Có 4 người là anh em trong dòng họ Trần, nhà sát vách, tuổi tròn 15.
Ôm cây chuối ngỡ con về
Chúng tôi về thôn Hợp Châu đúng ngày giỗ thứ 23 của 6 người thanh niên xấu số.
Trời lất phất mưa. Bà Nguyễn Thị Tấm, năm nay bước sang tuổi 70. Anh Lưu (SN 1977), người con trai duy nhất của bà, là nạn nhân vụ lật thuyền năm đó.
Các con gái đi lấy chồng, bà thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ, làm bạn với hai con mèo. Vì là năm nhuận, bà Tấm làm cơm cúng vào ngày 3/11 âm lịch.
Đúng ra phải là ngày 3/12 âm lịch. Khi chúng tôi đến, bà đang lúi húi với chiếc bếp củi, bắc nồi nước sôi để thịt gà.
Những năm 90 (thế kỷ XX), chưa ai biết nuôi ngao là gì. Tất cả đều đánh bắt tự nhiên. Cứ tính con nước lên, nước ròng mà đi.
Ai cào khỏe thì có ăn. Chồng bà Tấm mất sớm. Gánh nặng nuôi 5 miệng ăn đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ. Thóc cao gạo kém lại phải đi vay nặng lãi.
Vay 50 bơ thóc, hết vụ phải trả 100 bơ. Khi đó, anh Lưu đang học lớp 7. Nhà nghèo quá, Lưu bỏ học theo mẹ đi bắt ngao kiếm sống.
Chỉ áng chừng, một ngày hai mẹ con cào được 10 cân ngao, bán đi lấy tiền mua gạo thì ăn được hai ngày.
Bà Tấm nhớ lại, chiều hôm đó, hơn 30 con người lên chiếc thuyền hai cánh buồm ra cồn Sủ bắt ngao. Đến tối, cào ngao xong, do bãi chưa ngập nước, đàn bà, con gái kéo nhau về nhà trước.
Thanh niên trai tráng ở lại, chờ nước dâng đưa thuyền về sau. Bãi cào cách bờ khoảng 3 cây số đường chim bay. Thông thường, 2-3 giờ sáng là nước lên. 4 - 5 giờ sáng tất cả có mặt ở nhà.
Rạng sáng, không thấy ai về, cả làng Hợp Châu đổ ra cửa biển mong ngóng. Từng tốp, từng tốp chia nhau đi bộ dọc bờ biển xem có chút hy vọng gì không.
Trời mưa rét căm căm, mặt ai cũng tím tái, đôi môi thâm sì. 3 giờ chiều ngày 3/12, làng biển Hợp Châu dậy vang tiếng khóc ai oán.
Xác những thanh niên xấu số bị sóng đánh dạt vào Đầm Cum. Từng người một được đưa về trong nỗi đau của cả làng biển.
Ngay trong đêm, thi thể những người xấu số được chôn cất. Từ đó, cứ 1-2 giờ sáng, bà Tấm lại choàng tỉnh dậy, ra cửa ngồi ngóng con về.
Bà đợi mãi, đợi mãi mà chẳng thấy hình bóng người con trai. Nửa đêm, thấy lờ mờ cái gì đó ngoài bụi tre, bà chạy ra ôm chầm lấy rồi siết chặt khóc lóc.
Anh em, con cái bật dậy kéo bà vào trong nhà. Hóa ra, đó chỉ là cây chuối cụt có “đội” chiếc rổ nan. Lần khác cũng nửa đêm, thấy bóng đen lù lù trước sân nhà, bà chạy ra ôm.
Con chẳng thấy đâu, chỉ toàn những chiếc lá vàng úa rụng phủ kín đầu. Năm ngày liền, bà Tấm không ăn, không ngủ, chỉ ngồi tựa cửa ngóng con.
Mọi người sợ bà phát điên, đêm gài chặt cửa không cho bà ra ngoài nữa. Năm đó, chủ nợ thương tình chỉ thu lãi nhà bà 10 bơ thóc.
Nhà nghèo, Tết nhất chẳng có gì, bà kiếm bát cơm, quả trứng cúng con trai. Ba năm sau, bà Tấm lại ra biển cào ngao.
“Mỗi lần đi qua, nhìn chỗ con gặp nạn tôi lại không cầm nổi nước mắt”, bà Tấm nói trong nước mắt.
Vay quan tài cho con
Căn bếp nhà bà Nguyễn Thị Màu ngay sát vách cũng đang nghi ngút khói. Bà Màu, mắt đỏ hoe đang ngồi cửa bếp nhặt mớ rau cần. Nhà bà có 3 người đi cào ngao là bà, cô con gái và cậu con trai Trần Đình Dưỡng.
