Biết là câu chuyện nhảm quanh chén trà nhưng những gì người phụ nữ tự nhận là rất thân thiết với người mẹ quá cố của anh Nguyễn Khắc Trung (SN 1961, trú tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) nói vẫn khiến chúng tôi rờn rợn, càng thêm xót thương cho cái chết thảm thương của người đàn ông chọn đúng ngày 8.3 để tự vẫn.
Cái chết bất ngờ
Khoảng 18 giờ ngày 8/3, anh Nguyễn Văn Nhân (trú tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội) vừa trở về nhà sau một ngày mệt mỏi thì nhận được điện thoại của anh Nguyễn Khắc Trung (SN 1961, người cùng thôn) nói rằng muốn nhờ anh chở lên xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) để đòi nợ.
Vốn sinh sống bằng nghề chở gạo và xe ôm, anh Nhân mặc lại quần áo và ra quán nước đầu thôn để đón khách. “Chúng tôi không lạ gì nhau, thi thoảng cũng gặp và cùng nhau ngồi tán gẫu ở quán nước đó”, anh Nhân nhớ lại.
Đến nơi, người xe ôm đã thấy anh Trung ngồi chờ sẵn, dáng vẻ từ tốn, ăn mặc chỉn chu. Anh Trung nói muốn đi taxi nhưng gọi mãi không được nên đành đi xe ôm. Anh đi đòi số tiền 2,5 triệu đồng từ một người bà con trú tại xã Đông Ngạc, nợ nần do đề đóm.
Suốt quá trình đi đường, anh Trung không nói nhiều, thái độ vẫn hết sức bình thản, không hề có dấu hiệu buồn chán.
Khoảng 20 phút sau, đến ngã tư rẽ vào xã Đông Ngạc nhưng anh Trung không vào mà yêu cầu anh Nhân tiếp tục đi thẳng về hướng cầu Thăng Long. Lên giữa cầu, anh Trung vỗ vai người lái xe yêu cầu dừng lại, lấy cớ cần gọi điện thoại cho đỡ bị ồn.
Sau khi lấy điện thoại gọi cho ai đó khoảng vài phút, anh Trung dúi cả điện thoại lẫn 200.000 đồng vào tay anh Nhân.
Số tiền 200.000 đồng anh Trung nói để trả công, còn điện thoại thì nhờ anh Nhân mang về cho gia đình.
Trong khi anh Nhân còn đang bất ngờ chưa hiểu chuyện gì thì anh Trung vội chạy đến thành cầu, đu lên lan can rồi nhảy luôn xuống dòng nước đang chảy xiết.
“Lúc ấy tôi bất ngờ á khẩu luôn. Vài giây sau định thần lại, tôi chạy vội ra ngó thì anh ấy đã trôi đi đâu mất. Tôi vội cầu cứu người đi đường và lấy điện thoại gọi về thông báo cho gia đình và bạn bè của anh Trung”.
Ngay khi nhận được tin báo, gia đình và người thân của nạn nhân đã đến hiện trường. Sau gần 4 giờ đồng hồ quần thảo với hàng chục chiếc ca nô của lực lượng chức năng, đến khoảng 23 giờ 30 cùng ngày, thi thể nạn nhân đã được tìm thấy ở vị trí cách chân cầu khoảng 1,5km.
Những uẩn khúc chưa có lời giải đáp
Vì thời điểm anh Trung tự vẫn khá nhạy cảm, đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 nên ngoài nỗi xót thương cho người đàn ông hiền lành, thật thà, dư luận địa phương đã dấy lên không ít đồn đoán.
Đa phần cho rằng người đàn ông xấu số tự vẫn vì những mâu thuẫn trước đó với vợ là chị Dương Thị Hoài. “Chị Hoài kém chồng gần chục tuổi, xinh xắn, mặn mà nên nhiều người cho rằng anh Trung ghen vợ” - một người hàng xóm cho biết.
