10h đêm, những hạt mưa phùn vẫn không ngừng rơi giữa đêm đông lạnh, bà Nguyễn Thị Gái (phòng 208, C3, khu tập thể Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) trở về bên bếp ngô đang đỏ lửa bởi bàn tay quạt than đều của đứa con trai bị thiểu năng trí tuệ. Dựng vội chiếc xe đạp với lỉnh kỉnh những chai, lọ bà vừa lượm được ngoài đường, bà Gái vồn vã hỏi con: "Hôm nay bán được nhiều không?".
Nguyễn Trung Đức (SN 1993, con trai bà Gái) buồn bã trả lời mẹ: "Được có 5 cái thôi ạ!".
Rồi hai mẹ con nhìn nhau thở dài. Đôi mắt bà Gái lại trĩu nặng hai chữ “mưu sinh”. Bà Gái hơ đôi bàn tay sần sùi lên bếp than đang cháy hồng.
Không ít lần tôi đã được chứng kiến những tiếng thở dài của hai mẹ con họ trút vào màn đêm. Bởi lẽ, tiếng là sống trong ngôi nhà tập thể giữa lòng Thủ đô nhưng ở cái tuổi ngoài 60, lại sống trong cơ thể “tật nguyền”, bà Gái vẫn phải bươn trải hết từ nghề này sang nghề khác từ thồ hàng thuê, chuyển đồ, dọn nhà, rửa bát hay thậm chí nhặt đồng nát… để kiếm về ngày dăm ba chục nuôi đứa con đã ngoài 20 tuổi nhưng trí não vẫn chỉ như đứa trẻ lên 10. Bữa cơm của họ chỉ có rau và vài ba miếng đậu, thỉnh thoảng là cải thiện bữa thịt cho đứa con trai.
Hai đời chồng với một đứa con trai bị thiểu năng trí tuệ nhưng hiện tại bà Gái vẫn lẻ bước trên con đường mưu sinh. Gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai bà, đè lên chiếc lưng còng…
Trong căn phòng 17m2 ở khu Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, hai mẹ con “người lai” ở luôn “ngập” trong đủ mọi phế liệu từ chai, lọ cho tới sách vở, giấy báo, quần áo... Từ sàn nhà cho tới gầm tủ, trần nhà hay hành lang ban công, nhà vệ sinh cũng trở thành “kho” chứa đồ của bà Gái. “Bà ấy tích cóp các phế liệu ấy lại rồi bán đi để dành sau lo vợ cho thằng Đức đấy”, ông Thanh, người cùng ở khu tập thể C3 (Thành Công) kể.
Bà Gái thường ngồi bán ngô nướng suốt đêm. 6h sáng, bà về nhà, không kịp thay đồ, nằm chợp mắt ngay dưới sàn nhà để đợi 8h sáng lại tiếp tục hành trình mưu sinh của mình. Khi chúng tôi tới, bà chỉ kịp mở mắt chào rồi lại thiếp đi. Chiếc lưng gù của bà tựa vào thành giường, phía trên, đứa con trai vẫn đang ngủ ngoan.
“Còn sức khỏe thì còn có thể lay lắt sống qua ngày được. Trời mà bắt tội đau ốm hai mẹ con chỉ biết ôm nhau chết. Khi còn sức khỏe thì có nhiều người thuê làm. Hai năm trở lại đây người yếu đi, lưng càng ngày càng gù xuống khiến việc đi lại và làm việc khó khăn nên ít người gọi đi làm. Thu nhập một ngày của tôi được khoảng 50 - 70 nghìn đồng từ tất cả các công việc. Nhiều hôm đi đường, tôi được người hảo tâm cho tiền. Người cho 20 nghìn đồng, người cho 10 nghìn đồng, tôi rất biết ơn”, bà Gái tâm sự.
Nén tiếng thở dài, bà Gái nói: “Mấy hôm chính quyền địa phương và tổ dân phố cũng tới nhắc nhở việc chất đồ dễ trong nhà dễ gây cháy, yêu cầu hai mẹ con phải bán đi. Nhưng mấy hôm trời mưa gió, rét mướt, chân đau trở lại nên tôi chưa có thời gian. Hơn nữa, thời gian này giá thu mua phế liệu thấp lắm, có bán cũng chẳng được bao nhiêu. Họ hàng cũng nghèo lắm nên không giúp được gì. Lạy trời, nhà không có tiền thì đừng đau ốm".
Đức ngồi bên cạnh thêm vào câu chuyện: “Con cũng không hiểu sao mấy hôm nay trời gần sáng là bị chuột rút, đau, những lúc ấy con kêu loạn lên”.
Có lẽ, ở cái tuổi này, chẳng ai muốn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cả đêm, cả ngày. Có lúc đêm hôm, xe lại hỏng, đường thì xa, nhưng trong nhà lại không có người đàn ông trụ cột, bà Gái nghĩ càng tủi cho thân phận của mình. Nhưng nghĩ về đứa con “dại”, nghĩ về cuộc sống sau này chỉ có mình Đức, bà lại cố vượt qua để kiếm tiền tích cóp trang trải cho cuộc sống.
"Tôi chỉ mong cháu Đức có thể xin được 1 việc gì đó để làm kiếm sống. Cháu bị vấn đề về tí não, không phát triển như thân thể. Người to lớn thế nhưng cháu như đứa trẻ con thôi. Khôn biết khi tôi chết, nó sống thế nào", bà Gái rơm rớm nước mắt.
Thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con bà Gái, người dân trong khu tập thể tạo điều kiện cho bà làm công việc quét dọn cầu thang để hàng tháng có thêm tiền đong gạo. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà, tổ trưởng tổ dân phố nơi bà Gái sinh sống cho biết: “Gia đình bà Gái cũng thuộc diện hộ nghèo của phường. Thấy hoàn cảnh của bà Gái khổ quá, chúng tôi đã đề xuất với các hộ gia đình để bà ấy được phụ trách công việc dọn vệ sinh cho khu tập thể. Mỗi tháng thu nhập được 200 nghìn đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đủ để hai mẹ con trang trải lọ mắm, lọ muối thêm cho bữa cơm”.
Một thân hình gầy gò, lưng còng; một người dáng cao to nhưng tâm hồn và suy nghĩ vẫn chỉ như đứa trẻ lên 10, bóng của họ đổ vào màn đêm tĩnh mịch với biết bao lo toan, bộn bề. Họ vẫn cười nhưng nụ cười chất chứa nhiều suy tư, lo lắng. Và họ cũng mong, mong lắm sự giúp đỡ của xã hội cho số phận của mình để bà có thể cho con có được một công việc, không phải dầm mình trong đêm nữa.