Thượng nguồn sông Đà thuộc xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) khởi nguồn từ độ cao 1.500m tại núi Ngụy Sơn của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trên địa phận Việt Nam, sông Đà chạy dài hơn 900km, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi nhập với sông Hồng tại Phú Thọ. Khi hoa Trạng Nguyên nở đỏ các mỏm đá ven sông, cũng là thời điểm các bản làng người Mông ven sông rộn ràng đón Tết.
Bàn thờ làm từ lông gà
Bản Nàng Giang, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, nằm trên địa giới hai thôn Háng Chua 1 và 2, với tổng số 749 nhân khẩu, toàn bộ đều là người Mông. Bản chỉ có hơn chục nóc nhà, phân bố tự do, nhà nào cũng tựa lưng vào núi, quay mặt xuống ruộng. Để vào được bản, người ta phải đi thuyền hơn chục km đường sông từ bến đò Huổi Nóng, xã Huổi Só, leo núi chừng 1km nữa, sẽ đến được trung tâm bản.
Đối với người Mông, ngôi nhà không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là nơi bảo vệ hồn lúa, hồn ngô, nơi cúng ma, là một điểm mốc trong hành trình hồn ma tìm về với tổ tiên, vì vậy, việc cần làm đầu tiên khi Tết đến là trang trí nhà cửa. Chọn một ngày đẹp trong lịch người Mông, ông chủ nhà sẽ dán một tấm giấy bản có quệt tiết gà hoặc một tấm vải đỏ lên xà ngang của cửa chính. Cửa này đóng kín quanh năm, chỉ mở vào những dịp cúng lễ, đám ma hay đám cưới. Tiếp đó, toàn bộ vải đỏ hay giấy bản bôi tiết gà được dán tại các vị trí khác trong nhà đều được thay mới.
Vào ngày đầu năm mới, người Mông mổ gà cúng thần linh và tổ tiên, lấy lông gà buộc thành nhúm rồi nhúng vào tiết gà, dán lên bàn thờ. Mỗi năm, vào dịp Tết, lông gà trên bàn thờ lại được thay một lần. Người Mông sử dụng giấy bản màu đỏ, vàng, trắng… dán lên vách hậu để làm bàn thờ với mong muốn những tờ giấy đó tượng trưng cho vàng, bạc… làm như vậy, vàng, bạc sẽ tự đến nhà, gia chủ sẽ được no ấm, đủ đầy…
Người Mông họ Giàng không ăn tim lợn
Vào dịp Tết, đồng bào Mông ven sông Đà chủ yếu chỉ ăn thịt động vật. Giống như người Pu Péo và Lô Lô, người Mông thường mổ lợn ăn Tết từ 23 tháng Chạp. Thường mấy nhà cùng họ chung nhau mổ một con lợn, phần thịt không ăn hết, họ chế biến thành món ăn có thể ăn trong cả năm. Người Mông họ Giàng kiêng không ăn tim lợn. Chuyện kể rằng, nhà kia có ba anh em trai, người em út không được khôn ngoan như hai người anh.
Một hôm, người nhà mổ lợn cúng ma, sai người em út trông nồi thịt lợn luộc. Khi người già sai hai anh lớn vào nồi vớt thịt lên để cúng thì thấy thiếu quả tim lợn. Nghi là người em đã ăn mất, lại sợ người già mắng và bị thần linh trừng phạt, hai người anh bèn giết chết em mình rồi lấy tim người em thay cho quả tim lợn. Về sau, người nhà tìm được quả tim lợn bị mất, mới biết chuyện hai người anh đã giết em mình. Từ đó, người họ Giàng kiêng không bao giờ ăn tim lợn, đặc biệt là không bao giờ dùng tim lợn để cúng.
Mâm cỗ ngày Tết của người Mông.
Thịt gà thường được luộc chín, chặt thành từng miếng nhỏ chấm với muối hạt to dầm ớt khô. Khi thịt gà, bao giờ người Mông cũng đánh tiết canh với lòng mề... Món tiết canh được cho nhiều lá chanh và rau thơm, ăn có vị hơi tanh nhưng rất bùi, thơm, giòn và ngọt. Ngày Tết, gà thường được chặt miếng to bản, làm món gà nấu đông ăn trong vài ngày.
Thịt trâu được chế biến thành các món xào, thịt trâu luộc, xương trâu, lòng trâu, da trâu được cho vào chảo, đổ đầy nước, cho thêm một số gia vị đặc trưng, hầm nhừ, tương tự như cách làm thắng cố với thịt ngựa. Thịt ăn không hết cũng để dự trữ bằng cách tẩm ướp thịt với muối và ớt khô rồi treo lên gác bếp.
Đặc biệt, mâm cỗ cúng Tết trên bàn thờ không thể thiếu thịt gà, bánh dầy, mèn mén và rượu ngô. Bánh dầy của người Mông rất đặc biệt. Người ta bóp vụn lòng đỏ trứng gà, trộn lẫn với xôi nếp đã được giã nhuyễn, nặn thành bánh rồi gói trong lá chuối hay lá dong, dùng để cúng ma và ăn trong những ngày Tết.
Và những kiêng kỵ có một không hai…
Để cho mùa màng được tốt tươi, vật nuôi trong nhà sinh sôi phát triển, người Mông kiêng không giẫm lên bếp lò, không để nước làm tắt lửa trong bếp, không để bánh dày bị cháy trong khi nướng, kiêng thổi lửa trong ba ngày Tết... Những kiêng kỵ này không nằm ngoài tín ngưỡng đa thần cổ xưa, vẫn ngự trị trong các cộng đồng người đồng tộc bên kia biên giới…
Những ngày cuối năm, những cô gái Mông bắt đầu đem váy phơi trên các mỏm đá, trên hàng rào hay trên những đống củi xếp cao. Ngô, lúa trên nương đã gặt xong, rượu ngô đã lên men cay nồng, hoa Trạng Nguyên nở đỏ trên các mỏm đá… nhà nhà cùng rộn ràng đón Tết. Trên một khoảng đất rộng thờ cây thiêng của bản, những cây nêu cao lớn sừng sững được dựng lên, tại đây diễn ra những trò chơi như ném còn, kéo co, đánh yến, múa khèn, đẩy gậy…
Nhà của người Mông.
Tiếng reo hò cổ vũ náo nhiệt, những chiếc váy hoa xòe sặc sỡ như những con bướm khổng lồ, nắng hanh hao khiến đôi má của những em bé Mông ửng hồng như quả táo chín… Giữa cái náo nức, rộn ràng, hừng hực sức sống của mùa xuân, dòng Đà Giang vẫn lững lờ chảy, và có thể đây là cái Tết cuối cùng của người Mông bản Nàng Giang trên mảnh đất này.
Thủy điện sông Đà đã đi vào giai đoạn hoàn thành, Nàng Giang cũng như bao bản làng ven sông khác sẽ phải rời đi, nhường chỗ cho đập thủy điện Sông Đà. Tất cả rồi sẽ chìm trôi dưới vùng ngập lòng hồ, nhưng nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của các tộc người bản địa nơi đây sẽ mãi còn ghi dấu cùng thời gian.