Năm 2009, Bùi Thị Yến Hằng đạt thủ khoa ĐH Sư phạm với số điểm 29 điểm (Toán: 9 điểm; Lý: 10 điểm; Hóa: 9,75 điểm). Năm 2013, Yến Hằng tiếp tục trở thành thủ khoa tốt nghiệp ĐH Sư phạm với điểm tổng kết 3,84/4.
Là cô gái đến từ vùng đất hoa phượng đỏ, Yến Hằng có thành tích đáng nể và là niềm tự hào của Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Cụ thể, 12 năm đạt học sinh giỏi, tham gia cuộc thi HSG Toán và Hóa. Lớp 11, 12 Hằng đều đạt giải HSG Quốc gia môn Hóa.
Đặc biệt, lớp 12 Hằng được vào vòng 2 chọn HSG thi Olympic Quốc tế. Năm 2010, cô đạt giải Ba cấp Bộ Olympic Hóa học Sinh viên tại TP. HCM.
Bùi Thị Yến Hằng là thủ khoa đầu vào, đầu ra ĐH Sư phạm Hà Nội. Cô còn là một trong 123 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của thủ đô năm 2013. (ảnh Lạc Trung).
Không phấn đấu vì danh hiệu thủ khoa
- Chào Yến Hằng! Khi biết mình trở thành thủ khoa của trường ĐH Sư phạm, cảm giác lúc ấy của bạn như thế nào, có bất ngờ không?
Thủ khoa Yến Hằng: Trở thành thủ khoa của khoa Hóa thực sự mình cũng không quá bất ngờ, bởi trước khi bảo vệ khóa luận, mình đã biết tổng kết điểm của mình cao nhất khoa rồi.
Còn việc là thủ khoa xuất sắc của thủ đô Hà Nội đem đến cho mình rất nhiều cảm xúc: sung sướng, vinh dự và hồi hộp với những sự kiện mình sắp được trải nghiệm.
- Là thủ khoa “kép” đầu vào và đầu ra ĐH Sư phạm là không phải dễ. Vậy động lực và kinh nghiệm quý báu mà bạn “tôi luyện” trong 4 năm học đại học là gì?
Thủ khoa Yến Hằng: Thực ra mình cũng không phấn đấu, không đặt áp lực, sức ép vì danh hiệu thủ khoa lần nữa mà chỉ cố gắng học tốt, nỗ lực làm việc và học tập với kết quả tốt nhất.
Còn bí quyết học tập cũng không có gì, đơn giản là Hằng phân chia thời gian khoa học, không để khối lượng công việc quá lớn, không phải học dồn khi ôn thi. Theo mình, điều quan trọng khi học đại học chính là mỗi sinh viên nên tự học và có phương pháp hợp lý.
Thủ khoa xuất sắc Bùi Thị Yến Hằng (thứ hai từ phải sang) chia sẻ bí quyết đạt thành tích tốt trong học tập.
- Tôi thấy Hằng còn tham gia hoạt động đoàn, hiến máu nữa…
Thủ khoa Yến Hằng: Ngoài việc học, mình cũng có tham gia hoạt động Đoàn ở khoa, trường và các hoạt động thường niên như nghiệp vụ sư phạm, kỉ niệm thành lập khoa, trường…
Mình cũng đã từng hiến máu nhân đạo 4 lần. Mình hy vọng, chút sức nhỏ của mình sẽ giúp đỡ được nhiều người khác.
- Ngành sư phạm được nhiều người coi là “nghèo” và không còn là sự lựa chọn của nhiều người nữa, bạn nghĩ sao?
Thủ khoa Yến Hằng: Theo mình có nhiều yếu tố. Yếu tố chủ quan có thể do sở thích, tính cách mỗi người, không phải ai cũng thích hợp với nghề giáo viên (đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận, tỉ mỉ…). Nhiều bạn thích phiêu lưu, mạo hiểm có thể chọn ngành kinh tế. Còn yếu tố khách quan là do xu thế thi vào trường có điểm đầu vào “top”, ngành ‘hot’ như ngân hàng, kinh tế…
Bản thân mình, ngay từ khi học cấp 2, mình đã có niềm yêu thích với môn Hóa. Mình mong ước khi lớn lên sẽ tiếp tục được nghiên cứu khoa học vì môn Hóa thật kỳ diệu và rộng lớn. Và mình đã chọn ĐH Sư phạm để thực hiện ước mơ đó.
- Bố mẹ ủng hộ quyết định của bạn chứ?
Thủ khoa Yến Hằng: Bố mình là công an, mẹ là bác sỹ, còn anh trai mình là dược sỹ. Chính bố mẹ, anh trai là điểm tựa vững chắc cho mình khi mình học xa nhà. Mọi quyết định và sự lựa chọn của mình luôn nhận được sự ủng hộ, động viên và tin tưởng của gia đình. Đó là điều quý giá mà mình có được.
Mong muốn trở thành giảng viên đại học
- Dự định trong thời gian sắp tới của bạn là gì?
Thủ khoa Yến Hằng: Sau khi tốt nghiệp, mình mong muốn được trở thành giảng viên đại học và theo đuổi con đường nghiên cứu, vì vậy mình sẽ tiếp tục học lên cao để nâng cao kiến thức. Bởi, muốn là giảng viên giỏi, mình cần có một nền tảng kiến thức tốt để có thể tự tin đứng trên giảng đường.
Tuy nhiên nếu là giảng viên thì mình sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi cho thủ khoa xuất sắc.
Cô nàng thủ khoa kép Yến Hằng (ngoài cùng phải) vinh dự, tự hào khi được tham gia các sự kiện tôn vinh thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của thủ đô vừa qua.
- Theo khảo sát, trong số 1000 thủ khoa tốt nghiệp đại học thì chỉ có hơn 100 người chọn làm việc nhà nước. Các thủ khoa lo ngại điều gì khi băn khoăn lựa chọn nhà nước và làm ngoài?
Thủ khoa Yến Hằng: Bản thân mình mong muốn làm trong cơ quan nhà nước do tính chất ngành nghề. Tuy nhiên, mình nghĩ các bạn theo học các ngành kinh tế có thể e ngại không biết mình có được làm đúng ngành, đúng nghề, đúng năng lực của mình không khi vào làm cơ quan nhà nước? Sau khi nhận công tác, môi trường làm việc, lương bổng, cơ hội thăng tiến như thế nào…Có thể đó là lý do nhiều bạn băn khoăn.
- Nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp vẫn đang thất nghiệp. Là thủ khoa, bạn chắc không lo lắng gì về vấn đề việc làm chứ?
Thủ khoa Yến Hằng: Tất nhiên là có. Tuy nhiên mình tin rằng, với năng lực và sự nỗ lực của bản thân, mình sẽ có được một công việc phù hợp và xứng đáng.
Mặc dù vậy, không phải vì thế mà mình tự cao tự đại và kiêu ngạo với những thành tích đó. Nó còn rất nhỏ bé so với rất nhiều tấm gương khác. Bản thân mình tự ý thức cần phải cố gắng hơn nữa để tiếp tục hoàn thành tốt những công việc và kế hoạch sắp tới.
Cảm ơn Yến Hằng! Chúc cho Hằng sớm thực hiện được những dự định của mình!