Thực chất bé Linh không bị bệnh bẩm sinh như gia đình nói
Sau khi nhận được thông tin “Cháu bé 1 tuổi tử vong bất thường sau khi được y tá tiêm thuốc”, chúng tôi tìm về thôn Hà Vĩ, Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội để tìm hiểu thực chất của sự “bất thường” ấy.
Dọc theo đường Tô Hiệu (phố Tía, Thường Tín) và khắp các thôn ở xã Lê Lợi, câu chuyện về cái chết của bé gái 1 tuổi và cô y tá tiêm thuốc cùng vị bác sĩ đã không trực tiếp thăm khám bệnh nhân, vẫn đang “nóng” nên không khó để chúng tôi tiếp cận được địa chỉ của các nhân vật đã nêu trong câu chuyện này.
Ngôi nhà của chị Lương Thị Nguyệt (SN 1984, mẹ bé Khánh Linh), bầu không khí tang thương đang bao trùm. Hai vợ chồng chị Nguyệt mỗi người nằm một giường. Ai trong số họ cũng đều mệt mỏi sau sự ra đi không hẹn trước của đứa con gái út. Chị Nguyệt vẫn chưa tìm lại được nụ cười dù chỉ là nụ cười gượng, nét mặt lúc nào cũng ủ rũ. Tiếng nói của chị phải cố gắng lắm người đối diện mới nghe được.
“Cháu Linh có tiền sử bệnh phổi rồi. Sinh được ba con gái nhưng đứa nào cũng ốm đau, bệnh tật. Đứa lớn từ lúc mới sinh đã phải nuôi lồng kính vì sinh non”, chồng chị Nguyệt thở dài và không muốn nhắc lại câu chuyện về cái chết bất thường của con và chỉ muốn tìm lại sự bình yên cho gia đình mình.
Mang câu chuyện về bệnh lý của bé Khánh Linh hỏi những người hàng xóm thì chỉ nhận được những cái lắc đầu của họ. Theo đó, bé Linh chỉ thỉnh thoảng bị ho chứ không mắc bệnh gì từ nhỏ như lời bố cháu đã kể trước đó.
Theo hướng dẫn của người dân khi câu chuyện về cái chết bất thường không được gia đình “mở”, chúng tôi tìm tới ủy ban nhân dân xã. Bởi lẽ, sau khi bé Linh mất, gia đình đã làm đơn trình báo lên chính quyền địa phương để yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của bé.
Gia đình nạn nhân muốn rút đơn kiện sau cuộc thỏa thuận giữa hai bên
Theo một cán bộ xã (xin được giấu tên) kể lại: 14h ngày 14/6, chính quyền địa phương nhận được đơn trình báo của gia đình cháu Lê Khánh Linh với nội dung: “Muốn làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé”. Phía công an xã, một mặt cử người xuống gia đình lập biên bản, một mặt báo cho công an huyện để có sự hỗ trợ, can thiệp vì sự việc mang tính chất nghiêm trọng liên quan tới tính mạng con người.
Khi công an xuống thì gia đình đã mang cháu ra nhà âm hồn của thôn và thi hài đã được nhập quan để chuẩn bị mang đi chôn. 3 người nhà của bác sĩ Phạm An Sơn (SN 1969, Tô Hiệu) hiện là Trưởng khoa Nhi bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, nhân vật “tâm điểm” của sự việc, cũng có mặt tại đó.
Nhằm phục vụ cho công tác điều tra, công an yêu cầu giữ lại tử thi để làm khám nghiệm. Nhưng vì cháu còn nhỏ nên chị Nguyệt yêu cầu không khám nghiệm tử thi. Và gia đình đã viết thêm đơn từ chối việc khám nghiệm tử thi.
Điều đáng nói ở đây, theo cán bộ xã Lê Lợi thì lúc 14h gia đình còn rất bức xúc khi đưa đơn trình báo nhưng chỉ sau đó ít giờ đồng hồ, sau khi thỏa thuận với gia đình bác sĩ Sơn thì gia đình chị Nguyệt lại có ý rút lại đơn và không muốn khiếu kiện gì???
“Tuy nhiên đây là một sự việc có tính chất nghiêm trọng và cơ quan chức năng đã nhận được đơn trình báo từ phía gia đình nạn nhân nên mọi sự việc phải được làm sáng rõ. Còn việc hai bên gia đình thỏa thuận, có bồi thường thiệt hại thì đó cũng chỉ là yếu tố nhằm giảm nhẹ tình tiết”, vị cán bộ xã cho biết.
Chị Lê Thị Nguyệt đã kể lại tường tận câu chuyện với cán bộ xã. Theo đó, trước khi sự việc xảy ra, bé Khánh Linh đã có biểu hiện bị ho và chị Nguyệt cũng nhiều lần lên nhà bác sĩ Sơn ở đường Tô Hiệu để mua thuốc.
6h30 sáng 13/6, chị Nguyệt đưa con đi tiêm. Tại thời điểm đó, bé Linh không bị sốt, nhiệt độ cơ thể vẫn duy trì là 37 độ. Lúc này, bác sĩ Sơn vẫn có nhà nhưng lại không trực tiếp thăm khám mà cử y tá Phạm Thị Huệ thử phản ứng thuốc. Sau khi y tá thử phản ứng thuốc xong, bác sĩ Sơn rời nhà. Và y tá Huệ đã tiến hành tiêm 3 lọ thuốc cho cháu bé. Bản thân chị Nguyệt cũng không nhớ rõ tên thuốc.
Ngay khi vừa tiêm xong thì cháu Linh có biểu hiện co giật, người tím tái. Hốt hoảng, y tá Huệ cùng chị Nguyệt đưa cháu lên khoa Nhi bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín. Tại đây người cấp cứu trực tiếp cho cháu Linh chính là bác sĩ Sơn.
Có nhiều dấu hiệu bất thường nên bệnh viện đã chuyển cháu Linh lên bệnh viện Nhi Trung ương. 10h ngày 14/6, cháu Lê Khánh Linh tử vong.
Cũng theo lời cán bộ xã thì sau sự cố hôm đó đại diện gia đình có nói, bác sĩ Sơn bảo “nếu có vấn đề gì cứ liên lạc với tôi!!!”.
Chúng tôi tìm tới nhà bác sĩ Sơn thì thực chất đây là đại lý bán sữa Hương Sơn. Bác sĩ Sơn không mở phòng khám mà chỉ là có ai tới nhờ thì bác sĩ giúp. Y tá Phạm Thị Huệ là người nhà của bác sĩ Sơn, thỉnh thoảng tới hỗ trợ bác sĩ khi có người tới thăm khám. Từ sau khi xảy ra sự việc, y tá Huệ cũng không tới đây nữa và cũng thường xuyên không có mặt ở nhà. Bản thân bác sĩ Sơn, theo người bán hàng sữa ở đây thì cũng đang vắng nhà, ở cả bệnh viện cũng không có sự xuất hiện của bác sĩ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ sự việc này để cung cấp tới độc giả những thông tin chính xác nhất về cái chết bất thường của bé Khánh Linh.