Xác minh tại địa phương cũng cho hay, tối 8/3 tại làng nơi gia đình anh Trung sinh sống có tổ chức lễ hội, tri ân công lao trời bể của các nữ anh hùng dân tộc.
Nhân chuyện đó, lớp học cũ của chị Hoài tổ chức chương trình kỷ niệm. Chị Hoài đã rất háo hức để được gặp lại những người bạn cũ.
Tuy nhiên đến phút chót, không hiểu vì lý do gì mà anh Trung trở nên bực dọc, một mực ngăn cấm vợ mình đi dự liên hoan và thậm chí nặng lời với vợ.
Con trai anh Trung (hiện đã có vợ con, đang ở chung với bố mẹ) lên tiếng bênh vực thì cũng bị anh Trung quát mắng. Sau đó, người chồng bực tức bỏ ra khỏi nhà.
Hơn một tiếng sau, con dâu cả của anh Trung nhận được điện thoại của bố, dặn dò ở lại trông nom chăm sóc gia đình. Chưa kịp hỏi lại thì đầu dây bên kia đã dập máy. Vài phút sau, gia đình nhận được điện thoại của anh Nhân báo hung tin.
Anh Lê Văn Tuân (SN 1969) là bạn thân của anh Trung, đã có 11 năm cùng hành nghề xe ôm, cho biết anh Trung để lại một bức thư tuyệt mệnh trong túi áo.
“Đó là một mảnh giấy được gói ghém rất kỹ, bọc ni-lông để tránh nước vào. Trong đó anh Trung nói rằng mình bị tiểu đường nên chán sống, muốn chết”.
Anh Tuân khẳng định, chuyện gia đình của anh Trung không hề như dư luận đồn đại. Vợ chồng anh Trung đẹp đôi, con trai, con gái đủ cả, hiện đã lên chức ông nội.
Anh Trung hành nghề xe ôm, chị Hoài làm nghề buôn bán ở chợ, kinh tế không giàu có nhưng cũng sung túc. Hai vợ chồng chưa bao giờ đánh cãi nhau.
“Đúng là có chuyện chị Hoài xin đi chơi 8/3 và bị anh Trung mắng nhưng tôi nghĩ đó không phải là nguyên nhân chính. Cả tôi và gia đình anh ấy đều thực sự không hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của anh là gì.
Nếu có chăng là tự ti về căn bệnh tiểu đường anh ấy mắc phải từ nhiều năm nay. Nhiều người nói rằng bệnh tiểu đường sẽ làm khả năng đàn ông của bệnh nhân giảm sút rõ rệt và gây ra những mặc cảm”, anh Tuân nói.
Cũng giống như anh Tuân, nhiều người dân địa phương cũng nghiêng về giả thiết anh Trung vì quá buồn chán về bệnh tật mà tìm đến cái chết.
Tuy nhiên chúng tôi cũng được bà cụ Ngà (80 tuổi, bán nước ở đầu ngõ vào nhà anh Trung) kể một “dị bản” khác sặc màu mê tín dị đoan.
Cụ Ngà bảo: “Anh Trung bị "vong" mẹ dẫn theo”. Biết chỉ là câu chuyện nhảm của một bà lão tuổi gần đất xa trời, nhưng cũng khiến chúng tôi chờn chợn.
Theo đó, bà cụ Ngà là bạn thân của bà cụ Mân, mẹ đẻ của anh Trung. Cách đây khoảng 30 năm, do ghen tuông với chồng, bà cụ Mân đã nhảy giếng tự tử song được dân làng cứu kịp thời.
Sau đó không lâu, người ta tìm thấy xác bà cụ Mân treo cổ lên xà nhà, mặc nguyên bộ quần áo nâu của nhà chùa, cổ đeo tràng hạt. Bà Ngà giải thích, "nhà anh ấy có máu ghen di truyền, mẹ treo cổ thì ắt con phải trầm mình, đó là cái nghiệp".
(Tên nạn nhân và người thân đã được thay đổi)