Nhức lòng tin lũ cuốn
Vụ đầu tiên xảy ra tại đập tràn Khe Ang, đoạn chảy qua xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn, Nghệ An khiến 5 người thiệt mạng. Chiếc ô tô 7 chỗ ngồi do một cán bộ thanh tra giao thông lái đã bị nước cuốn trôi khi đi qua đập tràn này. Lái xe và người ngồi cạnh thoát nạn, còn lại 5 người khác không thể thoát ra. Họ bị dòng nước nhấn chìm cùng chiếc xe.
Đau lòng hơn, 4/5 người bị cuốn trôi trong xe ô tô là mẹ con, bà cháu ruột thịt. Nghệ An đã huy động vài trăm người để tìm kiếm nhưng sau 1 ngày vẫn vô vọng.
Đội cứu hộ vật lộn trong mưa tìm kiếm người gặp nạn.
Người Nghệ An đang căng mình ngóng tin mưa lũ, tìm nạn nhân vụ ô tô bị nước dữ nhấn chìm thì chiều ngày 20/9, nhận được một tin bàng hoàng khác: 4 cha con anh Nguyễn Đình Bảy (31 tuổi, xã Quang Thành, Yên Thành, Nghệ An) bị lũ cuốn.
Anh Bảy chở 3 con (4, 6 và 8 tuổi) đi ăn giỗ. Khi về tới đập tràn Nhân Sơn xã bên cạnh thì bị nước lũ cuốn. Người cha chỉ cứu được 2 con, cô con gái 6 tuổi đã bị nhấn chìm. Vài giờ sau đó, thi thể cô bé xấu số đã được tìm thấy.
Thương tâm hơn, cũng trong chiều ngày 20/9, em Nguyễn Sỹ Phúc (SN 1996, trú tại xóm 9, xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị nước lũ ở đập tràn nối liền xã Nghi Mỹ và Nghi Công Bắc. Phúc học lớp 12.
Lúc đó, Phúc cùng 2 người bạn về tới đập tràn thì thấy 3 thanh niên đi xe máy bị nước lũ cuốn. Nam sinh này dũng cảm cùng bạn nhảy xuống cứu người. Tuy nhiên, 3 thanh niên lạ mặt được cứu lên thì Phúc bị nước lớn cuốn trôi. Huyện Nghi Lộc đã tìm mọi cách tìm kiếm nhưng thi thể cậu học sinh dũng cảm chưa thấy đâu.
Vì đâu nên nỗi?
Khe Ang – cái tên có lẽ được nhắc nhiều nhất ở Nghệ An trong 2 ngày nay. Dân địa phương gọi đập tràn này là “điểm đen” mùa nước lũ. Năm 2011, 1 chiếc ô tô 4 chỗ đã bị dòng nước dữ qua đập tràn này cuốn trôi. May mắn 4 người trên xe thoát nạn.
Đập tràn khi không có lũ.
Người dân ở đây cho hay, đập tràn Khe Ang qua suối Tên Lửa, đổ ra sông Hiếu. Năm nào ở đây cũng có tai nạn. Đây là con đường độc đạo, lối đi chung của người dân 3 – 4 xã. Vì thế, hễ mưa xuống là học sinh phải nghỉ học.
“Những đập tràn qua suối ở miền núi Nghệ An thì nhiều lắm, dân tự quản lý, cảnh báo mưa lũ. Đập tràn Khe Ang gần cuối dòng suối, khoảng vài km nữa là đổ ra sông nên mỗi lần mưa lớn, nước ầm ầm đổ trên núi xuống chảy rất dữ. Nhưng đây là lối đi độc nhất, có việc vẫn phải qua. Nhiều năm, chúng tôi kiến nghị cấp trên xây cầu vượt qua đập này cho các cháu đi học đỡ nguy hiểm nhưng tới nay vẫn không thấy”, một người dân địa phương nói.
* Xem thêm thông tin về các vụ lũ cuốn tại đây.