"Nói máy bức xạ từ lừa dối là phá đám, chọc gậy bánh xe"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - TS Bằng cho rằng, việc nói máy bức xạ từ không có khả năng tìm kiếm hài cốt là hoàn toàn sai lầm, không hiểu bản chất của hài cốt, nguyên lý hoạt động của máy...

  Xem toàn bộ vụ TRỌNG ÁN THẨM MỸ VIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI, VỨT XÁC xuống sông Hồng

Thời gian gần đây, việc tìm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền dựa hoàn toàn vào các nhà khoa học. Tiến sĩ  Vũ Văn Bằng, thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sử dụng máy đo bức xạ từ (BXT) trong việc tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền. Thế nhưng, ông lại nhận được lời chỉ trích, đó chỉ là "những lời quảng cáo dối trá trắng trợn".

Không những vậy, ý kiến này cho rằng, máy bức xạ nhiệt mà TS Bằng sử dụng được chế tạo bởi anh hùng lao động Nguyễn Tử Ánh và kỹ sư Nguyễn Văn Hào thuộc Liên đoàn Địa vật lý..

"Máy không hoạt động nên không có nguyên lý. Máy quay hay không là do nghệ thuật lắc cổ tay", lời người phản bác về chiếc máy của TS Bằng.  Đồng thời ý kiến này cũng nhấn mạnh, máy đo từ (magnetometer) hiện nay trên thế giới có nhiều kiểu, nhiều chủng loại và thực tế cũng chưa có máy nào tìm được xác chết...

TS Vũ Văn Bằng trong một buổi tham gia tìm kiếm thi thể chị Huyền trên sông Hồng.
TS Vũ Văn Bằng trong một buổi tham gia tìm kiếm thi thể chị Huyền trên sông Hồng.

Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Văn Bằng, Phó viện trưởng Viện công nghệ nước và môi trường (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe cho rằng, những ý kiến trên là hoàn toàn sai lầm, không hiểu bản chất của hài cốt.

"Những ý kiến đó hoàn toàn sai lầm, không hiểu về bản chất đối tượng mà ta đang tìm kiếm là hài cốt, cũng như nguyên lý hoạt động của máy bức xạ địa từ thứ cấp.

Đối với hài cốt luôn bức xạ ra một trường từ và không phải là một trường từ yếu mà nó rất mạnh, gấp hơn 1.000 lần trường từ của người sống.

Còn nói là sóng thì hoàn toàn không hiểu và rõ ràng có sự bịa đặt, tưởng tượng. Đối với khoa học, việc chưa biết, chưa nghiên cứu kỹ mà đã nói thì không phải là làm khoa học", TS Bằng nói.

Các thế hệ máy bức xạ từ của TS Bằng.
Các thế hệ máy bức xạ từ của TS Bằng.

Nguyên lý hoạt động của chiếc máy bức xạ từ, TS Bằng cho hay: "Máy hoạt động theo nguyên lý thứ nhất là tương tác điện - từ, thứ hai là tương tác từ - từ và ngoài ra còn là tương tác cảm ứng từ. Khi tìm kiếm, máy chịu sự tác động của một lực từ phát ra từ hài cốt làm cho máy quay.

Còn nói do cổ tay làm máy quay là hoàn toàn sai. Khi làm bất cứ việc gì thì đều dùng đến tay và tôi cầm máy, dùng tay bật công tắc, điều khiển là bình thường nhưng ăng - ten quay thì phải do tác động của lực từ chứ không phải muốn làm thế nào cũng được...".

Đồng thời, TS Bằng cũng chia sẻ: "Quá trình cải tiến, tôi có hợp đồng thuê hai ông Nguyễn Tử Ánh và Nguyễn Văn Hào thuộc xí nghiệp ĐVL lắp ráp cho tôi bộ phận điện tử của máy. Với bộ phận này, nếu tôi không thuê hai ông đó thì có thể thuê chỗ khác.

Ở đây, hai ông nhận là "cha đẻ" của chiếc máy vậy mà khi được hỏi về nguyên lý hoạt động của máy thì kỹ sư Hào trả lời: "Không có nguyên lý nào cả. Nó có hoạt động đâu mà nguyên lý. Máy quay hay không là do nghệ thuật lắc cổ tay. Điều này tôi học được ở ông Bằng".

Anh đẻ ra máy mà không biết nó hoạt động theo nguyên lý nào cũng như không điều khiển được máy và phải học ông Bằng thì có phải là dấu đầu hở đuôi không (?)".

TS Bằng đang giới thiệu về các thế hệ máy bức xạ từ được ông nghiên cứu, cải tiến, cho ra đời từ năm 2005 đến nay.

TS Bằng đang giới thiệu về các thế hệ máy bức xạ từ được ông nghiên cứu, cải tiến, cho ra đời từ năm 2005 đến nay.

Bên cạnh đó, theo TS Bằng, trong thời gian qua, với chiếc máy địa bức xạ từ thứ cấp, ông đã giúp tìm kiếm hài cốt ở nhiều địa phương trên cả nước và theo một thống kê chưa đầy đủ đã có gần 3.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở trong nước cũng như ở Lào, Campuchia cũng đã được chiếc máy tìm thấy.

"Với chiếc máy này tôi đã giúp đỡ tìm kiếm chiếc xe khách bị trôi trên sông Lam qua địa phận huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), khiến 20 người thiệt mạng vào năm 2010 hay như vụ tìm kiếm các thi thể của nạn nhân xấu số tại vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) vào năm 2011...

Các việc này đều đã được các cơ quan chức năng của xác nhận và qua đây, tôi cũng xin mời các vị còn chưa hiểu về chiếc máy BXT đến tham dự hội thảo khoa học về thuyết và công nghệ bức xạ từ thứ cấp sắp tới do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào dịp đầu năm tới.

Việc trao đổi chi tiết và cụ thể vấn đề này ở đây không đúng chỗ. Do các vị ấy không hiểu bức xạ từ thứ cấp là gì và không hiểu nguyên lý hoạt động của máy BXT13 nên quan điểm của tôi, không tranh luận với những người không hiểu biết. Tốt xấu, đúng sai phải trái …thực tế sẽ trả lời thay và đặc biệt xã hội sẽ phân xử.

Trong vụ việc Cát Tường, xét về mặt lương tâm, đạo lý, nhân văn và xã hội, nếu quả thực cái máy của tôi nói là “không có tác dụng, ngay đến cả thế giới cũng chưa có máy tìm xác chết…” thì cũng không nên đưa ra vào thời điểm này.

Vì lúc này đối với cơ quan chức năng, gia đình nạn nhân kể cả toàn xã hội đang mong muốn tìm được xác nạn nhân Huyền. Nếu ai có khẳ năng làm được điều đó thì phải huy động và động viên họ vào cuộc dù chỉ là phần trăm hay phần ngàn tia hy vọng.

Ngược lại, các vị ấy lại đưa ra cái nhìn hết sức thiếu văn hóa và không tri thức. Trường hợp này đúng như ông cha ta xưa nói đó là hiện tượng phá đám, chọc gậy bánh xe hay ghen ăn tức ở...", TS Bằng nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại