ dịch này!

Hoảng loạn vì đàn yến nhiễm bệnh

Chiều ngày 11.4, chúng tôi có mặt tại cơ sở nuôi yến tại rạp Thanh Bình của Cty Yến Việt – nơi có hàng ngàn con yến bị chết do nhiễm cúm A/H5N1 trong mấy ngày qua - nhưng cơ sở này đóng kín cổng và “ngoại bất nhập”.

Ông Trần Văn Son - người dân ở khu phố 2, phường Đạo Long, TP.Phan Rang, làm nghề vá xe ở ngay rạp yến Thanh Bình - cho biết, cả tuần nay, người dân phường Đạo Long liên tục chứng kiến chim yến chết hoặc bị yếu sà xuống nằm rải rác ven đường bên cạnh rạp nuôi yến này. Còn anh Ngô Luân - hẻm 586/2 ở bên cạnh rạp nuôi yến này - cho hay: “Tôi thường xuyên bắt gặp chim yến đang bay thì rớt xuống chết”.

Ông Lưu Khoang – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận - cho biết, bắt đầu từ ngày 28.3, trên địa bàn TP.Phan Rang đã xuất hiện chim yến chết hàng loạt, chưa rõ nguyên nhân và số chim yến chết tăng dần, có ngày chết tới 1.700 con. 

Để có cơ sở khống chế nhanh, bao vây ổ dịch, chính quyền địa phương đã vào cuộc lấy mẫu gửi Trung tâm Thú y vùng 6 (TPHCM) xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm subtype H5N1. Dân nuôi yến bắt đầu dao động, lo lắng. 

Chim yến nuôi cả ngàn con của ông Võ Duy Sang ở ngay cạnh rạp Thanh Bình không hề bị chết, nhưng cả tuần nay ông không dám vào nơi yến trú ngụ vì lo nhiễm bệnh.

Ông Nguyễn Văn Khôi - quản lý cơ sở chim yến Yasaka ở phường Tấn Tài - cho hay: “Từ ngày phát hiện chim yến nhiễm bệnh ở rạp Thanh Bình, tôi không kiểm tra tổ yến ở cơ sở mình, chờ kết quả xét nghiệm các mẫu chim yến mới có thể tiếp tục làm việc”. 

Ông Đào Huyền Trung – Chủ tịch UBND phường Đạo Long - xác nhận: Sáng 11.4, một số chủ cơ sở nuôi yến đã bức xúc, lo lắng đến “truy” phường về thông tin chim yến nhiễm H5N1. Họ bảo tình hình chim yến chết do nhiễm bệnh là nguy hiểm, nếu không có giải pháp kiểm soát, ngăn chặn thì nguy cơ “vỡ” hàng loạt cơ sở nuôi chim yến của cả khu vực miền Trung!

Dân thờ ơ với chim yến “dính” H5N1

Cũng trong chiều 11.4, trước cơ sở nuôi chim yến ở rạp Thanh Bình, số 594 đường Thống Nhất, TP.Phan Rang, dù chim yến chết và phân yến vẫn còn thoang thoảng bốc mùi, nhưng người dân vẫn vô tư bày bán tràn lan thức ăn, đồ uống, như không hề có chuyện gì xảy ra. 

Nhiều người ngồi bệt ăn bắp nấu ở ngay bên cổng thải có mùi nước phân chim yến. Ở gần đấy là chợ trung tâm Phan Rang sầm uất. Tôi hỏi mọi người ở đây về chuyện chim yến nhiễm cúm H5N1, nhưng cũng không mấy người biết.

Chị Thanh – một người bán quán nước - cho hay: “Trong vòng một tuần nay, nhiều người biết chim yến bị chết, nhưng rất ít người biết chim yến bị nhiễm bệnh”.

Ông Trần Văn Son chỉ vào cống nước trước mặt nói: “Nước rửa tổ yến chảy ra cống này tạo mùi hôi, nếu có dịch bệnh thì khả năng lây nhiễm là rất lớn. Một số người ở các nơi khác thường đến đây mua phân hoặc nước rửa tổ yến để tạo mùi cho cơ sở nuôi yến mới, cũng làm ảnh hưởng môi trường”.

