Nỗi niềm người gieo chữ ở "nóc nhà" Đông Dương

Những thầy cô giáo dưới xuôi lên nơi “nóc nhà” này gieo chữ là một sự hy sinh đáng trân trọng...

Phước Lộc (huyện Phước Sơn) là xã cao nhất, xa nhất của tỉnh Quảng Nam, nằm bên đỉnh núi Ngọc Linh. Ở nơi đây, cuộc sống còn gặp muôn vàn khó khăn bởi đường sá xa xôi, hiểm trở, chưa có điện, thiếu thốn trăm bề... Đặc biệt, với những thầy cô giáo dưới xuôi lên nơi “nóc nhà” này gieo chữ là một sự hy sinh đáng trân trọng.

Thầy Hoàng Công Giáp năm nay đã bước qua tuổi bốn mươi. Nhà thầy ở xã Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Học ra trường, thầy giáo trẻ ngày nào được phân lên Quế Lộc công tác, dạy tiểu học. Gần 20 năm gắn bó với vùng đất khó nghèo này, thầy gắn bao nhiêu kỷ niệm, nhiều nỗi niềm mà ít ai có được.

Những năm 1995-1996, thầy Giáp lên Phước Lộc phải mất hơn 3 ngày đường. Từ nhà đi xe lên thị trấn Khâm Đức mất một ngày. Từ Khâm Đức đi bộ lên Phước Lộc mất hai ngày leo dốc, bò lên “nóc nhà” Đông Dương. Thời bấy giờ, đường sá lên Phước Lộc chỉ toàn đồi đá nhấp nhô, chỉ có con đường mòn nhỏ nằm chênh vênh bên những đỉnh núi cao chót vót, phía dưới là khe suối sâu hun hút. Nếu đi không cẩn thận, trượt chân thì bị rơi xuống vực sâu...

Thời bấy giờ, trường học chỉ lèo tèo vài ba căn nhà gỗ vách đất, tâm trạng phụ huynh, học sinh ai cũng “ngán” đến trường nên học sinh thưa thớt lắm. Để vận động học sinh đến lớp là cả kỳ công của thầy cô giáo lẫn chính quyền địa phương. Với nhiều giáo viên khác, cứ lên theo nghĩa vụ, vài ba năm lại về xuôi, hoặc phân trường nào gần thị trấn Khâm Đức. Thầy Giáp cũng nhiều lần định về, nhưng dường như duyên phận, mỗi lần định đi thì thầy không đành. Dạy xa nhà, công việc gia đình, con cái đều một tay vợ gánh vác. Vợ thầy Giáp cũng là cô giáo dạy ở dưới xuôi, gần nhà.

Cô Nguyễn Thị Na, mới ra trường, tình nguyện xin về Phước Lộc dạy, mới đó mà gần 3 năm. Quê cô ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Là con gái mới lớn, trước đây được ba mẹ cưng chiều nên từ ngày lên “nóc nhà” Đông Dương này công tác, nhiều nỗi niềm lắm. Nhưng giờ cũng đã quen, vơi dần, thấy yêu trường, yêu lớp, yêu các em hơn. Hỏi chuyện yêu đương, cô Na chỉ biết cười đỏ mặt: “Một năm về quê được vài lần, chỉ quấn quýt bên gia đình, có gặp mấy ai đâu, hơn nữa nhiều người thấy em ở xa, chờ đợi lâu nên họ cũng “xách dép” chạy rồi”.

Thầy Nguyễn Việt Ấn (quê Quế Sơn, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở Phước Lộc) được xem là một trong những hiệu trưởng gắn với vùng cao lâu nhất ở Phước Sơn và cả Quảng Nam này. Trước đây, thầy Ấn làm hiệu trưởng 18 năm ở Trường dân tộc bán trú ở xã Phước Thành, xã nằm cạnh xã Phước Lộc. Hơn một năm nay, thầy chuyển về Phước Lộc công tác. Còn gần 2 năm nữa về hưu, thầy Ấn nói rằng sẽ gắn bó với vùng đất này luôn.

Cô giáo Tòng Thị Minh chui túi nilon qua suối bao nhiêu lần? Cô giáo Tòng Thị Minh chui túi nilon qua suối bao nhiêu lần?

Khi chúng tôi hỏi, sau lần đó, cô giáo có qua suối bằng túi nilon nữa không? Cô Minh cười: “Em đi 15 lần rồi anh ơi. Lần thứ nhất, thứ 2 còn sợ, nhưng giờ em thấy bình thường".

Hiện trường có 126 học sinh tiểu học, 71 học sinh trung học và có thêm 30/45 em học sinh mẫu giáo ở lại trường. Trong khi đó, trường chỉ có 16 giáo viên và 3 cô cấp dưỡng. Theo thầy Ấn, trong điều kiện không có điện, một điều hết sức nan giải khi lo cho hàng trăm học sinh khiến thầy trò cũng lao đao. Chúng tôi đi thăm khu nội trú, nơi có hàng trăm học sinh ở lại, nhưng việc không có điện càng thấy không gian tối tăm hơn, sinh hoạt của các em cũng rất bất tiện. Tối đến, toàn bộ dùng đèn pin, đèn cầy, giữa núi rừng tăm tối.

Không chỉ khó khăn về điện, nước cũng là một vấn đề nan giải ở trường này. Nước dùng bằng đường ống dẫn về từ các khe suối và trữ nước mưa nên ngày nào cũng thiếu bởi một lúc dùng cho hàng trăm em không phải là điều đơn giản. Việc ăn uống của các em cũng khó bởi thời tiết ở đây hầu như ngày nào cũng có mưa nên “chợ di động” nhiều lúc không đến nơi. Những lúc đó thầy trò chỉ biết ăn măng rừng với cá khô, nhất là mùa lũ lụt thì đường sá sạt lở, chia cắt có khi vài tuần liền.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại