Tới trường Cao đẳng sư phạm Trung ương vào những ngày nghỉ hè, tuy Lê Thị M. không phải là sinh viên hệ chính quy của trường nhưng từ sinh viên khiếm thính tới cán bộ phòng Công tác sinh viên... đều đã biết được câu chuyện khiến xã hội phẫn nộ, người thân đau lòng của cô gái sinh năm 1994 ấy qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngày 1/8, người dân xóm Thống Nhất, thôn Đặng Giang, Hòa Phú, Ứng Hòa, Hà Nội không khỏi bàng hoàng khi phát hiện xác một trẻ sơ sinh được bọc trong túi nilông ở ao cá. Mẹ bé gái sơ sinh tên là Lê Thị M, sinh năm 1994. M. chưa lấy chồng nhưng có thai ngoài ý muốn, vì không muốn bị hàng xóm dị nghị nên đã nhẫn tâm ném con xuống ao ngay sau nhà khi vừa mới sinh. Do M. sinh trong đêm và không muốn cho ai biết nên gia đình không hay biết việc M. làm.
Mặc dù đi công tác ba ngày nay ở Hưng Yên nhưng những thông tin báo chí, những cuộc điện thoại của học sinh gọi tới để chia sẻ về câu chuyện của M. khiến thầy Nguyễn Đình Lâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12GDKHA1 (hệ Trung cấp mầm non đào tạo theo yêu cầu của Hội Giáo dục khuyến học Việt Nam), nơi M. đang theo học luôn thấy bứt rứt trong lòng.
Gắn bó với lớp được một năm, dù chưa thực sự hiểu hết về từng học sinh của mình nhưng câu chuyện của M. khiến thầy Lâm thấy buồn, bức xúc và hơn hết là sự đáng tiếc.
Những ngày này, không khí trong lớp học do thầy Lâm chủ nhiệm khá xôn xao, rùng mình và bao trùm là sự buồn bã bởi lẽ nhiều người chưa chấp nhận sự thật: bạn của mình lại có hành động dã man như thế.
Ngay bản thân thầy Lâm cũng chưa bao giờ nghĩ, việc làm phi nhân văn ấy lại rơi vào học sinh lớp mình, một giáo viên tương lai cũng sẽ nâng niu trên tay, ẵm bồng chăm sóc những đứa trẻ.
“Trong mỗi bài giảng của mình, chúng tôi luôn nhắc học sinh về bài học đạo đức làm người. Thế nhưng, vứt bỏ một thai nhi khi nó vừa cất tiếng khóc chào đời, đó là một hành động rất dã man, không có tính nhân văn. Hành động ấy bản thân tôi cũng như toàn xã hội không thể chấp nhận được”, trong phút giây nghẹn ngào khi nhắc tới hành động vứt con xuống ao của M., thầy Lâm tâm sự.
Theo thông tin chia sẻ của thầy Lâm, M. không năng nổ tham gia các phong trào của lớp, của trường. Nhưng M. sống hòa nhã, khiêm tốn và đi học đầy đủ. M. khá kín kẽ trong chuyện riêng tư. Vì vậy, mọi việc chỉ thực sự gây ồn ào khi tin M. vứt con xuống ao bị dư luận lên án.
“Chúng tôi sẽ lập hội đồng kỉ luật với trường hợp của M. Và M. có thể sẽ bị đuổi học”, thầy Lâm khẳng định.
Câu chuyện của M. vẫn còn đó như bài học sâu sắc về tính nhân văn trong môi trường sư phạm nói riêng và toàn xã hội nói chung. “Đó là sự thiếu sót của cả gia đình và nhà trường. Qua đây, chúng tôi cũng sẽ phải có những biện pháp giáo dục học sinh của mình không chỉ về chuyên môn mà còn cả về nhân cách sống. Đồng thời, nhà trường cũng phải đẩy mạnh sự tương tác thường xuyên giữa gia đình và nhà trường để không còn những câu chuyện đáng tiếc xảy ra như câu chuyện của học sinh Lê Thị M.”, thầy Lâm cho biết.
Trách nhiều đấy nhưng thầy Lâm vẫn hi vọng xã hội sẽ cho người mẹ trẻ ấy một con “đường về” để em có cơ hội chuộc lại những lỗi lầm mình đã gây ra. Vì điều kiện công tác nhưng thầy Lâm vẫn đau đáu ngày về thăm gia đình M. “Giáo viên, bạn bè của M. thực sự đau nhưng bố, mẹ M. mới là người phải chịu nhiều cú sốc và điều tiếng nhất”, thầy Lâm chia sẻ thêm.
Biết được lớp học của M., gặp được giáo viên chủ nhiệm của M., nhưng phía sau đó lại là câu chuyện tìm kiếm khá vất vả của cán bộ phòng Công tác sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Bởi lẽ, như khẳng định của thầy Hoàng Kim Nam – Trưởng phòng Công tác sinh viên thì M. không phải sinh viên hệ chính quy, cũng không thuộc diện nội trú.
“Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên báo chí, chúng tôi cũng cho rà soát lại hồ sơ của hệ trung cấp, liên kết đào tạo để có những thông tin chính xác nhất cung cấp cho báo chí. Nhưng giữa khoảng 13.600 hồ sơ với gần 100 cơ sở đào tạo trên toàn quốc thì công cuộc “tìm kiếm” thực sự vất vả”, thầy Nam chia sẻ.