Hôm đó, bà Màu hơi mệt nên ở nhà. Bà nắm luôn phần cơm của mình cho Dưỡng. Dưỡng cầm nắm cơm mừng ra mặt, chạy khắp sân khoe với chị gái: “Chị ơi, hôm nay em được một nắm cơm to”.
Sáng sớm không thấy Dưỡng về. Biết có chuyện chẳng lành, ông Dương (bố Dưỡng) cùng vài người nữa thuê thuyền chạy ra biển tìm con.
Ra tới nơi thì thấy chiếc thuyền bị lật nghiêng, neo chưa kịp nhổ. Đồ đạc trên thuyền trôi sạch cũng chẳng thấy bóng dáng một ai.
Đến 5 giờ chiều, xác người cuối cùng được tìm thấy. Tay chân người nào người nấy co quắp.
Ông Dương bảo, lạnh quá nên tụi nó mới chết thôi, chứ thanh niên trai tráng bơi vài cây số ăn thua gì. Trong cuộc đời ông Dương, có lẽ đó là hôm lạnh lẽo nhất.
Đưa con về, ông Dương đốt 5-6 đống củi to cho mọi người hơ tay chân. Không kèn trống, không điện đóm, đám tang của người xấu số bao trùm bởi tiếng khóc và ánh đèn dầu măng-xông.
Gia đình ông Dương chạy đôn chạy đáo khắp làng trên xã dưới… vay quan tài. “Nhà nghèo tiền đâu mà đóng ngay, có đóng cũng chẳng kịp.
Tôi lên tận xã Nam Thắng vay tạm được một cỗ quan tài. Nhưng họ hẹn phải trả luôn trong năm”, ông Dương nhớ lại.
Trong ánh đèn như đóm đóm đực, đoàn người lầm lũi đưa Dưỡng ra đồng. Trời mưa, con đường đất ra bãi tha ma trơn như mỡ.
Người nọ chẹo chân, xô người kia ngã nghiêng cả quan tài. Ba ngày sau, vợ chồng ông Dương lại chạy vay tiền khắp nơi đi mua quan tài trả người ta. Và phải mua loại gỗ tốt hơn để trả vì họ đã giúp mình lúc khó khăn.
“Năm nào ngày này cả họ cũng có giỗ. Sang thắp cho tụi nó nén hương rồi về chứ chả ai ăn cơm của nhà ai. Sang nhìn thấy nhau là muốn khóc rồi”, ông Dương nghẹn ngào.
Nửa tháng liền, cả làng biển Hợp Châu không ai dám ra khơi. Tất cả đều bị ám ảnh. Ngồi làm cơm cúng, bà Màu gạt nước mắt bảo: “Chẳng biết con đã ăn hết nắm cơm chưa”.
Giỗ cùng ngày
Anh trai ông Dương, ông Trần Văn Mười cũng có cậu con trai duy nhất gặp nạn là Trần Văn Hoan (SN 1975).
Học hết lớp 9 thì Hoan ở nhà theo mọi người đi biển mưu sinh. Trong đám thanh niên chưa vợ trong họ, Hoan sáng dạ, nhanh nhẹn nhất.
“Tôi sinh được hai thằng con trai. Đứa em trai bị bệnh mất từ nhỏ, còn mỗi mình nó. Thế mà con trai độc nhất cũng bỏ tôi ra đi”.
Ngày hôm đó, con ngõ nhỏ nhà ông Mười, bà Tấm, ông Dương… trắng một màu khăn tang. Vợ ông Mười bị sốc nặng, ngất lên ngất xuống.
Cũng như nhà ông Dương, ông Mười phải đi vay cỗ hậu để làm ma cho con trai. Và phải đến 5 năm sau, gia đình ông Mười mới gom đủ số tiền mua cỗ hậu rồi đi trả.
Ông Mười bảo, cũng khoảng thời gian đấy, ông sống mà như chết.
Lúc nào cũng ngơ ngơ như người mất hồn. Kinh tế, tinh thần bị suy sụp. Nhà nghèo lại càng trở lên túng quẫn hơn.
Bị ám ảnh, gia đình ông từ đó bỏ luôn nghề đi biển. Hơn 20 năm nay, chưa một ngày nào ông quên ngày đen tối đó cả.
Cứ đến ngày giỗ của con trai, ông Mười lại bần thần vắt tay lên trán, chăm chăm nhìn ra cửa biển. Tiếng lách cách dao thớt từ nhà bà Hiệu vọng sang rõ mồn một.
Bên đó nay cũng làm giỗ cho anh Tuấn (SN 1972), một trong những người xấu số năm đó. Quay về nhà bà Tấm, mâm cơm cỗ đã được bày lên bàn thờ.
Một nhát cá kho, một đĩa thịt gà, bát cơm trắng, mấy cọng rau thơm. Bà Tấm chắp tay lầm rầm khấn vái. Đôi mắt đỏ hoe. Tiếng khóc của bà không bật thành tiếng mà ứ nghẹn trong cổ họng.