Đây là loài rắn lành sống trên cạn, dài khoảng 2m, leo cây và bơi giỏi. Khi tức giận cổ phình to theo chiều trước sau chứ không bạnh sang hai bên như Rắn hổ mang.
Chúng thường sống ở đồng bằng và trung du, thường gặp trong các bụi cây, hang của chúng là hang chuột bỏ không trong các gò đống hoặc dưới bụi tre. Bắt mồi cả về ban ngày và kiếm ăn ban đêm, ăn ếch nhái, cóc, thằn lằn, rắn, song chủ yếu là chuột. Đẻ khoảng 9 - 14 trứng, trung bình 5 - 7 trứng/lứa vào khoảng từ tháng 5 - 7. Trứng được đẻ vào đám lá rụng trong bụi cây và được rắn mẹ bảo vệ.
Ở miền Bắc Việt Nam, chúng trú đông từ tháng 11 đến đầu tháng 3 trong các hang chuột bỏ không. Có tập tính tự vệ rất dữ dội khi bị tấn công.
Loài rắn này cư ngụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hoà Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cà Mau.
Theo báo Gia Lai Online đăng tải, đã có một số người dân tại tỉnh Đăk Lăk đã chọn cách làm giàu từ nghề nuôi loài rắn hổ trâu này. Một trong số đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Thủy, 31 tuổi ở thôn Phước Thọ 1, xã Ea Phê, huyện Krông Pak (Đăk Lăk). Mỗi năm trừ chi phí anh Thủy thu lãi về từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Theo lời kể của anh Thủy thì sau khi anh theo học hết khóa chăn nuôi-thú y của Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, năm 2008, ra trường nhưng vẫn không xin được việc làm ổn định, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên anh phải đi làm thuê, cuốc mướn cho người dân trong xã để có tiền giúp đỡ bố mẹ nuôi các em ăn học.
Anh Nguyễn Văn Thủy cho biết loài rắn hổ trâu hiền lành, lại không có độc rất dễ nuôi. Ảnh: Bá Thăng
Với sự quyết tâm và ý chí của tuổi trẻ, năm 2011, anh Thủy mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại nuôi thử nghiệm 20 con rắn hổ trâu, song, do ban đầu chưa hiểu biết rõ về đặc tính của vật nuôi nên hiệu quả còn thấp. Không nản lòng, anh tích cực học hỏi thêm bạn bè, đọc sách báo và tìm đến các trại nuôi rắn thành công ở một số tỉnh ngoài để học hỏi kinh nghiệm về ứng dụng tại mô hình nhà mình.
Sau khi có thêm kiến thức từ thực tiễn, anh Thủy đã thay mới 100 con rắn hổ trâu, chọn lựa kỹ càng để nuôi cố định cho sinh sản, thiết kế lại chuồng trại chăn nuôi với diện tích 200 m2, được chia làm nhiều ô nhỏ riêng biệt xây bằng gạch khá kiên cố, các vách xung quanh được bao lưới để tạo môi trường thông thoáng cho rắn sinh hoạt.
Ngoài ra để giữ cho chuồng trại sạch sẽ và tiện cho việc phân loại cỡ rắn, anh Thủy đều có khu dành riêng cho rắn đẻ, rắn con và rắn thương phẩm... Đặc biệt, mỗi chuồng đều có lót ổ có độ thoáng mát, sạch và êm để rắn nghỉ ngơi. Với cách làm chu đáo này đã giúp rắn thích nghi dần với khí hậu, điều kiện sống của địa phương.
Theo kinh nghiệm nuôi rắn của anh Thủy, thì loài rắn hổ trâu dễ nuôi, hiền, không có nọc độc, lớn nhanh, ít bệnh tật và đầu ra hiện khá ổn định. Thức ăn chính của rắn lại dễ kiếm là động vật như ếch, nhái, chuột, gà… hoặc các phế phẩm từ gia súc, gia cầm. Thường thì 3 ngày anh mới phải cho rắn ăn một lần, riêng mùa đông, rắn hầu như không ăn mà chỉ nằm trong tổ suốt 2 tháng liền.
Anh Thủy tiết lộ, hiện nay con giống đang khan hiếm, tại địa bàn huyện Krông Pak có không quá 3 trang trại nuôi rắn hổ trâu, nên không đủ cung cấp cho các hộ có nhu cầu nuôi và bán thịt cho các nhà hàng trong tỉnh. Riêng năm 2012, anh đã bán ra khoảng 500 con giống với giá 300-400 ngàn đồng/con và khoảng 400 kg rắn thương phẩm có giá khoảng 800 ngàn đồng/kg. Tính ra, nuôi rắn hổ trâu lợi nhuận cao hơn các loài động vật hoang dã khác từ 3 đến 4 lần, mỗi năm, từ mô hình chuồng trại nuôi rắn của anh thu lãi từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm.
Một trường hợp thoát nghèo khác nhờ nghề nuôi rắn hổ trâu được đăng tải trên báo Đăk Lăk là trường hợp của gia đình chị Hoàng Thị Dung và anh Phan Đình Công ở thôn 5, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).
Trong một dịp về thăm quê ở tỉnh Hà Nam, thấy mô hình chăn nuôi rắn hổ trâu đã giúp nhiều hộ gia đình nơi đây làm giàu, anh chị quyết định thử sức với nghề nuôi rắn.
Ban đầu, anh chị chỉ nhập rắn về nuôi lấy thịt bán. Nhưng sau thấy chăn nuôi đơn giản, ít tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc, thu nhập từ rắn cao, nên chị đã tìm hiểu cách nhân giống, gây đàn và đã thành công.
Khi số lượng rắn còn ít, chị Dung phải chủ động mang đi bán cho từng quán ăn trong huyện. Đến nay, sau khi đã có “thương hiệu” trong vùng, nhiều nhà hàng đã tìm đến thu mua với giá khá cao, từ 600.000đ – 1.000.000 đ/kg. Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ một hộ nghèo của xã, giờ đây thu nhập của gia đình chị đã lên đến hơn 200 triệu đồng/năm.