Nơi đặt tên con gái đặc biệt nhất Hà Nội

Mai Lâm (Tổng hợp) |

Có câu “Phép vua thua lệ làng”, ở một số xã như Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai), Hà Nội con gái không mang họ cha như thông lệ, mà lấy tên đệm của cha làm họ cho mình…

Với những người dân ở các địa phương này, ai cũng cho rằng họ của mình là chữ ở giữa (tên đệm) chứ không phải chữ đầu tiên (tên họ). Báo Đất Việt dẫn lời ông Lê Văn Tân – trưởng một thôn ở xã Cộng Hòa: “Lê đứng đầu nhưng theo cách nghĩ của người dân ở đây thì Văn mới là họ, còn Lê chỉ là đệm. Chính vì thế khi lấy họ cho con gái là Văn thì cũng chẳng có gì sai” (?).

Trên tờ Sức khỏe đời sống, ông đồ Nghiêm Quốc Đạt lại dẫn chứng: “Ví dụ, một ông có tên Nguyễn Đăng Vĩ, con trai ông ta vẫn lấy Nguyễn Đăng Huy, Nguyễn Đăng Ngọc tùy ý. Nhưng là con gái, lại phải lấy thành Đăng Thị Hạnh chẳng hạn”.

Bao giờ các bé gái ở xã Sơn Đồng được mang họ cha? (Ảnh: Sức khỏe đời sống)

Việc vận động các bậc cha mẹ đặt tên con gái theo họ cha ở các xã Sơn Đồng hay Cộng Hòa là cả một vấn đề (Ảnh: Sức khỏe đời sống)

Ở những xã kể trên, người ta không khó để bắt gặp những người phụ nữ có cái tên nghe lạ lẫm như: “Sỹ Thị…”, “Đăng Thị…”, “Quý Thị…”, “Đắc Thị…”, “Văn Thị…” v.v.

Giải thích về tục lệ kỳ lạ này, ông Đạt – một người chép sử của làng nói rằng: Xuất phát từ việc các cụ ngày xưa thay tên đổi họ do chiến tranh, địch họa nhằm tránh bị đánh, giết. Mặt khác, cha mẹ luôn muốn con cái sinh ra phải nhớ lấy cội nguồn, gốc rễ. Đàn bà chính là nguồn (do ảnh hưởng từ chế độ mẫu hệ), đàn ông là cội. Con trai lấy họ cha để giữ cội, con gái mang tên đệm cha làm họ để giữ nguồn…

Đặc biệt, những phụ nữ ở xã Sơn Đồng và Cộng Hòa, nhất là những gia đình truyền thống làm nông nghiệp hay nghề phụ đều khăng khăng họ của mình là từ đứng thứ hai chứ không phải đầu tiên trong tên cha.

“Ông Nguyễn Đăng Tân, Trưởng phòng Tư pháp xã Sơn Đồng, cho biết, mỗi khi có cặp vợ chồng mới sinh con gái tới làm thủ tục, ông đều khuyên họ nên lấy họ cha cho con. Nhưng “người dân cho rằng họ của mình là từ đứng thứ hai chứ không phải đứng đầu tiên nên họ không nghe, đặc biệt là những gia đình làm ruộng và nghề phụ”,ông Tân than thở…” Thông tin trên báo Đất Việt.

Chính việc đặt tên không giống ai này đã mang lại rắc rối cho những người dân xuất thân từ những địa phương nói trên khi họ đi công tác, làm việc, thậm chí là những em học sinh, sinh viên còn đang đi học.

Như Sơn Đồng vốn là một xã có truyền thống học tập tốt. Song chính vì tục lệ lạ lùng trên mà nhiều học sinh, sinh viên nữ “phát khóc” vì rất nhiều thủ tục pháp lý có liên quan đến lý lịch, hộ khẩu. Trong các trường hợp thực tiễn, khi con gái không mang họ cha như thông lệ, một câu hỏi lớn sẽ được đặt ra. Và lập tức, cô gái sẽ bị rà soát lại lý lịch. Cô giáo Đức Thị Thanh Hiền, một giáo viên trẻ ở trường tiểu học Sơn Đồng đã gặp phải rắc rối lớn với chính cái tên lạ lẫm của mình, và bỏ lỡ một suất học bổng nước ngoài lớn. Trường hợp được tờ Sức khỏe đời sống dẫn chứng.

Báo Đất Việt cũng dẫn lời nguyên Bí thư huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Trọng Trúc về vấn đề này. Ông cho rằng, cách đặt tên họ cho con gái như ở Sơn Đồng rõ ràng là không giống với các địa phương khác, song không dễ để chính quyền địa phương “ép” người dân có thể thay đổi một tập tục dường như đã “ngấm vào máu”.

Theo thông tin từ báo giới trong nước, chính quyền các xã nói trên cũng tích cực vận động người dân địa phương họ đặt tên cho con gái theo đúng họ cha, nhằm tránh những bất cập trong thủ tục hành chính về sau. Do đó, nhiều năm gần đây, các trường hợp lấy tên đệm cha làm họ cho con gái đã giảm đáng kể.

Ngoài ra, các nhà soạn thảo luật cũng kiến nghị đưa vào Luật hộ tịch những điều thống nhất để xác định họ, dân tộc sao cho phù hợp với tập quán, truyền thống mà vẫn đảm bảo đúng quy định, pháp luật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại