Núi Ðọ còn được gọi là Qui Sơn, được ngợi ca là “Linh Quy Hí Thuỷ” (Rùa thiêng uống nước) là thắng cảnh trong Bàn A thập cảnh. Núi Ðọ nằm bên hữu ngạn sông Chu, án ngữ những điểm nút, ngã ba của ba xã: Thiệu Tân, Thiệu Vân, Thiệu Khánh, ngã ba của sông Chu, sông Mã, hai con sông lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá.
Cùng với núi Bàn A (Núi Vồm - Thiệu Khánh) - Cồn Chân Tiên (Thiệu Tân) tạo ra thế chân kiềng vững chãi. Đây cũng là ngọn núi cao nhất đồng bằng phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa.
Núi Ðọ chiếm không gian không lớn trong quần thể, nhưng có cấu tạo địa chất đặc biệt mà các núi khác xung quanh không có. Một đặc điểm rất dễ nhìn thấy của đá Núi Ðọ là cứng rắn sắc cạnh hơn nhiều lần các loại đá xung quanh như đá vôi, đá lớp.
Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã phát hiện trên sườn núi những di vật cổ bằng đồ đá có niên đại hàng chục vạn năm, đánh dấu nơi này trước đây đã từng có người nguyên thủy sinh sống. Cho đến thời điểm này trên núi Đọ vẫn còn một cái giếng cổ và các dấu tích bằng đá xếp tầng của người xưa.
Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỷ được phát hiện và khai quật, di chỉ núi Đọ giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị “chảy máu cổ vật” bởi sự săn lùng của các tay buôn đồ cổ, sự thiếu ý thức của người dân và cả sự lỏng lẻo trong công tác quản lý di tích của chính quyền địa phương.
Clip: Đã có lúc, cổ vật quý giá ở núi Đọ được người dân bán với giá rẻ mạt như đồng nát sắt vụn, thậm chí 1 bao cổ vật chỉ đem đổi... 10 lít bia hơi!