Chim yến bay trên trời, nhiễm bệnh và “rụng cánh” bất cứ lúc nào, rất khó kiểm soát. Nhưng nhiều người ở Phan Rang vẫn thản nhiên cho rằng loài chim yến không đậu được nên chỉ bay đi kiếm ăn ngoài trời suốt ngày, đến tối mới về “nhà”... nên không thể mắc bệnh cúm gia cầm. 

Anh Ngô Luân - đường hẻm 586/2 ở bên cạnh rạp nuôi yến Thanh Bình, phường Đạo Long - nói: “Trẻ con ở đây vô tư bắt chim yến non bị bệnh sà xuống đường để chơi. Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu chim yến lây bệnh sang người!”.

Ổ dịch H5N1 ở… trên trời
Ông Nguyễn Văn Khôi lo lắng cơ sở nuôi yến Yasaka bị nhiễm bệnh. Ảnh: L.Phong

“Bắt bệnh” cho chim

TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận có 54 cơ sở xây dựng nhà nuôi chim yến ở ngay trong các khu dân cư đông đúc với diện tích nuôi khoảng 100-300m2/hộ, không đúng quy hoạch gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị và khi có dịch bệnh xảy ra thì vô cùng phức tạp, khó lường. Tất thảy các nhà chim bằng tầng trên cao, chim bay tự do trên bầu trời nên khó có thể kiểm soát.

Ông Trần Xuân Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết: Khoảng 10 ngày qua, thời tiết ở Ninh Thuận nóng bức dữ dội, nhiệt độ luôn dao động trong khoảng 38 - 39 độ C.

Trong khi đó, cơ sở rạp Thanh Bình nuôi đàn yến rất lớn (khoảng 100.000 con) nhưng nhà nuôi ngột ngạt, với không gian bẩn, nóng trong thời tiết oi bức, thiếu thức ăn... khiến đàn chim yến chết hàng loạt, nhất là chim non.

Cơ quan Thú y Vùng 6 (TPHCM) đã cảnh báo: Chim yến có khả năng lây truyền qua nguồn nước ở các dòng kênh. Vì vậy, nếu nước ở các kênh bị nhiễm mầm bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Hiện thành phố Phan Rang đang triển khai công tác tiêm phòng dịch cúm gia cầm trên mặt đất, còn với chim yến thì không thể tổ chức tiêm phòng được.

Ông Lưu Khoang – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận - thừa nhận, thực tế, kiến thức về vệ sinh dịch tễ của các chủ cơ sở nuôi chim yến ở Ninh Thuận rất hạn chế. Vì đây là lần đầu tiên chim yến bị nhiễm bệnh chết hàng loạt nên cơ quan chức năng quá lúng túng trong xử lý dập bệnh. Việc tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh trên đàn chim yến là vô cùng khó.

Sau khi lực lượng chức năng của tỉnh Ninh Thuận vào cuộc tập trung mọi nỗ lực để cải tạo môi trường nuôi, tiêu độc khử trùng thì tốc độ lây lan đã được khống chế, lượng chim yến chết giảm dần. Hiện Cơ quan Thú y Vùng 6 TPHCM xét nghiệm 25 mẫu chim yến sống, kể cả yến non đều cho kết quả âm tính.

Theo ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - địa phương cùng Cơ quan Thú y Vùng 6 TPHCM quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn bệnh chim yến, liên tục trong một tuần từ ngày 8 - 15.4 phải lấy cho được mỗi hộ nuôi từ 20 - 25 mẫu yến, phân để kiểm nghiệm. Tỉnh Ninh Thuận đã lập 2 đường dây nóng để kiểm soát dịch bệnh theo các số điện thoại: 068.800115 và 068.3824754.

Tình hình nuôi chim yến bị nhiễm bệnh H5N1 ở Ninh Thuận là rất khẩn cấp và nguy hiểm. Nếu để xảy ra dịch trên chim yến thì gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi chim yến và chế biến các sản phẩm yến sào không chỉ ở tỉnh Ninh Thuận mà còn ở các tỉnh ven biển trong cả nước. Rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương để “ngăn” đàn chim yến... rụng cánh!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại