Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Lạc Trung, Hà Nội) là nơi học tập hòa nhập của 170 em học sinh khiếm thị. Không chỉ được học văn hóa, các em khiếm thị còn được học nghề làm gốm, các môn nghệ thuật như vẽ, học âm nhạc…với mục đích hướng đến phát triển toàn diện và tạo công ăn việc làm cho em sau khi ra trường.
“Ngôi nhà nghệ thuật” là nơi học tập và sáng tạo của các “nghệ nhân” gốm nhí. Mỗi sản phẩm đều là tâm huyết từ bàn tay, trái tim cùng trí tưởng tượng phong phú của học sinh khiếm thị nơi đây.
Theo thầy Hiệu trưởng nhà trường Thái Văn Hòa, năm nay có hơn 150 sản phẩm đồ gốm, tranh vẽ của các em được đem đi triển lãm và đấu giá ở Thụy Điển. Đặc biệt, những bức vẽ của các em sẽ được chọn trưng bày trong triển lãm vẽ tranh thiếu nhi toàn quốc năm 2013.
Bùi Thế Thành (sinh năm 1990) mặc dù không nhìn thấy nhưng cậu lại có sở thích vẽ chân dung để biểu lộ cảm xúc. Để nặn được những khuôn mặt, Thành lần sờ vào mặt của mình, của người khác tưởng tượng và tạo nên những bức tượng độc đáo.
Những bức tượng hình mặt người được Thành nặn.
Còn Phùng Văn Minh (Ba Vì, Hà Nội), học sinh lớp 8A1 đến với việc làm gốm từ sở thích nặn đất từ hồi nhỏ. Sau một năm nặn các hình khối thành thạo, Minh bắt đầu sử dụng bàn xoay để tạo sản phẩm tương đối chính xác.
Phùng Văn Minh sờ để nhận ra các sản phẩm của mình.
Mắt trái bị mù bẩm sinh, mắt phải chỉ phân biệt được sáng tối, Minh phải sờ vào đồ vật, tưởng tượng để nặn.
Mỗi sản phẩm đồ gốm của các em đều được làm bằng trái tim, tâm huyết của học sinh khiếm thị. Có sản phẩm được hoàn thành ít thì mất 30 phút, nhiều thì cả ngày…
Lê Huy Hào (Điện Biên, học sinh lớp 8A1, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu) đã học làm gốm được 5 năm. Hào muốn thể hiện suy nghĩ của bản thân, cảm nhận về vạn vật xung quanh.
Đối với Hào, dù sản phẩm mình làm ra không chuẩn xác nhưng đó đều là vô giá. Bởi đó là những gì trừu tượng, không thể đánh giá bằng số tiền nào đó.
Mặc dù nhìn thấy mờ mờ, chỉ phân biệt được sáng tối, Lê Huy Hào tạo ra những tác phẩm đẹp.
“Đôi mắt em không bình thường nữa nên mất đi nguồn tiếp nhận thông tin, không thể quan sát được xung quanh. Mỗi lần nặn, em nhờ thầy dạy miêu tả tỷ lệ, quan trọng là trí tưởng tượng”, Hào cho biết.
Tác phẩm mà Hào tâm đắc nhất chính là hình ảnh cây cầu Hàm Rồng là nơi bố mẹ em sinh ra và mỗi lần về quê cây cầu lịch sử đã in trong tâm trí.
Để mang đến cho các em khiếm thị một mùa trung thu trọn vẹn, đầy yêu thương, Báo Điện tử Trí Thứ Trẻ cùng tình nguyện viên nhóm Sống hướng thiện tổ chức bán đấu giá các bức vẽ, sản phẩm gốm đặc biệt. Tất cả số tiền thu về được trao tặng cho các em học sinh khiếm thị vào tối trung thu "Ánh sáng tâm hồn" thứ 4 (ngày 18/9) tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu.
Những sản phẩm gốm từ tinh xảo, chính xác đến những sản phẩm giàu tính sáng tạo, công phu, ngộ nghĩnh mang theo thông điệp, ước mơ của những học sinh khiếm thị.
Những bức vẽ được tạo ra hết sức đặc biệt. Bạn sẽ khâm phục khả năng tưởng tượng, sáng tạo và sự nỗ lực của các em khi chứng kiến cách học sinh khiếm thị dựa vào sự cảm nhận của đôi tay vẽ được bức tranh hoàn thiện.
Để vẽ được, dưới mỗi giấy vẽ có đặt tấm lưới để giúp học sinh khiếm thị sờ, nhận biết đường để vẽ, tô màu.
Bức vẽ Chúc mừng năm mới có bánh chưng ngày tết.
Nguyễn Thị Lan Anh và bức tranh "Lọ con cá".
Bức vẽ đầy màu sắc, sáng tạo của Trần Văn Dũng (lớp 2C) với "Chiến binh giáp sắt".
Chương trình "NGẮM TRĂNG, ĐÓN TRUNG THU VỚI TRẺ EM MÙ NGHÈO" do Báo điện tử Trí thức trẻ (Soha News), các thành viên SỐNG HƯỚNG THIỆN và trường mù Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) tổ chức sẽ diễn ra vào tối 14 âm lịch (tối 18/9, thứ 4).
Trong chương trình, các em học sinh khiếm thị sẽ được tham gia các chương trình văn nghệ, trò chơi và đố vui có thưởng.
Các phần quà có ý nghĩa sẽ được báo điện tử Trí Thức Trẻ - Soha News cùng các thành viên nhóm Sống Hướng Thiện trao tặng học sinh khiếm thị.
Đặc biệt, chương trình sẽ xuất hiện những vị khách mời nổi tiếng: Ca sĩ Minh Quân, Á hậu Dương Tú Anh, Hoa hậu biển Vân Anh, ca sĩ Ngọc Minh, ca sĩ Trung Quân, ca sĩ Nam Hùng, nhà tạo mẫu tóc Trương Quang Vinh...