LTS: Vụ thảm sát kinh hoàng tiệm vàng Ngọc Bích chấn động dư luận của sát thủ Lê Văn Luyện đã trôi qua được hơn hai năm. Cái tên của Luyện đã dần dần lùi xa mặt báo, nhưng với những người thân của hung thủ và nạn nhân thì nỗi ám ảnh, sự đau đớn tột cùng mà họ phải gánh chịu, chưa bao giờ nguôi ngoai.
Họ đã sống vật vã, ám ảnh ra sao trong suốt hai năm qua? Mời Quý độc giả lần lượt đón đọc tuyến bài công phu của nhóm phóng viên báo điện tử Trí thức trẻ: NHỮNG SỐ PHẬN ĐAU ĐỚN SAU THẢM ÁN.
Bài 1: Tận mắt "ngôi nhà hoang phế" của sát thủ Lê Văn Luyện
Bài 2: Hình ảnh mới nhất trong "ngôi nhà hoang" của Lê Văn Luyện
Bài 3: Tìm đến nơi "ở ẩn" đặc biệt của người mẹ sát thủ Lê Văn Luyện
Bài 4: Cậu ruột Lê Văn Luyện: Gia đình chị tôi tan nát hết rồi
Bài 5: Bà ngoại 78 tuổi của sát thủ Lê Văn Luyện: Tôi chỉ có một ước mơ
Đứng rất lâu ở ngã ba khu Giàng (Thanh Lâm, Lục Nam, Bắc Giang), cách nhà mẹ đẻ chị Trương Thị Thơm (mẹ của Lê Văn Luyện) chừng 50m, chúng tôi càng hiểu thêm tình cảm mà mỗi người dân xã Thanh Lâm dành cho từng thành viên trong gia đình chị. Đặc biệt là từ sau vụ thảm sát mà Lê Văn Luyện gây ra ở tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Phương Sơn, Lục Nam). Không ai dị nghị hay xa lánh chị Thơm, họ luôn sẵn sàng chia sẻ và động viên chị trong mọi lúc.
Dù rất bất ngờ và ban đầu ai nấy cũng phẫn nộ trước hành động “máu lạnh” của Luyện, nhưng sau rồi, tất cả đều cùng chung suy nghĩ: “Đó là phút bồng bột của tuổi trẻ. Chỉ vì một người mà gây khổ cho không biết bao nhiêu người”.
Những vết nứt trên mái nhà nơi Luyện từng sinh sống đã xuất hiện, ánh sáng lọt vào nhưng không đủ sức làm ấm lên cái lạnh đang bao trùm khắp nơi
16h, mọi sinh hoạt ở ngã ba này tấp nập hơn: người bán cá, người đi mua hàng, người bế cháu đi chơi… Chị T. (chủ quán tạp hóa ở đây) chỉ cho chúng tôi nơi từng là gian hàng bán thịt lợn hơn 2 năm trước của gia đình chị Thơm. Anh Lê Văn Miên (bố của Luyện) bán hàng ngay gần nhà, còn chị Thơm bán ở khu vực này. Luyện thỉnh thoảng cũng ra đỡ đần mẹ và bán hàng những khi mẹ đi vắng.
“Nó vẫn chạy đi chạy lại như thế, nhanh nhẹn, hoạt bát và cũng ngoan nên không ai nghĩ nó lại hành động như thế. Chắc bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xấu từ khi đi làm bên ngoài thôi”, chị T. thở dài.
Cùng bán hàng ở đây nên dù bây giờ khi chị Thơm đã “ở ẩn” nhưng thỉnh thoảng chị T. vẫn gặp và ngồi nói chuyện cùng chị Thơm. Nhưng cũng chỉ là những câu chuyện bên lề cuộc sống. Sợ khơi lại những kí ức buồn sẽ khiến chị Thơm lại khóc, lại nghĩ, nên trong mọi câu chuyện chị T. không bao giờ nhắc tới điều gì liên quan tới Luyện.
“Đi đâu chị Thơm cũng phải có người đi cùng để nói chuyện. Vì chị sợ đi một mình sẽ lại suy nghĩ về chồng, về con rồi lại buồn, lại sinh bệnh. Chị ấy làm nhiều việc lắm, làm quần quật thế để không còn thời gian suy nghĩ nữa”, chị T. chia sẻ.
Mỗi người có mặt ở ngã ba đấy lại xen vào câu chuyện của chúng tôi vài ba lời bình luận về thảm án năm xưa do Lê Văn Luyện gây ra. Họ đều bảo chị Thơm thường xuyên về nhà mẹ đẻ. Không ai bảo ai, tất cả cùng hướng mắt về phía ngôi nhà nằm lọt sâu chừng 3m so với mặt đường lớn, nơi mẹ chị Thơm đang hì hụi quét từng chiếc lá rơi dưới sân, nơi con trai út của chị Thơm hàng ngày sống cùng bà ngoại và cậu ruột.
“Chẳng biết mấy giờ chị ấy mới về. Không hiểu hôm nay chị ấy có về đây không. Lúc đi, lúc ở, chẳng có thời gian và địa điểm cố định”, chị T. thở dài.
Cách đó khoảng 4km, ở Trại Mạc (Bảo Sơn, Lục Nam, Bắc Giang), nhà chị Trương Thị Thông (chị gái của mẹ Lê Văn Luyện) cũng là nơi mà chị Thơm hay lui về ở.
Chị Thông cho chúng tôi hay, chị Thơm hôm nay đi làm ở Thanh Giã (Tam Dị, Lục Nam) phải tối muộn mới về: “Dì Thơm không có điện thoại, lúc dì ấy ở nhà này, lúc lại ở nhà khác chứ không cố định nhà ai. Có khi về nhà tôi chỉ vài ba câu hỏi thăm các cháu rồi lại đi. Dì ấy lên Thanh Giã làm thuê, hết làm phu hồ lại đi cắt hành, làm cỏ… Có việc gì làm việc nấy để kiếm tiền nuôi thằng Q (con trai út của chị Thơm – PV) ăn học. Làm cả ngày cũng kiếm được 80 – 100 nghìn. Nhưng có phải lúc nào cũng có việc đâu. Cuộc sống khó khăn lắm. Ba tháng nay tôi cũng chưa xuống khu Giàng để thăm bà nên cũng không nắm rõ dì Thơm có hay về đó không”.
Khi chúng tôi quay trở lại nhà anh Trương Văn Thắng (cậu ruột Lê Văn Luyện) thì đồng hồ đã nhích dần về 18h. Anh Thắng quay sang chúng tôi lắc đầu: “Chị ấy vẫn chưa đi làm về. Có lẽ chị ngại gặp mọi người...”.
Phía bên ngoài trời đã tối mịt. Bóng tối bao trùm mọi ngóc ngách, từng cơn gió lạnh tràn về khiến câu chuyện cũng trở nên gấp gáp. Chỉ vào hai hàng phiếu bé ngoan dán trên tủ, anh Thắng cười nói: “Đấy là phiếu bé ngoan của bé Q, em út của Luyện đấy”.
Có lẽ trong gia đình Luyện, đứa em út là người đỡ bị ảnh hưởng nhất vì còn khá nhỏ. Trong sự thương xót, cảm thông của họ hàng, làng xóm thì cuộc sống, việc học hành của em Q đã trở lại bình thường từ rất lâu. Sau những đổ vỡ đau đớn của cả gia đình, thành viên bé nhỏ này đang trở thành niềm hy vọng về một sự cứu chuộc và hồi sinh...